📞

Sự cố Dòng chảy phương Bắc: Gazprom tiết lộ về tàu phá mìn của NATO, Đức 'vào cuộc', Thụy Điển quyết giữ kín kết quả

Việt An 08:33 | 11/10/2022
Ngày 10/10, người phát ngôn Tập đoàn Năng lượng Nga Gazprom Sergey Kupriyanov tiết lộ về một sự cố đã từng xảy ra trước đây tại đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) vào năm 2015.
Rò rỉ khí đốt trên tuyến đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 ở ngoài khơi Bornholm, phía nam Dueodde, Đan Mạch, ngày 27/9. (Nguồn: Reuters)

Theo đó, trong quá trình kiểm tra đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 đã phát hiện một tàu phá mìn dưới nước, mà theo tuyên bố của NATO, “đã bị thất lạc trong một cuộc tập trận”.

Ông Kupriyanov nói: “Hôm nay cần nhắc lại sự kiện xảy ra ở đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc trước đây. Vụ việc này ai cũng biết.

Ngày 6/11/2015, trong quá trình kiểm tra đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 theo kế hoạch đã phát hiện một tàu phá mìn dưới nước của NATO 'Sea Fox'. Thiết bị này nằm trong khoảng không giữa các đường ống dẫn khí đốt”.

Theo ông Kupriyanov, thiết bị này sau đó đã bị lực lượng vũ trang Thụy Điển kéo ra ngoài và vô hiệu hóa.

Cùng ngày, người phát ngôn văn phòng Bộ trưởng Tư pháp của Đức thông báo, nước này đã mở một cuộc điều tra về vụ nổ tấn công vào đường ống Nord Stream của Nga.

Động thái trên cho các nhà chức trách của Đức được phép thu thập chứng cứ trong vụ tấn công vào đường ống Dòng cháy phương Bắc 1 và 2 tại vị trí ngoài khơi bờ biển Đan Mạch và Thụy Điển hồi tháng trước.

Về kết quả điều tra vụ việc, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson tuyên bố, nước này sẽ không chia sẻ kết quả cuộc điều tra về các vụ nổ trên các tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc với chính quyền Nga hoặc tập đoàn Gazprom.

Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson nói: "Ở Thụy Điển, các cuộc điều tra sơ bộ của chúng tôi được bảo mật và điều đó tất nhiên cũng áp dụng trong trường hợp này”.

Tuy nhiên, Thủ tướng Andersson cho rằng, nước này không có quyền ngăn chặn các tàu của Nga tiếp cận các địa điểm xảy ra vụ nổ thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển.

Theo bà, Thụy Điển đã gỡ bỏ phong tỏa khu vực hiện trường nên các tàu có thể đến và ở lại khu vực này.

Tuần trước, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã gửi thư cho chính phủ Thụy Điển yêu cầu cho phép giới chức Nga và Gazprom được tham gia cuộc điều tra các vụ nổ trên tuyến Nord Stream.

Song Thụy Điển đã từ chối. Phía Thụy Điển cũng thông báo cuộc điều tra hiện trường của nước này đã tìm thấy bằng chứng về các vụ nổ trên hai đường ống, trong khi đó các công tố viên nghi ngờ đã có hành vi phá hoại.

Các nhà chức trách Thụy Điển và Đan Mạch đã điều tra 4 vụ rò rỉ trên các tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến Đức qua biển Baltic. Châu Âu, vốn phụ thuộc 40% nguồn cung khí đốt từ Nga trước xung đột Nga-Ukraine, đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng.

(theo Reuters)