📞

Somalia: Hải tặc trở thành nghề

23:30 | 18/04/2009
Sau nhiều tháng có vẻ yên ắng, Vịnh Aden lại “nổi sóng” khi hàng loạt tàu rơi vào tay cướp biển Somalia. Các giải pháp hiện thời khó có thể ngăn chặn được làn sóng của vấn nạn khủng bố trên biển này khi gốc rễ của vấn đề lại nằm trên đất liền.
 

Không ai muốn làm cảnh sát

 

So với năm 2008, thời điểm cướp biển Somalia cướp được gần 40% các tàu mà họ có ý định tấn công thì mức độ thành công trong hai tháng đầu năm nay chỉ là 13%. Kết quả này là nhờ sự tăng viện hùng hậu của tàu hải quân các nước tại khu vực mà cướp biển hoành hành. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 14 tàu và khoảng 200 thủy thủ đang nằm trong tay bọn cướp. Tấn công hơn 90 tàu thuyền trong năm 2008 từ tàu chở dầu cọ, tàu chở hóa chất cho tới thuyền buồm sang trọng, những tên cướp biển Somalia đã thu về hàng triệu đôla tiền chuộc. Với nhiều thanh niên Somalia, “nghề” hải tặc mang lại cuộc sống dư dả và thậm chí cả quyền lực. Chỉ cần một phi vụ thành công, chúng có nhà lầu, xe hơi.

 

 Nhưng tại sao những tên cướp biển Somalia sử dụng tàu cao tốc lại qua mặt được các chiến hạm từ những nước có hải quân mạnh nhất thế giới, để rồi tung hoành trên các tuyến hàng hải quan trọng hàng đầu thế giới này? Câu trả lời đơn giản: Đó là một đại dương lớn và không ai muốn làm cảnh sát trưởng. Đại úy Pottengal Mukundan, Giám đốc Văn phòng Hàng hải Quốc tế tại London cho rằng tình hình trở nên nghiêm trọng như hiện nay chủ yếu là vì hình như không nước nào muốn ra tay hành động hết. Nhà chức trách Somalia thì rõ ràng  “bó tay” khi nước này không có chính phủ Trung ương. Các nước láng giềng Somalia không thể tuyên chiến vì tài nguyên vật lực yếu kém. Người ta biết rõ các sào huyệt của bọn cướp biển trên bờ biển Somalia nhưng chẳng có chính phủ nào đề xuất sử dụng quân đội để triệt phá những hang ổ này.

 

Hãy bắt đầu ở đất liền

 

Không mấy người ngạc nhiên khi vấn nạn cướp biển ở Somalia không có dấu hiệu giảm và chưa tìm ra được phương thức đối phó hữu hiệu. Nạn cướp biển rộ lên ở Malacca vào năm 2005 ngay lập tức được dập tắt khi có sự hợp lực đối phó của Singapore, Malaysia và Indonesia. Nhưng tình hình ở Vịnh Eden khác hẳn với eo biển Malacca.

 

Somalia, 18 năm dưới tình trạng vô chính phủ, bạo lực và các cuộc nổi dậy của quân Hồi giáo đã giết hại hàng nghìn dân thường, buộc hàng trăm nghìn người phải chạy loạn. Sự rút lui của quân đội Ethiopia - có mặt tại Somalia để bảo vệ chính phủ được LHQ hậu thuẫn -  vào tháng 12/2008 đã bỏ lại một khoảng trống quyền lực nguy hiểm. Abdi Haji Gobdoon, người phát ngôn của chính phủ Somalia cho biết: “20 năm trước, chúng tôi có một chính phủ mạnh, có quân đội, hải quân. Khi đó, chẳng bao giờ xẩy ra những vấn nạn như thế này cả”.

 

Rõ ràng, kiểu hải tặc đang hoành hành ở Somalia bây giờ chỉ có thể diễn ra ở một nước không có lực lượng bảo vệ luật pháp, không có guồng máy chính phủ. Nếu  gốc rễ của vấn đề bao gồm sự đói nghèo, bệnh tật và bạo lực được giải quyết thì nghề cướp biển sẽ không còn đất để sống. Rashid Abdi Sheikh, một học giả Somalia trần tình với Nhóm chống khủng hoảng quốc tế: “Chẳng có gì thay đổi cho đến khi chúng ta thấy sự ổn định trên đất liền”. Và Somalia chỉ có thể yên ổn trên đất liền bằng cách phối hợp thúc đẩy hoà giải chính trị, thành lập một chính phủ có hiệu lực, ủng hộ nỗ lực gìn giữ hoà bình của Liên minh châu Phi và củng cố các thể chế thi hành luật.

 

Minh Nhật