📞

Start mới: Tạm dừng hay đảo ngược?

15:16 | 27/11/2010
Nếu Thượng viện Mỹ không thông qua Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) đã ký với Nga, đó sẽ là dấu chấm hết cho cái được xem là một trong những thành công về đối ngoại của Tổng thống Barack Obama trong hai năm cầm quyền đầu tiên.

Đổ dầu vào lửa

Kêu gọi Thượng viện phê chuẩn START mới với Nga, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng việc trì hoãn sẽ đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ. Tổng thống Obama thì nhấn mạnh rằng việc START mới không được phê chuẩn trong năm nay sẽ gây tổn hại cho an ninh quốc gia của Mỹ, ảnh hưởng tới nỗ lực "cài đặt lại" (reset) quan hệ với Mátxcơva và đẩy các thanh sát viên Mỹ ra khỏi các kho vũ khí hạt nhân của Nga.

Các nhà lãnh đạo Mỹ phải vội vàng vì nếu chuyển sang Quốc hội khóa mới với phe Cộng hòa chiếm đa số ở Thượng viện, bắt đầu từ năm 2011, đảng Dân chủ sẽ phải cần tới sự ủng hộ của ít nhất 14 thượng nghị sỹ (TNS) Cộng hòa để phê chuẩn hiệp ước này. Hy vọng này ngày càng trở nên mong manh khi 10 nghị sĩ vừa trúng cử thuộc đảng Cộng hòa đã gửi thư cho Tổng thống yêu cầu trì hoãn xem xét phê chuẩn văn kiện đến khi thành phần Thượng viện mới bắt đầu nhiệm kỳ của mình và có đầy đủ thông tin xem xét văn kiện. Họ cho rằng đến nay, chưa có hiệp ước nào về giải trừ quân bị ký kết với Liên Xô hay với Nga lại được phê chuẩn trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ Thượng viện.

TNS Jon Kyl, một quan chức chủ chốt của đảng Cộng hòa, mới đây tuyên bố rằng ông không muốn Thượng viện phê chuẩn SRART mới trong phiên họp hiện nay, vì hiệp ước "rất phức tạp và còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết". Như đổ thêm dầu vào lửa, TNS George Voinovich, một tiếng nói ôn hòa của đảng Cộng hòa, tuyên bố cho rằng "Hiệp ước START mới có thể làm mất đi niềm tin của các nước đồng minh và bạn bè ở Trung và Đông Âu".

Tìm lại lòng tin

Đối với Kremlin, sự chết yểu của START mới sẽ có nghĩa là sự chấm dứt chương trình kiểm soát vũ khí tưởng như đã được ông Obama làm hồi sinh sau khi "chết lâm sàng" dưới tay cựu Tổng thống George Bush. Thỏa thuận kiểm soát vũ khí cho Nga một cảm giác về an ninh trong thời kỳ hậu chiến tranh Lạnh và có vị trí bình đẳng tương đối với Mỹ.

Thất bại của START mới sẽ khiến những người theo phái cứng rắn ở Nga có cớ tin rằng sự lịch thiệp của ông Obama chẳng qua chỉ là sự tạm dừng ngắn ngủi trong chính sách đối ngoại nước lớn của Mỹ. Tuy nhiên, Kremlin cũng hiểu về chính trị Mỹ đủ nhiều để biết rằng bản thân ông Obama không phải là vấn đề. Quyết định quan trọng và đáng hoan nghênh nhất của Obama cho đến nay là chấm dứt nỗ lực của người tiền nhiệm nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của Nga tại khu vực Liên xô cũ. Nỗ lực kết nạp Ukraine và Gruzia vào NATO đã bị ngừng lại. Ông Obama cũng đã từ bỏ kế hoạch phòng thủ tên lửa nhằm vào Nga mà ông Bush theo đuổi thông qua việc lắp đặt radar và bệ phóng tại CH Czech và Ba Lan. Chừng nào những vấn đề này không bị đề cập lại, quan hệ hợp tác giữa Nga và Mỹ vẫn có cơ hội tiếp tục, dù với nhiều hạn chế. Chừng nào ông Obama vẫn còn tại vị ở Nhà Trắng, các nhà lãnh đạo Nga sẽ coi tiến trình tái khởi động bị tạm dừng, chứ không phải bị đảo ngược.

Ngược lại, Washington phải hiểu rằng hợp tác chiến lược Nga - Mỹ rất quan trọng và cần thiết hơn những nhà diều hâu có thể nhận ra. Nga đã cho phép quân đội Mỹ và NATO quá cảnh để thực hiện các chiến dịch tại Afghansitan và Iraq. Mátxcơva cũng làm các quan chức Mỹ ngạc nhiên dễ chịu hồi tháng 9 vì không chỉ ủng hộ nghị quyết trừng phạt của HĐBA mới với Iran, mà còn ngừng bán hệ thống phòng không cho nước này. Mátxcơva có thể sẽ không trả đũa vì sự đổ vỡ của START mới bằng cách đảo ngược những động thái thiện chí này, nhưng sự hợp tác nhiều hơn chắc chắn cũng sẽ có giá cao hơn.

Tuy nhiên, không thể bác bỏ rằng trong vài năm tới sẽ là thời kỳ khó khăn trong quan hệ Nga - Mỹ, thậm chí có thể giật lùi trở lại thời kỳ ông Bush còn nắm quyền. Sự thay đổi tương quan lực lượng tại Quốc hội Mỹ chắc chắn sẽ dẫn tới nhiều chỉ trích về các vấn đề nội bộ Nga và sẽ có ít tiếp xúc hơn ở cấp Quốc hội với Duma quốc gia Nga.

Nga, cũng như bất kỳ nước nào theo dõi đàm phán về hiệp ước cắt giảm vũ khí đã có một bài học quý giá về chính trị Mỹ. Tính đảng phái ở Washington đã đạt đến một mức mới, ảnh hưởng không chỉ tới các chính sách đối nội mà còn tác động tới cả chính sách đối ngoại và vấn đề an ninh quốc gia. Bản thân TNS Kyl không chống Nga mà chỉ chống lại ông Obama. Do đó, các đồng minh và cả kẻ thù của Mỹ ở nước ngoài nên chú ý nhiều hơn tới những đối tượng nắm chính sách đối ngoại tại Quốc hội Mỹ thay vì chỉ dồn vào Tổng thống.

Phương Nguyên