Ông Phạm Thanh Khiết, Giám đốc Sở Ngoại vụ Đăk Nông, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Phân giới cắm mốc tỉnh Đăk Nông (thứ hai từ phải). |
Đó chỉ là một phần nhỏ trong những khó khăn mà những người làm công tác phân giới cắm mốc ở Đăk Nông phải đương đầu. Tuy nhiên, nhờ sự phối hợp tốt với các cơ quan trung ương và địa phương cũng như với phía Campuchia, công tác phân giới cắm mốc trên địa bàn Tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tầm quan trọng của công tác biên giới
Tỉnh Đăk Nông được thành lập từ đầu năm 2004, tính đến nay đã gần tròn 10 năm qua. Mặc dù còn khó khăn và bề bộn nhiều công việc, nhưng Tỉnh luôn quan tâm triển khai thực hiện công tác phân giới cắm mốc trên thực địa giữa Việt Nam – Campuchia đoạn biên giới thuộc tỉnh.
Tuyến biên giới giữa tỉnh Đăk Nông và tỉnh Mondulkiri (Campuchia) có chiều dài hơn 130 km, thuộc bảy xã, đi qua bốn huyện biên giới là Cư Jút, Đăk Mil, Đăk Song và Tuy Đức. Đây là nơi có địa hình khá phức tạp, hầu hết là rừng núi, có độ dốc lớn. Mùa khô thì nắng nóng, thiếu nước sinh hoạt. Mùa mưa kéo dài lầy lội. Suối sâu và rộng. Nhiều vị trí cột mốc ở độ dốc cao không có lối vào. Mùa mưa, nước lớn trên các dòng suối tưởng như không thể qua lại được.
Trong khi đó, phía ta, ở Tỉnh có Ban Chỉ đạo phân giới cắm mốc tỉnh và có Đội phân giới cắm mốc nhưng phía Campuchia chỉ có một Đội phân giới cắm mốc. Cùng một lúc, đội này làm việc với nhiều tỉnh phía Campuchia và nhiều tỉnh phía Việt Nam nên thời gian nhiều khi bị gián đoạn.
Nhưng nhờ nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam và Campuchia, được sự quan tâm lãnh đạo của Chính phủ, Ủy ban Biên giới Quốc gia, Cục Ngoại vụ, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Ngoại vụ tỉnh Đăk Nông với tư cách là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Phân giới cắm mốc tỉnh đã tham mưu cho lãnh đạo các cấp triển khai công tác phân giới cắm mốc trên địa bàn đạt nhiều kết quả quan trọng.
Đến nay, công tác phân giới cắm mốc cơ bản hoàn thành nhiệm vụ giai đoạn đầu: cùng với Chính phủ Campuchia xác định ghi nhận kết quả đường biên giới giữa hai bên; hoàn thành 16 cột mốc tại 8 vị trí, đồng thời đã xác định được những vị trí cọc cần xây dựng các dấu mốc phụ; hoàn chỉnh hồ sơ phân giới theo đúng quy định của Ủy ban Liên hợp Phân giới cắm mốc của hai Chính phủ Việt Nam và Campuchia.
Chú trọng tuyên truyền
Thực hiện hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Sở Ngoại vụ đã cung cấp thông tin và phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng với Ban Chỉ đạo Phân giới cắm mốc tỉnh và các sở, ban ngành, các huyện, xã biên giới làm tốt công tác tuyên truyền từ tỉnh đến cơ sở.
Công tác tuyên truyền đã tập trung vào các nội dung trọng tâm như việc phổ biến các văn bản, các cơ sở pháp lý về biên giới, về bảo quản cột mốc, về công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, về tiến độ thực hiện việc phân giới cắm mốc bằng nhiều hình thức tuyên truyền thích hợp và hiệu quả; Cấp phát hơn 3.000 bộ tài liệu do Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Ngoại giao phối hợp biên soạn; Đưa nội dung tuyên truyền vào Bản tin Thông báo nội bộ và Bản tin Thông tin cơ sở của tỉnh trong 15 số đặc biệt chuyên đề về biên giới với số lượng 2.000 bản một số; Phối hợp Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin Truyền thông tuyên truyền cổ động trực quan 8 đợt và 15 đợt tuyên truyền miệng tại các xã biên giới; Lắp đặt 1.630 m2 pa nô và biển báo.
Các phương tiện thông tin đại chúng như Báo Đăk Nông, Đài Phát thanh tuyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, Trang Thông tin điện tử Sở Ngoại vụ bố trí chuyên mục về công tác biên giới. Những hoạt động tuyên truyền này góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về công tác biên giới và công tác phân giới cắm mốc, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới.
Phối hợp đồng bộ
Trong công tác phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và với các sở ngành rất được chú trọng và có hiệu quả cao. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh thực hiện tốt tác nghiệp, cử cán bộ, chiến sỹ có kinh nghiệm, nhiệt tình tham gia Đội Phân giới cắm mốc, các đồn biên phòng xác định trách nhiệm tổ chức bảo vệ, dẫn đường, đảm bảo an toàn, an ninh tạo điều kiện thuân lợi cho công tác phân giới cắm mốc, nhất là việc phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia trong việc bảo vệ tốt nguyên hiện trạng biên giới, bảo vệ cọc dấu vị trí mốc, các cọc dấu đánh dấu đường biên giới đã xác định trên thực địa, không để các cọc dấu bị mất hoặc bị xê dịch. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tổ chức kế hoạch rà phá bom mìn, vật liệu nổ trên tuyến biên giới phục vụ kịp thời theo tiến độ công tác phân giới cắm mốc, trực tiếp tổ chức và thi công các mốc biên giới trong điều kiện địa hình, địa thế khó khăn và phức tạp…
Đặc biệt quan trọng là sự phối hợp đồng bộ với các huyện, xã biên giới đã tạo ra sự đồng thuận cao trong cán bộ và nhân dân các xã biên giới, công tác giải tỏa, đền bù hoa màu phục vụ căm mốc rất thuận lợi, nhiều hộ gia đình tự nguyện hiến đất, hoa màu, không nhận một khoản tiền đền bù nào.
Từ thực tiễn công tác tham mưu về quản lý biên giới và công tác phân giới cắm mốc, Sở Ngoại vụ Đăk Nông đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quan trọng. Đó là tuân thủ sự lãnh đạo của Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các cơ quan Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND Tỉnh, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan; đặc biệt làm tốt công tác tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với nhân dân khu vực biên giới, nâng cao ý thức bảo vệ biên giới, bảo vệ mốc giới đồng thời tăng cường mối quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt giữa nhân dân Việt Nam và Campuchia, thực hiện đúng đắn đường lối đối ngoại của Đảng trong tình hình hiện nay.
Tư Minh Khánh