📞

Start-up Ấn Độ đang nỗ lực vì một tương lai xanh và sạch hơn

Trường Phan 13:15 | 13/09/2022
Bên cạnh những dự án công nghệ thân thiện với môi trường, nhiều công ty start-up “xanh” tại Ấn Độ đang phát triển những giải pháp mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, tạo ra những sản phẩm như pin, khí hóa lỏng, cồn sinh học và phụ gia thực phẩm... có nguồn gốc tự nhiên.
Nhiều công ty start-up 'xanh' tại Ấn Độ đang phát triển những sản phẩm như pin, khí hóa lỏng, cồn sinh học và phụ gia thực phẩm từ thiên nhiên. (Nguồn: Quartz India)

Quy mô và tiềm năng phát triển

Theo dữ liệu cáo báo của chính phủ Ấn Độ, đến ngày 30/6, quốc gia này có tổng cộng 72.933 công ty start-up đăng ký hoạt động trong lĩnh vực môi trường, trong đó khoảng 48% doanh nghiệp tập trung ở các thành phố lớn như Delhi, Mumbai, Kolkata và Chenn.

Hồi cuối tháng 7, Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ công bố, nước này có tổng cộng khoảng 3.300 công ty khởi nghiệp đang làm việc trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, cũng như cung cấp các giải pháp góp phần vào sự tăng trưởng của năng lượng tái tạo. Theo một báo cáo chung được công bố bởi các trang Climate Trends và Climate Dot, Ấn Độ đứng thứ ba trên thế giới sau Hoa Kỳ và Trung Quốc về quy mô trong lĩnh vực này.

Hiện các công ty star-up công nghệ “xanh” tại Ấn Độ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, báo cáo cũng khuyến nghị rằng chính phủ Ấn Độ cần đảm bảo nguồn ngân sách phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp trên nếu muốn đạt được mục tiêu phát thải ròng như nước này đã cam kết.

Báo cáo khẳng định rằng các chương trình của chính phủ Ấn Độ như “Startup India” và “Aatmanirbhar Bharat” phát huy nhiều tác dụng hữu ích và ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp non trẻ. Tuy nhiên, về cơ bản các công ty này vẫn chủ yếu hoạt động tập trung tại các thành phố lớn hoặc chỉ phát triển từ trong khuôn viên trường đại học. Để mở rộng ra toàn quốc, họ cần có chính sách phù hợp và hỗ trợ tài chính toàn diện hơn.

Pin sinh học từ lô hội

Sau khi hoàn thành bằng kĩ sư sinh học Đại học Kỹ thuật Rajasthan, Varma và Naveen Suman đã cùng nhau sáng lập công ty start-up Aloe Ecell về năng lượng xanh. Bộ đôi đã nghiên cứu và phát triển một loại pin sinh học 1,5 volt, sử dụng chất điện phân chiết xuất từ thực vật và hoàn toàn thay thế các hóa chất độc hại trong thành phần pin hiện nay. Trải qua nhiều lần thử nghiệm, công ty đã sáng chế thành công nguyên mẫu pin làm từ cây lô hội thân thiện với môi trường vào năm 2019.

Nhóm sáng chế cho biết, nhờ kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực rác thải điện tử, họ nhanh chóng nhận ra rằng phần lớn chất thải trong các viên pin đã qua sử dụng chiếm số lượng quá lớn, gây tác động xấu đến môi trường, đặc biệt là các vấn đề ô nhiễm đất và nguồn nước.

Vì vậy, họ quyết định thay đổi thành phần của pin và cố gắng thay thế vật liệu hóa học độc hại bằng các chất thân thiện với môi trường. Varma cho biết, hiện công ty đã hoàn thành thử nghiệm mẫu pin lô hội phiên bản thế hệ thứ hai, thu hút hơn 1.500 người dùng và sẵn sàng tung sản phẩm này ra thị trường Ấn Độ.

Ưu điểm vượt trội của sản phẩm này là hầu như không có khả năng cháy nổ, cũng như không giải phóng vật chất độc hại gây ô nhiễm nước, đất và không khí như các loại pin thông thường. Được biết, năm 2019 tại Barcelona công ty Aloe-Ecell đã vinh dự nhận được giải thưởng toàn cầu từ tổ chức Schneider Electric về sự đổi mới trong lĩnh vực năng lượng sạch.

