Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua:
Tình hình Afghanistan tiếp tục diễn biến căng thẳng
Những diễn biến mới nhất trong các cuộc giao tranh giữa lực lượng Taliban và quân đội chính phủ Afghanistan tiếp tục nghiêng về hướng có lợi cho phong trào thánh chiến này.
Chiến binh Taliban lái chiếc xe của Quân đội quốc gia Afghanistan (ANA) trên một con phố ở Kandahar, ngày 13/8/2021. (Nguồn: AFP) |
Sau nhiều ngày giao tranh quyết liệt tại hai thành phố trọng yếu Kandahar và Herat, các tay súng của nhóm vũ trang hiện đã chiếm giữ hơn một nửa trong tổng số 34 thủ phủ cấp tỉnh của Afghanistan và chỉ còn cách thủ đô Kabul chưa đầy 80km.
Sáng 15/8, giới chức địa phương Afghanistan thông báo các tay súng Taliban đã chiếm được Mazar-i-Sharif, thành phố quan trọng cuối cùng của chính phủ ở miền Bắc.
Taliban đang dùng biện pháp quân sự để khôi phục quyền lực bị lật đổ 20 năm trước, sau chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ. Sau khi Mỹ và các lực lượng nước ngoài bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan vào tháng 5 vừa qua, Taliban liên tục tiến công nhiều khu vực và hiện kiểm soát hơn 65% lãnh thổ Afghanistan.
Trong những khu vực chiếm đóng, một số phương tiện truyền thông địa phương cho biết nhóm phiến quân đã tái áp dụng một số luật lệ nghiêm khắc nhằm vào quyền của phụ nữ. Cụ thể, một vài trường hợp tại tỉnh Takhar đã bị các tay súng “nhắc nhở” do ra ngoài không có nam giới đi kèm hoặc không mặc đồ che kín người
Cộng đồng quốc tế bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình xung đột tại quốc gia Nam Á. Vào ngày 13/8, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi Taliban ngừng ngay lập tức các cuộc tấn công để bắt đầu một cuộc đàm phán nghiêm túc.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp kiểm soát Taliban và khẳng định ông sẽ có cuộc gặp riêng với các nhà lãnh đạo của phong trào.
Sóng gió mới trong quan hệ liên Triều
Rạng sáng ngày 10/8, bà Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã lên án việc xúc tiến các cuộc tập trận chung thường niên của Mỹ và Hàn Quốc, đồng thời bày tỏ vô cùng lấy làm tiếc trước các "hành động phản bội” của phía Seoul.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và em gái Kim Yo-jong. (Nguồn: Reuters) |
Trong buổi chiều cùng ngày, các nhà lãnh đạo nước này đã từ chối không trả lời các cuộc gọi từ phía Hàn Quốc - vốn diễn ra hàng ngày thông qua đường dây nóng liên lạc và quân sự giữa hai bên.
Vào ngày 12/8, hãng thông tấn Yonhap dẫn lời Đại sứ CHDCND Triều Tiên tại Nga Sin Hong-chol kêu gọi Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc nhằm đạt được hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Đáp lại lời cảnh cáo từ phía Pyongyang, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định cuộc diễn tập hoàn toàn mang tính chất phòng thủ.
Bộ tứ họp trực tuyến các quan chức ngoại giao cấp cao
Ngày 12/8, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết các quan chức ngoại giao cấp cao bốn nước thành viên nhóm Bộ tứ (QUAD) Ấn Độ, Australia, Nhật Bản và Mỹ đã có một cuộc họp trực tuyến liên quan tới vấn đề ngăn chặn tác động của đại dịch Covid-19 tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Bộ tứ nhóm họp quan chức ngoại giao cấp cao |
Trong buổi họp, nhóm đã xem xét tiến độ của sáng kiến hợp tác vaccine do chính các nhà lãnh đạo bốn quốc gia thành viên công bố vào tháng 3 năm nay.
