Bảo tồn các loài rùa biển cần sự chung tay của cả cộng đồng. Ảnh minh họa. (Nguồn: WWF) |
Tại bãi biển hoang sơ của vùng Tây Senegal có một người đã dành cả đời để bảo vệ những ổ trứng rùa biển. Đó là ông Djibril Diakhaté, 54 tuổi. Như một người hùng thầm lặng, ông canh giữ những quả trứng quý khỏi tác động của thiên nhiên và những kẻ săn trộm.
Mỗi mùa rùa sinh sản, ông Diakhaté lại thức trắng đêm, tuần tra quanh bãi biển, tràn đầy hy vọng được chứng kiến khoảnh khắc những chú rùa con phá vỡ lớp vỏ trứng và lách mình ra biển. “Lần đầu tiên nhìn thấy rùa con mới nở, tôi đã khóc trước sự kỳ diệu của tạo hóa”, ông chia sẻ. Để bảo vệ những sinh linh nhỏ bé, ông thậm chí còn di dời nhà hàng của mình sau khi phát hiện một ổ trứng rùa ở phía sau quầy bar.
Tuy nhiên, số phận loài rùa biển đang đứng trước nhiều thách thức. Việc đánh bắt quá mức, du lịch bừa bãi và các dự án xây dựng đã khiến môi trường sống của chúng bị thu hẹp đáng kể. Ba loài rùa biển sinh sống dọc bờ biển Senegal, bao gồm rùa xanh, rùa quản đồng và rùa da, đều nằm trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).
Rùa sống dưới biển nhưng đẻ trứng trên cạn, chỉ chọn những bãi biển vắng người để làm ổ đẻ. Việc gia tăng đánh bắt cá, phát triển du lịch và xây dựng đã ngăn cản những loài rùa trên lên đẻ trứng trên các bãi cát ven biển.
Ông Diakhaté cho biết, hiện nay số lượng rùa sinh sản ở khu vực này còn rất ít. Mỗi năm chỉ có vài con lên bờ đẻ trứng ở Guéréo, ngôi làng ven biển nơi ông sống.
SOS cho rùa biển
Rùa biển hiện đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nghiêm trọng. Mặc dù đẻ hàng trăm trứng mỗi lần, nhưng số lượng rùa con sống sót đến tuổi trưởng thành lại vô cùng ít ỏi.
Nguyên nhân chính là sự săn bắt trộm, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Bà Charlotte Thomas, một nhà bảo tồn biển thuộc Dự án bảo tồn rùa biển của tổ chức phi chính phủ Oceanium ở Senegal chia sẻ: “Rùa biển không chỉ là một loài động vật quý hiếm mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng hệ sinh thái biển. Chúng làm sạch nước biển bằng cách ăn tảo. Nếu những con rùa biến mất, điều này sẽ gây ra mất cân bằng trong chuỗi thức ăn và đe dọa toàn bộ hệ sinh thái. Tuy nhiên, các hoạt động của con người đang đẩy loài sinh vật này đến bờ vực tuyệt chủng”.
Không chỉ ở Senegal, tình hình cũng rất báo động tại các quốc gia khác.
Tại Cuba, nhiệt độ tăng cao đang khiến tỷ lệ rùa cái ngày càng áp đảo, đe dọa sự tồn vong của loài rùa xanh. Bà Julia Azanza Ricardo, một chuyên gia về rùa, lo ngại: “Tôi bắt đầu theo dõi loài rùa xanh từ 15 năm trước. Nhiệt độ những năm trước kia luôn dưới 30 độ C và khoảng 90% trứng nở ra là rùa cái. Bây giờ, nhiệt độ đã cao trên 30 độ C. Tôi rất lo lắng, tỷ lệ nở ra rùa cái sẽ lên đến 100%, có nguy cơ sẽ đặt dấu chấm hết cho loài này”.
Thắp lên hy vọng
Nhận thức được những ảnh hưởng và tác hại không nhỏ nếu như loài động vật này không còn, nhiều cơ quan, tổ chức bảo tồn động vật và tình nguyện viên đang nỗ lực cứu sống và tạo môi trường thuận lợi cho rùa biển được sinh nở theo đúng quá trình phát triển của tự nhiên.
Để bảo vệ rùa biển, các nhà khoa học, tình nguyện viên và người dân địa phương trên toàn thế giới đang nỗ lực xây dựng các khu bảo tồn, theo dõi quá trình sinh sản của rùa, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ loài sinh vật này.
Tại đảo Isla de la Juventusud (hay đảo Thanh Niên), hòn đảo lớn thứ hai ở Cuba, có diện tích khoảng 2.400 km2, khu vực phía Nam đã được quy hoạch thành Khu bảo tồn thiên nhiên rộng 1.455 km2. Trên bãi biển dài hơn 1km ở đây có nhiều que gỗ, cắm chéo nhau thành hình chữ X. Đó là ký hiệu cho biết cạnh đó có ổ trứng rùa xanh.
