📞

Sơn La chủ động trong công tác ngoại giao kinh tế

10:45 | 21/03/2017
Chiều 20/3, tại Hà Nội, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có buổi làm việc với đoàn công tác của tỉnh Sơn La do ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn. Hai bên đã trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy hoạt động ngoại giao kinh tế, nhất là thu hút các nguồn lực đầu tư cho tỉnh Sơn La.

Tham dự buổi làm việc còn có lãnh đạo các đơn vị chức năng có liên quan của Bộ Ngoại giao và UBND tỉnh Sơn La.

Thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại

Trao đổi tại buổi làm việc, ông Cầm Ngọc Minh cho biết, Sơn La là tỉnh miền núi biên giới nằm ở phía Tây Bắc, có diện tích tự nhiên 14.174 km2, với 250km đường biên giới giáp tỉnh Houaphanh và Luangprabang, Lào; dân số toàn tỉnh trên 1,2 triệu người với 12 dân tộc.

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La. (Ảnh: Tuấn Anh)

Thực hiện các quy định của Trung ương Đảng và Chính phủ về thống nhất quản lý các hoạt động đối ngoại, trong thời gian qua, hoạt động đối ngoại của tỉnh đã đi vào nền nếp, thiết thực góp phần vào kết quả thực hiện nhiệm vụ phát phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh.

Hiện tại tỉnh đang triển khai 9 dự án FDI với tổng mức vốn đăng ký đầu tư trên 148 triệu USD, có vốn đầu tư từ khi khởi công đến nay đạt khoảng 140 triệu USD. Các dự án FDI chủ yếu thuộc các lĩnh vực khai thác chế biến khoáng sản, trồng và chế biến chè, rau quả.

Tính đến năm 2016, có 26 dự án ODA được triển khai tại Sơn La, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi, giao thông, y tế... Ông Cầm Ngọc Minh nhấn mạnh, các dự án FDI và ODA triển khai tại tỉnh cơ bản đảm bảo tiến độ, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội của Sơn La.

Về công tác vận động và quản lý viện trợ phi chính phủ nước ngoài, trong giai đoạn từ 2012 - 2016, Sơn La tiếp nhận mới 44 dự án/khoản viện trợ, tổng giá trị cam kết viện trợ đạt 7,224 triệu USD. Cùng với đó, các chương trình, dự án trong khuôn khổ hợp tác giữa tỉnh Sơn La và vùng Languedoc Roussillon Midi Pyrénées cũng đã có đóng góp quan trọng vào việc giải quyết việc làm cho người dân địa phương, nâng cao kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo điều kiện cho nhân dân phát triển dịch vụ du lịch.

Tỉnh cũng duy trì quan hệ hợp tác với 14 Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, thường xuyên tổ chức các đoàn công tác thăm làm việc tại các Đại sứ quán cũng như đón tiếp các đoàn công tác của các Đại sứ quán đến thăm làm việc tại tỉnh để trao đổi về tiềm năng và tìm kiếm các cơ hội hợp tác đầu tư tại tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã thực hiện tốt công tác quản lý biên giới lãnh thổ, công tác lãnh sự và bảo hộ công dân, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, công tác quản lý đoàn ra, đoàn vào cũng như ký kết thỏa thuận quốc tế, quản lý hội thảo hội nghị quốc tế...

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La chủ trì buổi làm việc với sự tham dự của lãnh đạo các đơn vị có liên quan của hai bên. (Ảnh: Tuấn Anh)

Cảm ơn sự phối hợp, giúp đỡ của Bộ Ngoại giao và các đơn vị chức năng trong Bộ đối với tỉnh thời gian qua, ông Cầm Ngọc Minh mong muốn, trong thời gian tới Bộ Ngoại giao tiếp tục quan tâm, kêu gọi các chương trình, dự án từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA),  giới thiệu cho tỉnh các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực kinh tế, đủ khả năng đầu tư trực tiếp có hiệu quả tại địa hình miền núi phức tạp như tỉnh Sơn La.

Bộ Ngoại giao tăng cường giúp tỉnh trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên sâu làm công tác đối ngoại đặc biệt là trong công tác đối ngoại nhân dân, ưu tiên những xuất học bổng nước ngoài để bồi dưỡng ngoại ngữ chuyên ngành; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ công tác đối ngoại.

Vị Chủ tịch tỉnh cũng đề nghị Bộ Ngoại giao tiếp tục quan tâm giúp đỡ Sơn La về kinh nghiệm trong công tác thu hút đầu tư gắn với các chương trình, dự án và công tác đối ngoại, đặc biệt là tổ chức các hoạt động trong năm hữu nghị Việt Nam - Lào 2017.

