📞

Sử dụng đồ uống có cồn: Cấm chứ không hạn chế

10:27 | 08/11/2016
Việc các quốc gia áp đặt mức hạn chế quảng cáo, mua bán, nhập khẩu bia, rượu là không hiếm thấy trên thế giới. Tuy nhiên, vừa qua, Nghị viện Iraq đã ban hành một luật gây bàng hoàng cho ngành công nghiệp đồ uống có cồn khi cấm hoàn toàn các loại sản phẩm này.

Đã từng có tiền lệ

Khó có thể ngờ rằng quốc gia với những Nữ nhi hồng, Mai quế lộ, Mao Đài Quý Châu… nổi tiếng, gắn liền với văn hóa nhiều triều đại như Trung Quốc lại là nơi đầu tiên trên thế giới ghi nhận lệnh cấm toàn quốc đối với đồ uống có cồn.

Sử sách ghi chép việc cấm rượu đầu tiên diễn ra vào thời nhà Hạ ở Trung Quốc, khi Hạ Vũ (hay còn gọi là Đại Vũ) trị vì, trong khoảng năm 2070 - 1600 TCN. Được coi là hình mẫu minh quân thời kỳ đầu Thượng cổ Trung Hoa, những chính sách ông đưa ra, trong đó có cấm rượu trên khắp vương quốc rất được lòng người. Lệnh cấm này tiếp tục được duy trì cả khi ông đã qua đời. Sau này, các phong tục uống rượu thể hiện sự thành kính với bề trên và tình giao hảo với bằng hữu đã đưa luật cấm trên vào dĩ vãng. Tháng 6 vừa qua, quận An Khánh, tỉnh An Huy, miền Đông Trung Quốc đã lần nữa luật hóa việc cấm đồ uống có cồn trong các bữa tiệc chiêu đãi chính thức (trừ trường hợp tổ chức để thu hút đầu tư, đối ngoại). Tuy nhiên đây chỉ là một phần nhỏ trong nỗ lực chống tham nhũng và sinh hoạt xa hoa của các quan chức cấp cao nước này. Thực tế, lệnh cấm rượu tại các bữa tiệc cao cấp và trong quân đội đã có từ năm 2012.

Ngoài ra, có tài liệu lại ghi nhận lệnh cấm bán đồ uống có cồn đầu tiên được đưa ra trong Bộ luật Hammurabi - văn bản luật cổ nhất còn được bảo tồn, được tạo ra vào khoảng năm 1760 TCN tại Babylon cổ đại. Các di tích của quốc gia này nay nằm tại Al Hillah, tỉnh Babil, cách Thủ đô Baghdad, Iraq khoảng 85km về phía Nam. Tài liệu cổ cho biết, người dân Babylon không được phép dùng tiền để mua bia.

Cuối tháng 10/2016, Iraq đã trở thành nước mới nhất thông qua luật cấm bán, nhập khẩu và sản xuất các loại đồ uống có cồn, theo đó người vi phạm sẽ bị phạt hành chính từ 10 - 25 triệu Dinar (8.500 - 21.000 USD). Những người ủng hộ lập luận cho rằng luật hoàn toàn phù hợp với quy định của Hiến pháp về cấm những gì đi ngược lại đạo Hồi. Tuy nhiên, những người phản đối lại cho rằng, đây là hành động vi hiến vì Hiến pháp phải bảo đảm các truyền thống của các dòng tôn giáo thiểu số.

Indonesia - “suýt” cấm toàn quốc

Cũng trong năm nay, đất nước có số người theo đạo Hồi chiếm đến 87,2% dân số (số liệu năm 2011) cũng suýt thông qua luật cấm hoàn toàn đồ uống có cồn trên toàn quốc. Điều này khá dễ hiểu. Luật Shariah của người Hồi giáo “không ủng hộ” tiêu thụ thứ nước có cồn này.

Tháng 8 vừa qua, Hạ viện Indonesia đã xem xét dự luật cấm sản xuất, phân phối, tiêu thụ và sở hữu đồ uống có cồn trên toàn quốc, bao gồm cả Bali - thiên đường du lịch lớn nhất nước. Đồ uống bị cấm là đồ có chứa hơn 1% nồng độ cồn. Người vi phạm có thể chịu mức án phạt lên đến 10 năm tù giam.

Tuy nhiên đến nay, dự luật vẫn đang ở chế độ “treo” tại Hạ viện do không nhận được sự nhất trí hoàn toàn của các nghị sĩ và vướng phải nhiều phản ứng từ các bên bị ảnh hưởng.

Một số quốc gia đã cấm đồ uống toàn diện trên toàn quốc: Afghanistan; Bangladesh; Brunei; Ấn Độ (một số bang Gujarat, Kerala, Manipur, Mizoram, Nagaland…); Iran; Libya; Pakistan; Ảrập Xêút; Sudan; Kuwait…

Phe ủng hộ cho rằng, cấm rượu bia sẽ giảm bớt những vấn đề sức khỏe và tệ nạn xã hội. Vụ 14 thanh niên say xỉn hãm hiếp và sát hại một nữ sinh 14 tuổi ở thành phố Bengkulu thuộc đảo Sumatra hồi tháng 4/2016 cũng làm thúc đẩy làn sóng ủng hộ dự luật. Trước đó, năm 2015, Indonesia đã cấm bán rượu trong các siêu thị mini bất chấp sự phản đối từ ngành công nghiệp rượu và du lịch.

Trong nỗ lực thỏa hiệp, các công ty rượu bia và đại diện ngành du lịch đã đề nghị Chính phủ xem xét tăng cường giám sát và kiểm soát việc mua bán đồ uống có cồn thay vì một lệnh cấm toàn diện. Có người viện dẫn, cấm rượu có thể làm giảm 0,03% GDP của đất nước; khiến 128.000 người thất nghiệp - chiếm 0,1% lực lượng lao động Indonesia (số liệu năm 2015). Bên cạnh đó, ngành công nghiệp bia rượu nước này dự kiến lỗ khoảng 600 triệu USD nếu dự luật được thông qua.

Thậm chí có ý kiến lo ngại lệnh cấm sẽ đi ngược lại kỳ vọng của các nhà làm luật bởi nó tạo điều kiện phát triển cho “ngành” buôn bán rượu lậu. Để hạn chế đồ uống có cồn, Chính phủ đã quyết định đánh thuế cao hơn cho mặt hàng này. Điều đó đã khiến rượu lậu, rượu không rõ nguồn gốc càng được tiêu thụ mạnh tại Indonesia. Nhiều vụ việc thương tâm đã xảy ra như vụ hồi tháng 7, ngay trước khi dự luật được trình lên Hạ viện, nữ công dân Australia Jen Neilson phải nhập viện do ngộ độc methanol sau khi uống rượu tại Bali. Trước đó năm 2013, 2014, Bali cũng chứng kiến không ít tai nạn liên quan đến ngộ độc rượu, gây mù lòa hoặc thậm chí chết người. Gia đình của Cheznye Emmons, một du khách Anh qua đời tại Bali do ngộ độc methanol đã chi 20.000 USD để in và phát hành áp phích tuyên truyền, cảnh báo về tác hại của thứ đồ uống này tại Indonesia. Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Indonesia, có 453 người thiệt mạng, 373 người bị thương do uống bia rượu chưng cất trái phép tại nước này kể từ năm 2012.

(theo Đại biểu nhân dân)