Rất nhiều người Syria đã phải rời bỏ nhà cửa, di cư qua biên giới vào Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jordan và Iraq kể từ năm 2011 sau khi biểu tình phản đối Chính phủ trở thành cuộc nội chiến.
Dù tình hình giao tranh đã chững lại vào năm 2016 sau chiến thắng quân sự của Chính phủ tại phía Bắc thành phố Aleppo, số người tị nạn vẫn tiếp tục tăng lên trong năm nay.
“Đây không chỉ là vấn đề về con số mà liên quan đến quyền con người”, phát ngôn viên của UNHCR Babar Baloch nhấn mạnh. Ông Babar Baloch cũng lưu ý, cuộc xung đột đã kéo dài lâu hơn Chiến tranh thế giới thứ Hai.
Tổng Thư ký LHQ António Guterres trao đổi với người tị nạn Syria trong chuyến thăm của ông tới khu tị nạn Al Zaatari (Jordan), gần biên giới Syria ngày 28/3. (Nguồn: Reuters) |
“Chúng tôi đang tìm một đường di chuyển hợp pháp cho người Syria đến các nước khác mà không phải mạo hiểm tính mạng trên Địa Trung Hải”, ông Babar Baloch nói.
Theo UNHCR, năm 2017, thế giới có gần 1,2 triệu người tị nạn cần tái định cư, trong số đó 40% là người Syria.
“Chúng tôi hy vọng thế giới sẽ chú tâm nhiều hơn tới những người tị nạn tuyệt vọng này và các nước sẽ cùng đoàn kết chia sẻ trách nhiệm”, ông Baloch kêu gọi.
Mặc dù số người chạy trốn chiến sự ở Syria đang ngày càng tăng nhưng vẫn còn rất nhiều người mắc kẹt ở lại, phần lớn là phụ nữ và trẻ em.
Từ tháng 4/2011 đến tháng 10/2016, đã có 884.461 người Syria di cư sang châu Âu, và 2/3 đều ở Đức và Thụy Điển. Hàng trăm ngàn người đang lánh nạn ở các quốc gia vùng Vịnh mà không tham gia Công ước năm 1951 về người tị nạn như Saudi Arabia, Qatar, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là nước đón nhận đông người tị nạn Syria nhất với hơn 2,9 triệu người.