Năm nay, trên bãi biển Guanal của xứ sở “đảo lửa đảo say” có 250 tổ rùa xanh. Các nhà bảo tồn đang nỗ lực trồng thêm cây che mát, tưới nước, di chuyển trứng tới nơi nhiệt độ thấp hơn…
Hành động thiết thực
Ở Trung Quốc, rùa biển được bảo vệ đặc biệt. Chính quyền Trung Quốc đã thành lập Khu bảo tồn quốc gia rùa biển Huệ Đông tại tỉnh Quảng Đông.
Tại vùng đất này, một kỳ tích đang diễn ra. Khu bảo tồn đã thành công trong việc hồi sinh quần thể rùa biển quý hiếm.
Nhờ các biện pháp nhân giống, nuôi dưỡng và cho rùa biển thích nghi dần với môi trường tự nhiên hoang dã, số lượng rùa đang tăng dần. Nơi đây, người ta để nhiều giỏ nhựa lớn để bảo vệ ổ trứng rùa khỏi chuột, rắn và rùa con nở ra không đi lạc.
Điều mấu chốt để rùa biển sinh sản với sự trợ giúp của con người là bãi cát nhân tạo trong Khu bảo tồn. Từ năm 2017, các nhà khoa học đã áp dụng kỹ thuật sinh sản nhân tạo, tạo ra môi trường sống lý tưởng trên những bãi cát nhân tạo này. Với lớp cát dày 2m, thiết kế đặc biệt để thoát nước nhanh, các tổ trứng luôn được an toàn.
Sau khi rùa con nở ra, chúng được mang sang Trung tâm cứu hộ và sống trong môi trường hoang dã nhân tạo.
Ông Li Manwen, nhân viên Khu bảo tồn cho biết: “Rùa con được chăm sóc và phát triển rất tốt. Rùa trải qua quá trình huấn luyện trong nước giống như tự nhiên, để sau này có khả năng kiếm ăn và sinh tồn trong môi trường hoang dã. Chúng tôi tận dụng thủy triều để lấy một số loài sinh vật phù du và nuôi trồng một số loài rong biển để làm thức ăn cho rùa”.
Theo ông, kể từ khi thành lập năm 1985, Khu bảo tồn đã thả hơn 64 ngàn con rùa về biển. Điều đáng mừng là ngày càng nhiều cá thể rùa biển tự nhiên tìm đến đây để đẻ trứng, góp phần vào sự đa dạng sinh học của vùng biển.
Ông Liu Liming, cán bộ Cục Thủy sản Trung Quốc cho biết “Chúng tôi theo dõi rùa biển liên tục trong những năm qua và ghi nhận số lượng rùa biển đang phục hồi. Rùa đến đây đẻ trứng khoảng 150 ổ mỗi năm”.
Ông nhấn mạnh: “Thành công của Khu bảo tồn Huệ Đông là tín hiệu đáng mừng. Nó chứng tỏ rằng với sự đầu tư và nỗ lực đúng đắn, chúng ta hoàn toàn có thể bảo vệ và phục hồi các loài động vật hoang dã”.
***
Cuộc chiến bảo vệ rùa biển vẫn đang tiếp diễn. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận, nhưng số phận của loài này vẫn còn mong manh.
Để hành động, mỗi cá nhân đều có thể góp phần vào công cuộc bảo tồn bằng những hành động nhỏ bé như không xả rác ra biển, hạn chế sử dụng túi nilon, và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
| Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu Những biểu hiện của biến đổi khí hậu, sự tác động của El Nino và La Nina khiến 2024 là năm ghi nhận nhiều kỷ ... |
| Bất ngờ phát hiện rùa biển màu trắng kem siêu quý hiếm tại Mỹ TGVN. Các tình nguyện viên ở Nam Carolina đang kiểm tra rùa biển vào cuối tuần qua đã bất ngờ phát hiện ra một con ... |
| Độc đáo hoạt động sinh sản của rùa biển quý hiếm tại Vườn quốc gia Côn Đảo Hằng năm, vào mùa sinh sản, loài rùa Xanh (Chelonia mydas) hay còn gọi là Vích, từ các đại dương xa xôi tìm về Vườn ... |
| Chiêm ngưỡng 1.001 rùa biển bằng gốm độc đáo được nặn hoàn toàn bằng tay Trở về sau 12 ngày đêm trực tiếp tham gia công tác cứu hộ, bảo tồn rùa biển tại Côn Đảo, ThS Mỹ thuật - ... |
| Côn Đảo - điểm đến hoang sơ đầy cuốn hút Mới đây, tạp chí Time Out của Anh đã xếp Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) vào vị trí thứ 2 trong danh sách ... |