📞

Số phận Eurozone khó lường

16:04 | 02/06/2011
Xưa có một người đã bị án tử hình. Nhưng trước khi chết, nhà vua bảo rằng nếu dạy được một con ngựa nói chuyện trong một năm thì ông sẽ thoát chết. Người đàn ông đồng ý. Khi được hỏi tại sao? Ông này trả lời điều gì cũng có thể xảy ra: nhà vua có thể chết, ông ta có thể chết và con ngựa sẽ có thể học nói.
Ảnh minh họa

Việc Eurozone giải quyết khủng hoảng nợ tại Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha làm liên tưởng đến câu chuyện trên. Bởi vì, các nhà hoạch định chính sách EU đã và đang cố gắng chạy đua với thời gian chỉ bằng hy vọng.

Số tiền mà Eurozone giải cứu Hy Lạp đã chẳng làm được gì nhiều thậm chí còn tác động xấu đến nhiều nước thành viên khác. Việc trì hoãn cơ cấu lại Hy Lạp cũng không khiến tình hình tại Hy Lạp tốt hơn, ngược lại, nó sẽ chỉ khiến quá trình tái cơ cấu lại các khoản nợ mang lại nhiều hậu quả tồi tệ hơn. Tháng 11/2010, Ireland tiếp bước Hy Lạp cần đến sự hỗ trợ từ bên ngoài. Tháng 4/2011, Bồ Đào Nha tiếp bước Ireland. Và thực tế là, trong khi thỏa thuận cứu trợ mà Bồ Đào Nha ký với EU và IMF còn chưa ráo mực, thì ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc giải cứu tương tự dành cho Hy Lạp năm ngoái đã không thể cải thiện sức khỏe nền tài chính công của nước này. Những lời hứa giảm thâm hụt ngân sách thông qua giảm chi tiêu công và tăng thuế cho đến nay không đủ khiến các trái chủ an lòng, bởi họ biết các biện pháp trên sẽ tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Thậm chí còn có tin đồn, rằng chính Đức đã lên kế hoạch "tống" Hy Lạp ra khỏi Eurozone. Các gói cứu trợ dành cho Hy Lạp và Ailen khiến hai quốc gia này phải đối mặt với chi phí vay nợ cao kỷ lục, thay vì giúp họ tiếp cận dễ dàng hơn các thị trường tài chính. Ít ai tin rằng kinh tế các nước đang gặp khó khăn trong Eurozone sẽ tăng trưởng đủ nhanh để trả nợ. Cho các nước này vay thêm tiền càng khiến giới đầu tư hoài nghi hơn. Triển vọng đối với Bồ Đào Nha cũng tương tự, dù nước này được EU và IMF ưu đãi với các điều khoản ít hà khắc hơn.

Cả ba nước nói trên cuối cùng rồi sẽ phải tái cơ cấu các khoản nợ của họ. Ban đầu, EU tìm cách để các nước này được "tái cơ cấu mềm", nghĩa là họ sẽ được hưởng các khoản vay có kỳ hạn dài hơn và lãi suất thấp hơn. Nhưng giải pháp này sẽ không thành công, và năm 2013 các nước này sẽ không còn lựa chọn nào khác là phải "tái cơ cấu cứng" hay nghĩa đen là vỡ nợ và ít nhất 50% số nợ sẽ được xóa bỏ. Thật không may, ngay cả khi phải chấp nhận "tái cơ cấu cứng", sẽ không có gì đảm bảo các nước khủng hoảng sẽ duy trì được quy chế thành viên của Eurozone, ít nhất là trường hợp của Hy Lạp và Bồ Đào Nha.

Giả thiết mọi kế hoạch tái cơ cấu sẽ thành công. Điều gì sẽ diễn ra sau đó?

Cắt giảm gánh nặng nợ nần cho các nước bị khủng hoảng sẽ chỉ giúp họ xử lý vấn đề được đến vậy. Cắt giảm 50-60% tổng số tiền phải trả hàng tháng đối với các khoản vay nợ chắc chắn sẽ cải thiện sức khỏe tài chính của các nước này về lâu dài. Nhưng trừ phi các nước này chấp nhận mức lãi suất cắt cổ, họ sẽ khó lòng vay vốn được trên thị trường trái phiếu.

Hiện chỉ có Ireland là còn cơ hội thuyết phục được các nhà đầu tư, cả Hy Lạp và Bồ Đào Nha đều u ám hơn. Việc các nước Eurozone tiếp tục tung ra các khoản cứu trợ mới dành cho Hy Lạp và Bồ Đào Nha là khó xảy ra. Họ đều nhận thấy việc tiếp tục cho một nước, vốn đã bấp bênh trên khoản nợ hiện có, vay thêm tiền sẽ không thể giải quyết vấn đề. Như vậy, chỉ còn hai giải pháp: Chuyển nhượng tài chính tức là EU sẽ san gánh nợ của một thành viên cho các nước khác hoặc "tống khứ" kẻ gây phiền toái ra khỏi liên minh tiền tệ.

Đối mặt với nguy cơ các nước khác sẽ rời bỏ liên minh, không thể loại bỏ hoàn toàn khả năng Eurozone sẽ phải đi theo hướng thứ hai. Nhưng cơ chế chính trị hiện nay của EU khiến việc đi theo hướng này là vô cùng khó khăn. Mọi tình huống đều là bất khả, dù chỉ là giả định. Tuy nhiên, với những rào cản trong vấn đề chuyển nhượng tài chính giữa các thành viên Eurozone, cũng không thể nói rằng khả năng một con nợ phải rút khỏi liên minh là chuyện không thể.

Với lời cảnh báo u ám trên, EU và IMF nghĩ cần phải làm một điều gì đó, nhưng họ chưa biết phải làm gì. Công bằng mà nói, đó là một nhiệm vụ khó khăn. Nếu Eurozone được tạo ra từ các nước thành viên có sự tương đồng cơ bản về phát triển kinh tế và cơ cấu công nghiệp, có lẽ đồng euro đã có thể hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng với việc gom 17 nền kinh tế có năng suất lao động khác nhau, ngôn ngữ khác nhau và văn hóa kinh doanh khác nhau, cỗ xe Eurozone đang lao đến một vách đá.

An Sinh