Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua:
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại buổi họp báo thường niên. (Nguồn: Sputnik) |
Họp báo cuối năm của Tổng thống Vladimir Putin
Ngày 23/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến hành cuộc họp báo thường niên lần thứ 18 tại thủ đô Moscow dưới hình thức trực tiếp, với sự tham dự hơn 500 phóng viên.
Trọng tâm của cuộc họp báo là các vấn đề đối nội của Nga như tình hình kinh tế sụt giảm do đại dịch Covid-19, giá thực phẩm tăng, lương hưu, thế chấp, đường sá xuống cấp, nợ lương, các vấn đề về y tế.
Tổng thống Putin cho biết nước này đã huy động và chuẩn bị tốt hơn cho cú sốc kinh tế Covid-19 so với nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới. Mức sụt giảm kinh tế của Nga do Covid-19 là 3% song Nga đã phục hồi nhanh hơn nhiều so với các nước khác. Tăng trưởng GDP trong năm 2021 là 4,6%. Sản xuất công nghiệp tăng 5%.
Liên quan đến các vấn đề đối ngoại, cuộc họp báo tập trung về các vấn đề như Ukraine, NATO mở rộng về phía Đông, cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu, tình hình ở Nagorno-Karabakh, mối quan hệ Nga-Trung Quốc.
Ông chủ Điện Kremlin đã chỉ trích chính quyền Ukraine không thực hiện các thỏa thuận Minsk để giải quyết tình hình ở vùng Donbass. Nga không muốn và không lựa chọn xung đột, nhưng hành động của Nga sẽ phụ thuộc vào việc đảm bảo an ninh cho nước này.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhà lãnh đạo Nga đã chấp nhận đề nghị của ông Biden về việc bổ nhiệm những người chịu trách nhiệm giải quyết tình hình miền Đông Ukraine.
Ông Putin khẳng định Nga không chấp nhận NATO mở rộng về phía Đông và nhìn chung, ông nhận thấy một phản ứng tích cực và sự sẵn sàng đối thoại từ phía Mỹ.
Nga cũng sẵn sàng thảo luận về đề xuất đảm bảo an ninh của mình với các nước phương Tây trong khuôn khổ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).
Nói về quan hệ Nga-Trung Quốc, Tổng thống Putin cũng khẳng định hai nước đang phát triển mối quan hệ thân thiện, và mối quan hệ mật thiết này là chưa hề có trong lịch sử, là yếu tố ổn định thực sự trên trường quốc tế.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm 20/12. (Nguồn: China Daily) |
Trung Quốc tung đòn trừng phạt trả đũa Mỹ
Hôm 21/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào 4 cá nhân là thành viên của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ.
Các cá nhân hứng chịu lệnh trừng phạt bao gồm Chủ tịch Nadine Maenza, Phó Chủ tịch Nury Turkel, cùng hai nhân viên Anurima Bhargava và James Carr.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên, cả 4 cá nhân sẽ bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc đại lục cùng hai vùng lãnh thổ Macau và Hong Kong, đồng thời tài sản của họ tại Trung Quốc cũng sẽ bị phong tỏa.
Động thái của Bắc Kinh nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt được Bộ Tài chính Mỹ công bố trước đó trong ngày 10/12, nhằm vào 4 quan chức Trung Quốc được cho là có liên quan tới vấn đề tại Tân Cương.
NATO sẽ tìm kiếm một cuộc thảo luận với Nga. (Nguồn: Azernews) |
NATO lên tiếng về đề xuất thảo luận vấn đề Ukraine với Nga
Trong buổi họp báo ngày 21/12, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết liên minh quân sự này sẽ tìm kiếm một cuộc thảo luận với phía Nga trong khoảng đầu năm 2022 để giải tỏa lo ngại về các hành động của nước này tại biên giới với Ukraine.
Tuy nhiên, ông Stoltenberg vẫn khẳng định rằng quyền bảo vệ các đồng minh của khối, cũng như quyền tự quyết của mọi quốc gia châu Âu, bao gồm cả Ukraine, sẽ không phải là một vấn đề có thể thỏa hiệp.
Trước đó, trong ngày 17/12, Bộ Ngoại giao Nga đã công bố bản dự thảo thảo luận gồm 8 điểm, trong đó nổi bật nhất là yêu cầu NATO cam kết "tự kiềm chế không mở rộng về phía đông, bao gồm kết nạp Ukraine và thêm các nước khác".