Bên cạnh đó, các quan chức cũng thảo luận sâu rộng về những vấn đề chung như chuỗi cung ứng, công nghệ mới nổi và quan trọng, an ninh hàng hải, an ninh mạng, chống khủng bố, cơ sở hạ tầng và kết nối, giáo dục đại học, biến đổi khí hậu, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai.
Các nhà lãnh đạo cũng đã nhắc lại những giá trị và nguyên tắc chung đồng thời tái khẳng định cam kết hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, cởi mở, thịnh vượng và hòa nhập trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Bên cạnh đó, Bộ tứ cũng khẳng định ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các bên nhắc lại sự ủng hộ vững chắc đối với vai trò trung tâm của ASEAN, triển vọng ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt trong cấu trúc khu vực.
Khủng hoảng ngoại giao Trung Quốc-Lithuania
Lithuania và Trung Quốc vừa rơi vào khủng hoảng ngoại giao vì xung khắc quanh việc quốc gia vùng Baltic cho mở "Văn phòng đại diện Đài Loan".
Trung Quốc và Lithuania đang vướng vào một cuộc khủng hoảng ngoại giao. (Nguồn: Dreamstime) |
Ngày 10/8, Trung Quốc tỏ thái độ giận dữ đề nghị Lithuania rút đại sứ nước này tại Bắc Kinh, đồng thời cho biết, quốc gia châu Á cũng sẽ triệu hồi đại sứ tại Vilnius. Trung Quốc tuyên bố, nước này hối thúc phía Lithuania nghiêm túc thực hiện cam kết đối với nguyên tắc "một Trung Quốc".
Ngày 11/8, Tổng thống Gitanas Nauseda nêu rõ, Lithuania là một quốc gia độc lập và có thể quyết định quốc gia hoặc khu vực mà Vilnius mong muốn phát triển quan hệ.
Tổng thống Nauseda cho hay, chính sách “một Trung Quốc” đã được triển khai sau khi Lithuania thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc năm 1991. Tổng thống Lithuania cũng khẳng định, mối quan hệ giữa Vilnius và Bắc Kinh cần phải dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. Nếu không, đối thoại sẽ trở thành tối hậu thư đơn phương, vốn không thể chấp nhận được trong quan hệ quốc tế.
Trước đó, trong ngày 20/7, Trưởng Cơ quan Đối ngoại Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp tuyên bố Đài Loan sẽ mở một văn phòng đại diện ở Lithuania để mở rộng mối quan hệ với vùng Baltic này và những nước Trung Âu khác.
Văn phòng mới này sẽ được gọi là “Văn phòng đại diện Đài Loan ở Lithuania”, tọa lạc tại thủ đô Vilnius. Theo đó, đây sẽ là lần đầu tiên tên gọi “Đài Loan” được dùng cho một trong những văn phòng đại diện của vùng lãnh thổ này ở châu Âu, thay cho tên “Đài Bắc”.
Belarus huỷ bỏ quyết định chấp thuận đại sứ Mỹ
Ngày 11/8, hãng tin RIA của Nga đưa tin, Belarus đã yêu cầu Mỹ cắt giảm nhân viên Đại sứ quán ở Minsk và hủy bỏ quyết định chấp thuận bổ nhiệm bà Julie Fisher làm Đại sứ để đáp trả các lệnh trừng phạt mới nhất của Washington.
Quan hệ Mỹ-Belarus ngày càng căng thẳng. |
Minsk muốn số nhân viên Đại sứ quán Mỹ giảm xuống còn 5 người trước ngày 1/9 tới.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Belarus Anatoly Glaz đã lên án việc Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt là hành động “thù địch trắng trợn và công khai”.
Mặc dù Belarus đã đồng ý bổ nhiệm bà Fisher vào tháng 12/2020 với tư cách là đại sứ đầu tiên của Mỹ tại Belarus kể từ năm 2008, nước này chưa bao giờ cấp thị thực nhập cảnh cho bà. Hiện bà Fisher vẫn ở láng giềng Lithuania, nơi bà duy trì liên lạc với Sviatlana Tsikhanouskaya, người thách thức phe đối lập chính trong cuộc bầu cử ngày 9/8/2020 và buộc phải rời Belarus.
