Nhỏ Bình thường Lớn

Số phận con tàu “ngủ đông” ngoài vũ trụ

Ngày 13/6, sau bảy tháng “ngủ đông”, tàu thăm dò Philae đã bất ngờ “tỉnh giấc” trên sao Chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko (67P/C-G) và gửi tín hiệu về Trái Đất. Tuy nhiên, không phải tàu thăm dò nào cũng may mắn như Philae…

Tàu thăm dò Huygens của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) chính thức hạ cánh lên bề mặt mặt trăng Titan – vệ tinh lớn nhất của sao Thổ vào ngày 14/1/2005. Nằm ẩn sâu dưới những đám mây khí methane dày đặc, tàu Huygens được trang bị thiết bị tối tân, hiện đại nhất với mục tiêu nghiên cứu một trong những mặt trăng lớn nhất và đáng chú ý nhất của Thái dương hệ. Mặt trăng Titan được cho là có các hợp chất hữu cơ tương tự như những hợp chất từng có ở Trái đất nhiều tỷ năm trước khi sự sống xuất hiện.

Đáng tiếc, chỉ 72 phút sau khi truyền những hình ảnh đầu tiên về tàu mẹ Cassini, tàu Huygens dần cạn kiệt pin và mất liên lạc với Trái đất. “Mười năm đã trôi qua nhưng chúng tôi vẫn chưa thể xác định vị trí cụ thể của tàu Huygens. Có thể nó đã bị lớp đất đá che phủ hoặc bị những trận mưa axit ăn mòn bề mặt”, TS. John Zarnecki, Giám đốc Học viện Không gian quốc tế tại Bern (Thụy Sỹ) dự đoán.

Không riêng gì Huygens, còn rất nhiều tàu du hành và robot thám hiểm khác vẫn đang bị mắc kẹt trên những vùng đất bụi bặm của Mặt trăng và sao Hỏa. Đầu năm 2015, con tàu mang tên Beagle 2 của Anh đã được tìm thấy trên bề mặt sao Hỏa trong tình trạng nguyên vẹn, sau gần 11 năm mất liên lạc.

Beagle 2 thuộc sứ mệnh Mars Express của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, với nhiệm vụ tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất. Tàu vũ trụ dự kiến đổ bộ lên bề mặt hành tinh Đỏ vào ngày Giáng sinh năm 2003. Nhưng đúng vào ngày 25/12, nó đột ngột biến mất không dấu vết và không có bất kỳ thông tin nào kể từ đó.

Mark Sims, người quản lý dự án Beagle 2, cho biết sứ mệnh của con tàu vũ trụ thất bại do không thể kết nối dữ liệu từ sao Hỏa, nhưng nó đã thành công khi đến được mục tiêu, đổ bộ và truyền cảm hứng cho giới khoa học.

Tháng 11/2014, sự biến mất của con tàu thăm dò mang tên Philae khi thám hiểm bề mặt sao Chổi 67P/C-G đã khiến cả giới khoa học xôn xao. Trước đó, việc Philae hạ cánh thành công trên bề mặt sao Chổi từng thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận với hy vọng chuyến thám hiểm sẽ hé lộ bí ẩn về sự hình thành và nguồn gốc của các sao Chổi, hệ Mặt trời và khởi nguồn của sự sống trên Trái đất cách đây 4,6 tỷ năm, mở ra một bước tiến vượt bậc của ngành khoa học vũ trụ trong quá trình nghiên cứu, tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất.

Tuy vậy, sau gần 60 giờ liên lạc và truyền thông tin về mặt đất, ngày 15/11/2014, Philae bị kẹt trong vách đá, không nạp đủ năng lượng và rơi vào tình trạng “ngủ đông”. Các nhà khoa học đã cố gắng xác định vị trí của nó nhưng đều thất bại. Nhiều người từng dự đoán số phận của Philae sẽ không tránh khỏi kết cục “bi thảm” của nhiều tàu thăm dò trước đó.

Một điều bất ngờ đã mang lại niềm phấn khích tột bậc cho các nhà khoa học khi tối ngày 13/6, trụ sở ESA ở Đức nhận được tín hiệu từ Philae sau bảy tháng mất tín hiệu. Với hơn 300 gói dữ liệu truyền về trung tâm, các nhà khoa học đã gọi sự hồi sinh của Philae là “lời chào từ vũ trụ”.

Các chuyên gia của ESA nhận định, trên thực tế, việc tàu thăm dò Philae “ngủ đông” lại là điều “trong rủi có may”. Nếu Philae đáp xuống đúng vị trí như kỳ vọng ban đầu, nó sẽ chỉ có thể hoạt động đến tháng 3/2015 bởi hệ thống pin mặt trời sẽ rơi vào tình trạng quá nóng. Nhưng nhờ được che chắn, Philae giờ có thể hoạt động dù sao Chổi 67P đang tiến gần hơn tới phía mặt trời.

“Chúng tôi vô cùng mừng rỡ, Philae đã sống sót qua mùa đông dài”, kỹ sư hệ thống đổ bộ Laurence O'Rourke hào hứng.

Dự kiến Philae sẽ gửi thêm cho ESA 8.000 dữ liệu khác. Nhiệm vụ kế tiếp của các chuyên gia ESA sẽ là xác định chính xác vị trí của Philae trên sao Chổi 67P/C-G. ESA hy vọng, Philae sẽ sớm hoàn thành nhiệm vụ khoan sâu vào bề mặt sao Chổi để nghiên cứu cấu trúc bên trong của nó.

Ngọc Vũ (tổng hợp)