📞

Sự hào nhoáng và thực tế của nghề làm KOL và Influencer

14:46 | 24/09/2022
Làm KOL (Key Opinion Leader) và Influencer (người có sức ảnh hưởng) được tô vẽ là nghề có khoản thu nhập khủng và trở thành một trong những công việc được khao khát hiện nay.

Hai thuật ngữ nói về người có ảnh hưởng là KOL (Key Opinion Leader) và Influencer (người có sức ảnh hưởng). Trong đó, KOL được biết đến là những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng và chuyên môn trong lĩnh vực mà bản thân họ hoạt động như ca sĩ, diễn viên, người mẫu, nghệ sĩ…

Influencer là những cá nhân có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến cộng đồng thông qua mạng xã hội. Mỗi Influencer có tầm ảnh hưởng nhất định trong ngành nghề họ theo đuổi và có cộng đồng fan riêng. Influencer thường là những streamer, vlogger, blogger, mẫu ảnh tự do hoặc các hot girl…

Sự khác biệt giữa KOL và Influencer chính là tầm ảnh hưởng và mức độ phủ sóng của họ. Sự nổi tiếng và độ phủ sóng của KOL có thể bị hạn chế trong quốc gia của họ. Còn Influencer có mức độ phủ sóng lớn hơn, có thể được thế giới biết đến và có fan khắp toàn cầu nếu gây được sự hứng thú cho người xem.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ hiện nay, mọi người dành nhiều thời gian cho các mạng xã hội. Do vậy, những người nổi tiếng trên mạng xã hội ngày càng có sức ảnh hưởng đến cộng đồng cũng như sự lựa chọn cuộc sống của mọi người.

Nghề hấp dẫn mang tên người gây ảnh hưởng

Theo Influencer Marketing Hub, năm 2022, có hơn 50 triệu người sáng tạo trên toàn thế giới tham gia thị trường sáng tạo nội dung. Thu nhập và lợi nhuận của những người này trên các nền tảng họ sử dụng có trị giá khoảng 104 tỷ USD.

Các thành viên của Blackpink đều là gương mặt đại diện cho những nhãn hàng nổi tiếng. (Nguồn: YG Entertainment)

Cuộc thăm dò của Morning Consult cho thấy, 54% người Mỹ ở độ tuổi từ 13-38 muốn trở thành KOL nếu có cơ hội. Nghiên cứu của Harris Poll với 3.000 trẻ em cho thấy, ở Mỹ và Anh, nếu lựa chọn giữa giáo viên, vận động viên chuyên nghiệp, nhạc sĩ, phi hành gia hoặc YouTuber, gần 30% xếp YouTuber là lựa chọn hàng đầu.

Một nghiên cứu của Nielsen và Rakuten hồi tháng 9 vừa rồi chỉ ra, 89% người dùng mạng xã hội trên khắp châu Á đang theo dõi những người có ảnh hưởng. Trong đó, 4/5 số người nói rằng, khả năng họ mua các sản phẩm do Influencer giới thiệu là khá cao.

Nhiều ngôi sao nổi tiếng, người đẹp của làng giải trí như chị em nhà Kardashian hay các thành viên nhóm Blackpink kiếm bộn tiền từ công việc của một Influencer. Nhờ sức ảnh hưởng toàn cầu, các cô gái của nhóm Blackpink chỉ cần đăng bài trên Instagram cũng thu về hàng trăm nghìn tới hàng triệu USD. Từ khi ra mắt vào năm 2016, Jennie của Blackpink đã được công ty mô tả như một nàng "Chanel sống".

Không chỉ thân thiết với nhà mốt nước Pháp, Jennie còn là gương mặt đại diện cho thương hiệu thời trang Calvin Klein, hãng mỹ phẩm Hera, thương hiệu kính mắt Gentle Monster. Theo Ace Bed Korea, mỗi hợp đồng của Jennie đều có giá trị lên tới hàng trăm nghìn USD.

Lisa của Blackpink có thể bỏ túi khoảng 200.000 USD cho mỗi bài đăng trên Instagram, 300.000 USD cho mỗi buổi biểu diễn và 600.000 USD cho hợp đồng đại sứ. Lisa là đại sứ của 3 thương hiệu đình đám Celine, Bulgari và MAC. Cô cũng từng hợp tác với Prada.

Rosé đang là gương mặt đại diện cho nhãn hiệu Saint Laurent và có thể mang về cho hãng khoảng 32 triệu lượt hiển thị với giá trị trung bình 980.000 USD. Năm 2021, cô được chọn làm đại sứ toàn cầu cho Tiffany & Co. Mỗi bài đăng trên Instagram của Rosé liên quan đến nhãn hàng này mang về trung bình 1,1 triệu USD cho chủ nhân của nó.