Khí sinh học từ rác thải sinh hoạt

Một cái tên sáng giá khác trong lĩnh vực năng lượng xanh là công ty GPS Renewables có trụ sở tại Bengaluru, chuyên sản xuất khí sinh học từ rác thải thực phẩm. Họ sử dụng nhiên liệu xanh này thay thế cho khí hóa lỏng (LPG) phục vụ trong sinh hoạt.

Sản phẩm của công ty có mặt tại tại hơn 100 cơ sở tư nhân và công lập trên khắp cả nước. Gần đây, công ty đã mạnh tay đầu tư lắp đặt các trạm sạc xe điện (EV) ở Mumbai chạy bằng khí sinh học sản xuất từ ​​rác thải. Việc sử dụng khí sinh học để tạo nguồn năng lượng cung cấp cho các trạm sạc xe điện là một thử nghiệm mới của họ nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng gia tăng tại đất nước này.

Rajesh Ayappasur, Giám đốc Phát triển Kinh doanh và Đối ngoại của GPS Renewables cho biết, một mét khối khí sinh học có thể tạo ra tới 1,5 đơn vị điện. Trong nhiều trường hợp, về cơ bản xe điện không gây ra khí thải, nhưng nếu đốt than để tạo năng lượng phục vụ cho xe điện thì vẫn gây ra khí thải ô nhiễm môi trường. Do đó, nếu chuyển đổi sử dụng khí sinh học làm nguồn năng lượng để sạc xe điện thì toàn bộ quá trình chắc chắn sẽ sạch hơn và giảm thiểu tác động đến môi trường hơn.

Công ty cũng đã liên kết với cơ quan địa phương để thu gom chất thải thực phẩm hữu cơ để sản xuất khí sinh học. Để tránh dẫn đến những phản ứng tiêu cực từ cư dân địa phương về việc tái chế rác thải từ nhà máy năng lượng, công ty cam kết không sử dụng có rác thải nhựa hoặc rác thải hỗn hợp mà chỉ sử dụng nguồn rác hữu cơ đã được xử lý theo một quy trình khép kín mà không gây ra ô nhiễm.

Carbon dioxide (CO2) sinh học trong ngành thực phẩm

Nhằm mục đích giảm nhập khẩu dầu thô và hướng tới một chế độ nhiên liệu sạch hơn, Ethanol sinh học hiện được các công ty tiếp thị xăng dầu ưa chuộng để pha trộn với xăng dầu theo Chương trình phối trộn Ethanol quốc gia. Tuy nhiên, quá trình sản xuất cồn sinh học thường thải ra các sản phẩm phụ như khí carbon dioxide (CO2) cũng gây ô nhiễm không khí.

Công ty Jap Innogy (JAP) có trụ sở tại Chandigarh, với nhiều năm kinh nghiệm trong các ngành năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và nhiên liệu sinh học, đang cố gắng thu gom phụ phẩm CO2 để làm sạch ở mức độ tinh khiết 99,99%, đồng thời xử lý chúng thành dạng lỏng hoặc khí nén phù hợp với tiêu chuẩn trong ngành thực phẩm.

Thông thường, tất cả các loại đồ uống có ga đều sử dụng carbon dioxide hóa học. Tuy nhiên, với việc sử dụng Carbon Dioxide sinh học này, các nhà sản xuất đồ uống có thể tự tin hiển thị nhãn hiệu “Renewable-CO2 / BioCO2” trên bao bì, điều này làm tăng thêm giá trị to lớn cho thương hiệu của họ về ý thức về môi trường.

Được biết, công ty đã hoàn thành nghiên cứu sản phẩm khí CO2 sinh học thế hệ thứ hai được chế xuất từ 32 loại phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, rơm lúa mì, râu ngô, bã mía, thân bông, các loại cỏ khác nhau) và chất thải lâm nghiệp (dăm gỗ, cây bụi, lá thông,...).

(theo Quartz India)