Quang cảnh bên ngoài sân vận động Fisht tại Lễ khai mạc ngày 7/2. |
Lễ khai mạc cực kỳ hoành tráng
Khác với những lễ khai mạc Olympic thông thường khác, ngay đầu buổi lễ, các đoàn VĐV đã tiến vào sân vận động theo alphabet tiếng Nga. Tiếp theo là một hành trình đầy màu sắc, âm thanh xuyên suốt lịch sử giàu văn hóa của nước Nga do một bé gái có tên Lyubov (Tình yêu) dẫn dắt với sự tham gia của 3.000 diễn viên và 2.000 tình nguyện viên. Tổng cộng có đến 22 tấn pháo hoa được bắn tại sân vận động Fisht.
Dự Lễ khai mạc có nguyên thủ và chính khách của hơn 40 quốc gia và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhưng lại không có mặt Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Anh và Thủ tướng Đức.
Lễ khai mạc đã không trọn vẹn bởi một sự cố nhỏ vào đầu buổi lễ. Theo ý tưởng của đạo diễn, năm bông hoa tuyết sẽ nở thành năm vòng tượng trưng cho tinh thần Olympic nhưng cuối cùng chỉ hiện ra có bốn vòng tròn.
Thế vận hội mùa Đông tốn kém nhất lịch sử
Tổ chức tại một thành phố nghỉ mát nổi tiếng trên bờ biển Đen với khí hậu cận nhiệt đới, với hạ tầng cơ sở chưa từng được hoàn thiện từ thời Liên Xô cũ, Sochi đã trở thành kỳ thế vận hội mùa Đông tốn kém nhất trong lịch sử Olympic. Moscow và các nhà tài trợ Nga đã phải chi tới 51 tỷ USD - tương đương 36 tỷ Euro.
Về chi phí, Sochi đã vượt mặt cả Thế vận hội Bắc Kinh 2008 (33,4 tỷ Euro) và Thế vận hội mùa Hè London 2012. Đây cũng là thế vận hội đắt gấp 35 lần so với Vancouver (Canada) 2010, gấp 14 lần so với Turino (Italy) 2006 và gấp ba lần so với dự tính ban đầu của Ủy ban Olympic Nga.
Tạo tuyết nhân tạo
Ngoài vấn đề an ninh, nước chủ nhà còn có thêm một lo ngại khác - đó là việc đảm bảo lượng tuyết đủ cho các cuộc thi đấu.
Ban tổ chức đã phải lắp đặt hàng loạt máy làm tuyết nhân tạo để bổ sung cho lượng tuyết tự nhiên. Để Thế vận hội diễn ra theo đúng kế hoạch, Ban tổ chức đã phải huy động tới hơn 870 triệu lít nước để tạo ra một lượng tuyết nhân tạo. Cùng với lượng tuyết sẵn có, lượng tuyết này đảm bảo cho công tác tổ chức các môn thể thao của Thế vận hội bất kể thời tiết ấm lên hay có mưa.
Nhiều vận động viên đặc biệt
Đầu tiên phải kể đến vận động viên (VĐV) người Ấn Độ Shiva Kashavan ở môn trượt tuyết. Anh phải tập luyện trên các con đường núi không có tuyết với nhiều chướng ngại như xe hơi và các loại súc vật chạy trên đường.
Một VĐV khác là Vanessa Mae, quốc tịch Anh, sinh ở Singapore và có bố người Thái. Cô là nghệ sỹ violin nhưng ước mơ dự Olympic. Nhờ quy định cho phép quốc gia không có VĐV được chọn một đại diện, nên Vanessa đại diện cho Thái Lan dự môn trượt tuyết.
Nếu Sochi 2014 có môn vật tay thì Nga chắc chắn có một tấm HCV bởi họ có nhà vô địch thế giới Alexey Voyevoda. Tuy nhiên, lần này, Voyevoda thi trượt xe lòng máng.
Lolo Jones từng về thứ 4 ở nội dung chạy vượt rào tại Olympic London 2012 nhưng lại tham dự môn xe trượt lòng máng. Việc chọn Jones đã gây nhiều tranh cãi bởi ở Mỹ không thiếu VĐV dự Olympic mùa Đông.
Đặc biệt nhất có lẽ là Nick Buckland. Anh đã giải nghệ sau Olympic Vancouver 2010 do vấn đề tim. Tuy nhiên, với tiến bộ của công nghệ y khoa, chỉ cần một chiếc USB kiểm soát hoạt động của tim, Buckland vẫn có thể thi đấu đỉnh cao và anh đang là niềm hy vọng của Anh tại Olympic Sochi ở môn trượt băng.
X.H