Tỉnh cũng đề nghị Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ/ban/ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy định rõ những nhiệm vụ cụ thể công tác biên giới đối với cơ quan ngoại vụ địa phương và thẩm quyền của Sở Ngoại vụ đối với công tác biên giới lãnh thổ.

Ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Tuấn Anh)

Hỗ trợ tối đa, thúc đẩy phát triển kinh tế

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao những thành tựu trong phát triển kinh tế xã hội của Sơn La thời gian qua và cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ của Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở/ban/ngành tỉnh dành cho Bộ Ngoại giao.

Thứ trưởng thường trực cho rằng, các đề nghị của Sơn La rất thiết thực, thể hiện sự quan tâm cao của lãnh đạo tỉnh Sơn La tới công tác đối ngoại và hội nhập của tỉnh. Thứ trưởng khẳng định, Bộ Ngoại giao luôn sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ tỉnh trong công tác đối ngoại.

Bộ Ngoại giao luôn đánh giá cao và rất coi trọng quan hệ hợp tác với các địa phương; luôn sẵn sàng hỗ trợ, phối hợp, giúp đỡ các địa phương trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội, nhất là mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế, thúc đẩy các hoạt động kinh tế đối ngoại là một trong những nội dung quan trọng của công tác ngoại vụ.

Trong thời gian tới, Sơn La xác định rõ trọng tâm, nhu cầu về hợp tác quốc tế để Bộ Ngoại giao hỗ trợ tìm kiếm đối tác phù hợp. Bộ Ngoại giao sẵn sàng tích cực hỗ trợ tỉnh Sơn La trong việc tìm kiếm, kết nối, phát triển quan hệ với các đối tác quốc tế, đặc biệt là Australia, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước Bắc Âu, trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tăng trưởng xanh, nông nghiệp sạch…

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. (Ảnh: Tuấn Anh)

Bộ Ngoại giao mong muốn tỉnh tích cực, chủ động tham gia các hoạt động do Bộ tổ chức. Sở Ngoại vụ Sơn La chủ động kiến nghị tổ chức các buổi làm việc với Cục Ngoại vụ và các đơn vị liên quan tới các đối tác Sơn La mong muốn mở rộng quan hệ đồng thời đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương tới các đối tác, và lồng ghép các nội dung này vào hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc song phương.

Sở cũng tăng cường phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Ngoại giao, đặc biệt là nhân dịp địa phương tổ chức các hoạt động hưởng ứng Năm đoàn kết hữu nghị Việt - Lào 2017.

Tỉnh cũng cần cân nhắc xây dựng các dự án phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế (quy mô vừa và nhỏ) tại địa phương và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong việc vận động vốn từ các Quỹ phát triển của khu vực như: Quỹ Phát triển Saudi Arabia (SFD), Quỹ phát triển quốc tế của OPEC (OFID), Quỹ phát triển kinh tế Ả rập của Kuwait (KFAED) cho các dự án này…

Bộ Ngoại giao luôn sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ tỉnh trong công tác đối ngoại. (Ảnh: Tuấn Anh)

Về công tác quản lý biên giới lãnh thổ, hiện Bộ Ngoại giao đang dự thảo văn bản trình Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Biên giới Quốc gia. Để cụ thể hóa nội dung công tác biên giới, lãnh thổ của Sở Ngoại vụ các tỉnh biên giới (cả trên bộ và trên biển), Bộ Ngoại giao sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu tích cực vấn đề này.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thời gian qua Bộ đã tích cực hỗ trợ Sơn La nâng cao trình độ nguồn nhân lực làm công tác đối ngoại. Trong hai năm 2014 và 2015, Bộ đã hỗ trợ đào tạo khoảng 200 cán bộ ngoại vụ và các Sở ngành khác của tỉnh. Cục Ngoại vụ, Vụ Tổng hợp Kinh tế sẽ tiếp tục thông báo về kế hoạch các lớp đào tạo để địa phương có kế hoạch cử cán bộ tham gia.

Bộ Ngoại giao cũng luôn quan tâm dành các suất học bổng nước ngoài ngắn hạn và dài hạn cho các địa phương, góp phần nâng cao cao năng lực cán bộ. Ngoài ra, nếu địa phương có nhu cầu tổ chức lớp với nội dung riêng, đề nghị thông báo cho Bộ (Cục Ngoại vụ) để thu xếp, hỗ trợ giảng viên.