Jisoo là đại sứ thương hiệu toàn cầu cho Dior Beauty từ tháng 3/2021. Mỗi bài đăng trên Instagram của Jisoo liên quan đến Dior mang lại 30 triệu lượt hiển thị và trung bình là 910.000 USD.

Theo báo cáo Tiêu dùng Trung Quốc năm 2021 của McKinsey, có đến 44% thế hệ Gen Z cho biết, blogger và Influencer là hai trong những nguồn mà họ dùng để tìm kiếm các gợi ý mua sắm. Không chỉ vậy, sự lên ngôi của livestream càng khiến các Influencer có tầm ảnh hưởng hơn. Còn trong phân khúc hàng xa xỉ, KOL giúp người xem tiếp cận lối sống sang chảnh.

Không chỉ mang lại giá trị lớn trong lĩnh vực marketing, những người làm việc trong lĩnh vực sáng tạo nội dung còn có thể lan tỏa năng lượng tích cực. Georgia Caney, một người nước ngoài sống tại Singapore, bắt đầu tạo các video trên YouTube và được yêu thích. Các clip của cô có nội dung giống như nhật ký ghi lại cuộc sống hàng ngày kết hợp với giới thiệu về du lịch, ẩm thực và văn hóa địa phương.

Tương tự Georgia, John Lim - một người từng chiến đấu với căn bệnh trầm cảm từ năm 20 tuổi quyết định làm nội dung chia sẻ kinh nghiệm của mình để động viên và truyền cảm hứng cho mọi người. Nhiều người đã tìm tới trang web Live Young and Well của anh để tìm kiếm giải pháp và năng lượng tích cực cho bản thân.

Tuổi thọ và doanh thu thực tế của nghề 'người gây ảnh hưởng'

Sarah Zeiler kể rằng, con gái cô - Ellie bắt đầu tạo video trên YouTube khi còn là thiếu niên. Các video của Ellie chủ yếu là về thời trang và sở thích của các cô gái tuổi teen.

KOL và Influencer là ngành nghề hấp dẫn với giới trẻ. (Nguồn: Jing Daily)

Trong thời gian cách ly xã hội vì dịch bệnh, Ellie thực hiện nhiều clip nhảy múa và đăng tải lên TikTok. Trong vòng 2 tuần, Zeiler đã nhận được lời mời hợp tác từ các công ty tiếp thị và người quản lý. Hiện, Ellie 18 tuổi.

Dù con gái đang trở nên nổi tiếng và có thể kiếm được tiền nhưng mẹ của Ellie hiểu rằng, sự nổi tiếng mà con gái mình đang có sẽ không tồn tại mãi mãi. "Điều tôi muốn nói là đừng bỏ học hay công việc hàng ngày cho đến khi thực sự có thể kiếm sống không chỉ vài tháng, mà là nhiều năm, nhờ nghề sáng tạo nội dung. Hãy dành thời gian cho những việc khác vì nghề này không có gì đảm bảo. Tôi luôn muốn Ellie cảm thấy như con bé có quyền lựa chọn", Sarah Zeiler chia sẻ.

Benjamin Burroughs - giáo sư về truyền thông tại Đại học Nevada ở Las Vegas (Mỹ) cũng cảnh báo rằng, việc tung hô quá mức nghề Influencer có thể khiến trẻ em và những người trẻ tuổi có kỳ vọng sai lầm về cuộc sống thực. "Cha mẹ nên trò chuyện với con cái để giúp chúng nhận thức được rằng chúng đang bị ảnh hưởng bởi KOL trên mạng", ông nói.

Ngoài ra, vẻ hào nhoáng của một số Influencer nổi tiếng khiến nhiều người lầm tưởng về công việc này. Rohith Murthy, Tổng giám đốc của Creatory, một nền tảng dành cho người sáng tạo, cho biết việc xây dựng một sự nghiệp ổn định từ công việc sáng tạo nội dung không dễ dàng.

Do nghề sáng tạo nội dung chưa được thực sự coi là một công việc chính thức nên nhiều người không nhận được sự công nhận xứng đáng cho những gì mình bỏ ra.

Bên cạnh đó, khi người tạo ra nội dung không có được một nguồn tiền ổn định, họ thường sẵn sàng làm mọi thứ để kiếm thêm thu nhập. Đây trở thành nguyên nhân khiến cho các công ty trả giá ngày càng thấp còn người làm công việc này phải làm nhiều hơn để có đủ thu nhập.

(theo Dân trí)