Liên hoan phim quốc tế TP. Hồ Chí Minh vinh danh phim "Song lang". (Ảnh: P.C.Tùng) |
Bước lên sân khấu nhận giải, đạo diễn Leon Lê phát biểu: "Tôi hoàn toàn bất ngờ với giải thưởng, không biết phim mình được tham dự hạng mục này.
Với nhiều người, Song lang là một sự thất bại về doanh thu nhưng với tôi, tác phẩm thành công hơn mong đợi. Cảm ơn bạn đồng hành tuyệt vời của tôi - nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc cùng dàn diễn viên".
Từ hàng ghế khán giả, Kiều Trinh - một trong các diễn viên của phim - liên tục nghẹn ngào nước mắt. Chị tâm sự: "Đóng một bộ phim thực sự hạnh phúc, được nhìn phim đi khắp nơi".
Đây là một trong các tác phẩm Kiều Trinh góp mặt cùng con gái - diễn viên Thanh Tú. Trong khuôn khổ LHP quốc tế TP. Hồ Chí Minh, Kiều Trinh cùng đoàn phim có mặt giao lưu cùng khán giả sau một buổi chiếu Song lang.
Tại Liên hoan phim quốc tế TP. Hồ Chí Minh năm nay, đây là hạng mục không công bố danh sách đề cử từ sớm. Đại diện ban giám khảo, bà Dương Cẩm Thúy - Chủ tịch Hội Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh - cho biết, LHP đã tuyển chọn 200 tác phẩm được sản xuất trong 10 năm qua để tìm ra chủ nhân cho giải thưởng này.
Tiêu chí Phim về TP. Hồ Chí Minh xuất sắc gồm: chất lượng nghệ thuật tốt, kỹ thuật làm phim chuyên nghiệp, câu chuyện nhân văn và hướng đến cái đẹp, từng đoạt giải trong nước hoặc quốc tế, mang sự đổi mới trong phong cách kể chuyện, khám phá không gian văn hóa của TP. Hồ Chí Minh.
Song lang ra rạp năm 2018, là phim truyện dài đầu tay của đạo diễn Leon Lê. Câu chuyện đặt bối cảnh ở Sài Gòn thập niên 1980, kể về cuộc gặp mặt tình cờ giữa nghệ sĩ Linh Phụng (Isaac đóng) và tay đòi nợ thuê Dũng (Liên Bỉnh Phát).
Dù xuất thân khác biệt, họ tìm thấy nhiều sự đồng điệu, kết nối bởi chung tình yêu với nghệ thuật truyền thống. Trong những năm qua, Song lang chu du khắp thế giới, thắng hàng chục giải thưởng.
LHP quốc tế TP. Hồ Chí Minh năm nay vắng bóng các tác phẩm Việt Nam ở hai hạng mục chính Phim Đông Nam Á xuất sắc và Phim đầu tay hoặc phim thứ hai xuất sắc. Ban tổ chức giải thích sự kiện diễn ra đúng giai đoạn điện ảnh Việt không có phim mới, đáp ứng yêu cầu chưa từng chiếu ở đâu trong một năm qua.
Tuy nhiên, một cái tên Việt Nam khác cũng vang lên trong đêm bế mạc và trao giải của LHP là Tạ Thị Dịu - một gương mặt lạ giành giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc.
Cô chiến thắng với vai diễn người phụ nữ Việt nhập cư ở Kualar Lumpur, âm thầm chăm sóc một bé gái nhưng không được nhận là mẹ của bé trong phim Oasis of Now. Từ Malaysia, Tạ Thị Dịu gửi lời cảm ơn gia đình, đoàn phim chăm sóc, ủng hộ cô và cảm ơn ban giám khảo trao giải cho cô.
Sau 8 ngày, LHP quốc tế TP. Hồ Chí Minh khép lại với kết quả giải thưởng thuyết phục. Quá trình thực hiện, LHP còn có sai sót và đáng tiếc nhưng đáng ghi nhận ở việc tạo dựng không khí lễ hội điện ảnh.
Điểm nhấn của LHP là việc mời các nhà làm phim danh tiếng quốc tế lần đầu tới Việt Nam, nổi bật là đạo diễn Kore-eda - bậc thầy điện ảnh Nhật từng thắng nhiều giải tại LHP Cannes.
Kết quả LHP quốc tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ nhất:Phim ngắn xuất sắc: Leila (Thụy Điển) Phim đầu tay hoặc phim thứ hai xuất sắc: Người giao hàng đêm (Arab), City of Wind (Pháp, Mông Cổ) Giải thưởng của Ban giám khảo: Last Shadow at First Light (Singapore, Nhật, Slovenia), Alien 0089 (Chile) Phim về TP. Hồ Chí Minh xuất sắc: Song lang Ngôi Sao Vàng - Phim Đông Nam Á xuất sắc: The Gospel of the Beast (Philippines) Đạo diễn xuất sắc: Chee Sum Chia - phim Oasis of Now (Malaysia, Singapore, Pháp) Kịch bản xuất sắc: Last Shadow at First Light (Singapore, Nhật, Slovenia) Nam diễn viên phụ xuất sắc: Peter Yu - phim Wonderland (Singapore) Nữ diễn viên phụ xuất sắc: Rawipa Srisanguan - phim Solids by the Seashore (Thái Lan) Nam diễn viên chính xuất sắc: Mark Lee - phim Wonderland (Singapore) Nữ diễn viên chính xuất sắc: Tạ Thị Dịu - phim Oasis of Now (Malaysia, Singapore, Pháp) Kỹ xảo xuất sắc: Last Shadow at First Light (Singapore, Nhật, Slovenia) Thiết kế xuất sắc: Tenement (Campuchia) Âm thanh xuất sắc: 13 Bombs (Indonesia) Quay phim xuất sắc: Last Shadow at First Light (Singapore, Nhật, Slovenia) Dựng phim xuất sắc: 13 Bombs (Indonesia) Âm nhạc xuất sắc: Blue Imagine (Nhật Bản, Singapore, Indonesia) |
(theo Ngôi sao)