Toàn cảnh Hội thảo "Triển khai vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc)" tại thành phố Cao Bằng ngày 18/4. (Ảnh: Minh Quân) |
Ngày 18/4, Bộ Ngoại giao cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đồng chủ trì tổ chức Hội thảo “Triển khai vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc)” tại thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng.
Hội thảo được tổ chức nhằm mục tiêu trao đổi, tìm kiếm các biện pháp tháo gỡ khó khăn để sớm đưa vào vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc theo nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao ghi nhận tại Tuyên bố chung trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 30/10-1/11/2022.
Tham dự Hội thảo có Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Cao Bằng Trần Hồng Minh; Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng cùng các chuyên gia, học giả, các viện nghiên cứu, trường đại học...
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cho biết, Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc - Đức Thiên là Hiệp định đầu tiên về hợp tác phát triển du lịch qua biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đây là cơ hội rất lớn, nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với tỉnh Cao Bằng.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Minh Quân) |
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Cao Bằng đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để triển khai đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu phục vụ việc vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc); tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Ông Hoàng Xuân Ánh mong rằng tại Hội thảo, các đại biểu sẽ thảo luận, đóng góp ý kiến một cách xây dựng, chân thành, giúp tỉnh Cao Bằng vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc với hiệu quả cao nhất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cao Bằng, đồng thời bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, Cao Bằng có nhiều di tích đặc biệt, là cái nôi của cách mạng, một trong những nơi được Bác Hồ chọn làm căn cứ cách mạng và làm việc tại đây, có nhiều danh lam thắng cảnh được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận.
Đồng thời, việc đưa vào vận hành Khu cảnh quan thác Bản Giốc có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp tỉnh Cao Bằng phát huy các thế mạnh, tiềm năng du lịch để phát triển kinh tế, thúc đẩy hợp tác, giao lưu, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương biên giới; đồng thời là nhiệm vụ chung không chỉ của tỉnh Cao Bằng mà là trách nhiệm chung của các bộ, ban, ngành Trung ương, góp phần thực hiện thiện chí và quyết tâm của cả hai nước Việt Nam - Trung Quốc về xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác, phát triển.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ khẳng định tầm quan trọng của việc sớm đưa vào vận hành thí điểm du lịch Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc). (Ảnh: Minh Quân) |
Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh một khi đi vào vận hành, khu cảnh quan thác Bản Giốc sẽ trở thành mô hình hợp tác phát triển du lịch kiểu mẫu, chưa có tiền lệ ở khu vực biên giới hai nước Việt - Trung, vận hành theo hình thức “hai khu, hai nước”.
Tại Hội thảo, đại diện tỉnh Cao Bằng và Bộ Ngoại giao đã trao đổi về các kết quả triển khai thời gian qua và định hướng cũng như Kế hoạch triển khai vận hành thí điểm du lịch Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) thời gian tới.
Trên cơ sở báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng, đại diện các bộ, ngành liên quan và các chuyên gia, học giả từ góc độ chuyên môn đã trao đổi, thảo luận tập trung một số các nội dung: Kế hoạch/lộ trình triển khai vận hành thí điểm trong phạm vi Khu cảnh quan; Công tác quản lý, bảo vệ trong thời gian thí điểm; Phạm vi thí điểm tại Khu cảnh quan; Nội dung, sản phẩm du lịch, tour, tuyến du lịch... trong phạm vi thí điểm.
Đại diện các bộ, ngành và các học giả, chuyên gia đã trao đổi sâu rộng, đưa ra các giải pháp có tính thực chất, khả thi, chuyên môn cao. Kết quả này sẽ là cơ sở quan trọng để tỉnh Cao Bằng, cùng các bộ, ban, ngành Trung ương tháo gỡ khó khăn, sớm đưa vào vận hành thí điểm thành công Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc).
Một số hình ảnh tại sự kiện:
Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Minh Quân) |
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Minh Quân) |
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Hồ Xuân Sơn góp ý tại Hội thảo. (Ảnh: Minh Quân) |
Kết quả này sẽ là cơ sở quan trọng để tỉnh Cao Bằng, cùng các Bộ, ban, ngành Trung ương tháo gỡ khó khăn, sớm đưa vào vận hành thí điểm thành công Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) trong năm 2023. (Ảnh: Minh Quân) |