Mặc dù vậy, các đồng minh trong khối NATO đã không đạt được đồng thuận, cho rằng các điều kiện của Nga là "bất khả thi, viển vông và trái với các hiệp ước được ký kết sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc".
Liên quan đến các đề xuất của Nga, ngày 20/12, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov cho biết nước này hiện chưa nhận được các phản hồi từ phía Mỹ, đồng thời chỉ trích Washington đang cố tình trì hoãn phúc đáp và đặt ra các điều kiện riêng của mình.
Trong khi đó, ngày 24/12, Ngoại trưởng Anh Liz Truss đã hoan nghênh thiện chí sẵn sàng đàm phán của Moscow, nhưng cũng đưa ra cảnh báo về các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này nếu có các động thái xâm nhập Ukraine.
Liên minh châu Âu (EU) đã có hành động pháp lý chống lại Ba Lan. (Nguồn: Reuters) |
EU tiến hành hành động pháp lý chống lại Ba Lan
Trong ngày 22/12, Liên minh châu Âu (EU) thông báo đã tiến hành thủ tục pháp lý chống lại Ba Lan do đã không tuân thủ các nguyên tắc đối với thành viên của khối trong vấn đề tư pháp độc lập. Đây là diễn biến mới nhất trong vụ tranh chấp pháp lý giữa Warsaw và Brussels liên quan tới các nguyên tắc về dân chủ.
Thông báo của Ủy ban châu Âu (EC) ngày 22/12 khẳng định: “Các phán quyết của Tòa án Hiến pháp Ba Lan vi phạm các nguyên tắc chung về tính ưu việt, hiệu quả và áp dụng đồng bộ của luật pháp Liên minh và tính ràng buộc của các phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ)”.
Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Ba Lan Sebastian Kaleta khẳng định động thái của khối là “một sự xâm phạm Hiến pháp và chủ quyền Ba Lan”.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cũng đã lên tiếng chỉ trích và khẳng định diễn biến mới cho thấy “một xu hướng tập trung quan liêu đang diễn ra tại Brussels, và việc này cần phải chấm dứt”.
Ông Gabriel Boric sẽ trở thành tổng thống trẻ nhất Chile. (Nguồn: EPA-EFE) |
Chile sắp có tổng thống trẻ nhất lịch sử
Theo kết quả chính thức cuộc bầu cử tổng thống Chile ngày 20/12, ông Gabriel Boric, 35 tuổi, đã giành được gần 56% số phiếu bầu trong vòng thứ hai của cuộc bầu cử, vượt qua đối thủ dày dạn kinh nghiệm Jose Antonio Kast (44% số phiếu).
Như vậy, ông Boric sẽ trở thành tổng thống trẻ nhất Chile khi ông dự kiến nhậm chức vào tháng 3/2022.
Tổng thống sắp mãn nhiệm Sebastian Pinera, đồng thời là một tỷ phú theo đường lối bảo thủ, đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến với ông Boric để chúc mừng.
Ông Boric cảm ơn người dân Chile đã đặt niềm tin vào mình: "Tôi sẽ trở thành tổng thống của tất cả người dân Chile".
Ông cũng nhắc lại kế hoạch xây dựng một Chile nhân đạo hơn, trang nghiêm hơn và bình đẳng hơn.
Nhật Bản công bố gói ngân sách hàng năm
Ngày 24/12, nội các Nhật Bản đã thông qua ngân sách hàng năm với trị giá 107,6 nghìn tỷ Yên (tương đương 940 tỷ USD), giữ mức cao kỷ lục trong 10 năm liên tiếp, qua đó đặt ưu tiên vào công cuộc đối phó với Covid-19 và mục tiêu tăng trưởng cũng như phân phối lại của cải của Thủ tướng ishida Fumio.
Hạng mục chi tiêu chính sách lớn nhất dành cho an sinh xã hội với mức chi lên tới 36,3 nghìn tỷ Yên (317 tỷ USD), một phần do dân số Nhật Bản đang bị già hoá khiến cho chi phí y tế và phúc lợi tăng cao.
Ngoài ra, ngân sách tập trung dành cho việc tăng cường biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19, cùng với các khoản chi cho quốc phòng và chi phí trả nợ.
Chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản dự kiến sẽ đệ trình dự thảo ngân sách tại phiên họp thường kỳ của Quốc hội vào ngày 17/1/2022 để có thể bắt đầu thực thi ngân sách từ cuối tháng 3/2022.
Đại sứ Hassan Irloo trong lễ tưởng niệm Thiếu tướng Qassem Soleimani ở Sanaa, Yemen hồi tháng 1. (Nguồn: Reuters) |
Lùm xùm xoay quanh cái chết của Đại sứ Iran tại Yemen
Ngày 22/12, người phát ngôn của liên minh quân sự Arab do Saudi Arabia dẫn đầu tại Yemen, ông Turki al-Maliki, đã phản bác cáo buộc liên quan đến cái chết của Đại sứ Iran tại Yemen Hassan Irloo.
Bộ Ngoại giao Iran cho biết Đại sứ tại Yemen qua đời do Covid-19 vào ngày 21/12, sau khi được đưa về Tehran chữa trị từ ngày 18/12. Bộ này cũng cáo buộc "một số nước" gây khó dễ trong việc đưa Đại sứIran về nước.
Nhà ngoại giao 63 tuổi được đưa về nước điều trị trên một chuyến bay do Iraq thực hiện. Để chuyến bay được cất cánh ra khỏi thủ đô Sana’a hiện do phiến quân Houthi kiểm soát, phía Iraq phải xin cấp phép từ Saudi Arabia - quốc gia hiện đang thực hiện lệnh phong tỏa không phận đối với các vùng lãnh thổ đang diễn ra giao tranh tại Yemen.
Trong thông cáo đưa ra ngày 21/12, Bộ Ngoại giao Iran khẳng định cái chết của ông Irloo là do “sự hợp tác chậm trễ của một số quốc gia”, ngầm ám chỉ vai trò của Saudi Arabia.
Đáp lại cáo buộc của Tehran, ông al-Maliki khẳng định: “Liên minh đã tạo điều kiện thuận lợi và cung cấp tất cả các giấy phép quá cảnh cần thiết cũng như hỗ trợ hậu cần”.
Israel muốn tiêm mũi thứ tư cho những người dễ bị tổn thường để ngăn chặn biến thể Omicron. (Nguồn: Reuters) |
Israel cho phép tiêm chủng liều thứ tư để ngăn biến chủng Omicron
Ngày 21/12, giới chức Israel cho biết sẽ sớm bắt đầu triển khai mũi tiêm vaccine Covid-19 thứ tư cho người dân trên 60 tuổi, những người có hệ miễn dịch yếu và các nhân viên y tế trong thời điểm biến thể Omicron đang lan rộng trên thế giới.
Thủ tướng Naftali Bennett hoan nghênh các khuyến nghị và đã yêu cầu các quan chức chuẩn bị chiến dịch phân phối vaccine. Israel có khả năng sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm mũi thứ 4 cho một số nhóm công dân.
Dù có những nghiên cứu sơ bộ cho thấy Omicron có thể gây bệnh nhẹ hơn các biến chủng trước, các quan chức Israel cho rằng đợi đến khi có thông tin rõ ràng hơn có thể là đã quá muộn để bảo vệ nhóm dễ tổn thương nhất.
Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế không nhất trí với đề xuất này, đề nghị chính phủ nên "hãm phanh" để chờ thêm dữ liệu trước khi quyết định tiêm liều thứ tư cho người dân.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Choi Jong-kun và người đồng cấp Trung Quốc Lạc Ngọc Thành họp trực tuyến ngày 23/12. (Nguồn: Yonhap) |
Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc và Trung Quốc hội đàm trực tuyến
Ngày 23/12, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Choi Jong-kun và người đồng cấp Trung Quốc Lạc Ngọc Thành có cuộc họp trực tuyến tại Đối thoại Chiến lược lần thứ 9 nhằm trao đổi quan điểm về các vấn đề trong khu vực và quốc tế.
Hai bên đồng ý thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế, văn hoá và môi trường với mục tiêu phục hồi giao lưu văn hoá, đảm bảo an ninh của chuỗi cung ứng nguyên liệu thô và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí về tầm quan trọng của việc xử lý các tình huống an ninh khu vực và tái khẳng định mục tiêu là đạt được phi hạt nhân hoá hoàn toàn cũng như tái thiết hoà bình trên bán đảo Triều Tiên.