📞

Sự dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc có đang thực sự diễn ra?

Hòa Bình 11:30 | 17/09/2020
TGVN. Theo báo cáo của Goldman Sachs công bố hôm 11/9/2020, nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh tại Trung Quốc vẫn lựa chọn mở rộng hoạt động sản xuất tại thị trường này, bất chấp những căng thẳng leo thang cũng như xu hướng tháo chạy ra khỏi Trung Quốc.

Chỉ một phần nhỏ các công ty Mỹ đang chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc, trong khi số lượng muốn trở về nước theo lời kêu gọi còn ít hơn. Một số doanh nghiệp, bao gồm cả nhà sản xuất ô tô điện Tesla, thậm chí còn đang tăng tốc và đẩy mạnh các kế hoạch sản xuất của họ ở đại lục, bất chấp cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump nhằm đưa ngành sản xuất của Mỹ trở lại.

Hãng xe hơi Telsa được cho là có kế hoạch xuất khẩu xe Model 3 do Trung Quốc sản xuất sang các thị trường khác ở châu Á và châu Âu. (Nguồn: Asia. Nikkei)

Vật liệu bán dẫn, chăm sóc sức khỏe vẫn tiếp tục mở rộng

Theo báo cáo, gần như tất cả các công ty may mặc và điện thoại thông minh đã chuyển đi, có kế hoạch chuyển hoặc đang xem xét chuyển ít nhất một phần hoạt động của họ ra khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, phần lớn các công ty trong lĩnh vực thiết bị và vật liệu bán dẫn, cũng như chăm sóc sức khỏe, đang tiếp tục mở rộng việc sản xuất của mình tại Trung Quốc. Trong khi đó, tại lĩnh vực máy móc công nghiệp và ô tô, việc chuyển ra khỏi Trung Quốc và mở rộng đang diễn ra đồng thời.

Mặc dù thuế quan đã gây ra xu hướng định tuyến lại thương mại hàng hóa và chuyển hoạt động sản xuất điện tử tiêu dùng từ Trung Quốc sang các nước ASEAN, song có ít bằng chứng ghi nhận về việc các doanh nghiệp muốn chuyển hoạt động sản xuất trở lại Mỹ. Bất chấp sự cường điệu và áp lực chính trị xung quanh "cuộc tháo chạy ra khỏi Trung Quốc” (vốn đang gia tăng nhờ cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ và đại dịch Covid-19), sự thay đổi chuỗi cung ứng vẫn còn chưa được định hình rõ ràng với sự khác nhau theo từng ngành cụ thể.

Phòng Thương mại Mỹ ở Thượng Hải đã công bố kết quả của một cuộc khảo sát gần đây đối với các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc. Theo đó, chỉ 4% trong hơn 200 công ty được hỏi muốn chuyển bớt sản xuất về Mỹ trong khi hơn 75% cho biết họ không có ý định chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Ngoài ra, 14% doanh nghiệp tham gia khảo sát đã bày tỏ nguyện vọng muốn chuyển một số hoạt động trong chuỗi dây chuyền sản xuất sang các quốc gia khác, trong khi 7% doanh nghiệp Mỹ đang lưỡng lự giữa việc di dời nhà máy của họ (từ Trung Quốc) về Mỹ hoặc sang một nước khác ngoài Trung Quốc.

Thị trường nội địa, chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, hạ tầng tốt níu chân doanh nghiệp

Mặc dù Trung Quốc không còn đủ sức cạnh tranh như nhiều nền kinh tế mới nổi khác đối với các ngành thâm dụng lao động, nhưng lợi thế tổng thể của nước này trong lĩnh vực sản xuất vẫn còn nguyên vẹn. "Thị trường nội địa khổng lồ, chuỗi cung ứng công nghiệp hoàn chỉnh và cơ sở hạ tầng tốt là những điểm hấp dẫn nhất đối với các khoản đầu tư sản xuất nước ngoài", báo cáo cho biết.

Sự miễn cưỡng của các công ty Mỹ đã cho thấy sự kém hiệu quả của chính quyền Tổng thống Trump trong việc thực hiện cam kết đưa việc làm trong lĩnh vực sản xuất trở lại Mỹ. Đường lối cứng rắn của Tổng thống Trump cũng không làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với quốc gia châu Á như đã hứa. Theo số liệu thống kê của Mỹ, thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ quý II với Trung Quốc đạt mức 75,8 tỷ USD - tăng từ mức 74 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2016, vài tháng trước khi ông Trump đắc cử.

(theo Goldman Sachs)