Bình luận về động thái trên của Belarus, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói: “Chính quyền Minsk phải chịu trách nhiệm về sự xấu đi trong quan hệ Mỹ-Belarus”.
Iran triệu Đại sứ Nga về vụ bức ảnh gây tranh cãi
Ngày 12/8, Đại sứ quán Nga thông báo, Bộ Ngoại giao Iran đã mời Đại sứ Nga tại Tehran Levan Dzhagaryan đến thảo luận về một bức ảnh gần đây gây ra sự phản đối mạnh mẽ của công chúng ở Iran.
Bức ảnh gây tranh cãi chụp Đại sứ Dzhagaryan (trái) và người đồng cấp Anh tại Iran Simon Shercliff, tại địa điểm từng diễn ra Hội nghị Tehran năm 1943. (Nguồn: Đại sứ quán Nga tại Iran) |
Đại sứ Dzhagaryan gần đây đã gặp người đồng cấp Anh tại Tehran Simon Shercliff tại địa điểm từng diễn ra Hội nghị Tehran năm 1943. Bức ảnh chụp 2 nhà ngoại giao này sau cuộc gặp đã bị chỉ trích ở Iran vì hội nghị gắn liền với sự hiện diện của các thế lực nước ngoài tại nước Cộng hòa Hồi giáo này. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif và các chính trị gia khác cũng đã lên án bức ảnh.
Thông báo có đoạn: "Hôm nay (ngày 12/8)..., Đại sứ Dzhagaryan đã được mời đến Bộ Ngoại giao Iran liên quan đến phản ứng gây tranh cãi của công chúng Iran về bức ảnh chụp chung với Đại sứ Shercliff".
Phái bộ ngoại giao Nga cho biết thêm, cuộc thảo luận "diễn ra một cách thân thiện" và phía Iran đã nhận được "mọi lời giải thích cần thiết" liên quan đến bức ảnh. Đại sứ Dzhagaryan đã bày tỏ lấy làm tiếc về sự hiểu lầm này. (Sputnik)
Đức bắt giữ nhà ngoại giao Anh tình nghi làm gián điệp cho Nga
Ngày 11/8, các công tố viên thông báo, cảnh sát Đức đã bắt giữ một người đàn ông làm việc tại Đại sứ quán Anh ở Berlin một ngày trước đó vì tình nghi chuyển tài liệu cho cơ quan tình báo Nga để lấy tiền mặt.
Bộ Ngoại giao Đức cho biết, cơ quan này đang xem xét rất nghiêm túc và sẽ giám sát chặt chẽ cuộc điều tra của các công tố viên về vụ việc, đồng thời nhấn mạnh, hoạt động do thám các quốc gia đồng minh trên đất Đức là không thể chấp nhận được.
Israel mở văn phòng liên lạc tại Morocco
Bên lề chuyến thăm tại thủ đô Rabat ngày 12/8 vừa qua, Ngoại trưởng Israel Yair Lapid thông báo nước này đã chính thức mở văn phòng liên lạc tại Morocco, sau khi quan hệ với quốc gia Bắc Phi được bình thường hóa vào năm ngoái dưới vai trò trung gian của Mỹ.
Ngoại trưởng Israel Yair Lapid (phải) cắt băng khánh thành văn phòng liên lạc tại Morocco. (Nguồn: GPO) |
Trên trang Twitter cá nhân, ông Yair Lapid khẳng định đây là một “khoảnh khắc lịch sử” trong quan hệ hai nước.
Ngoài ra, người đứng đầu ngành ngoại giao Israel cho biết, trong một bức thư do Tổng thống Isaac Herzog gửi tới người đồng cấp bên phía Morocco, ông đã mời Quốc vương Mohammed VI đến thăm Israel.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Lapid là chuyến thăm chính thức đầu tiên của quan chức Israel tới Morocco trong vòng 20 năm qua.
Phát biểu trong ngày 11/8, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định nước này sẽ tiếp tục làm việc với Israel và Morocco để tăng cường quan hệ đối tác cũng như tạo ra một tương lai hòa bình, an ninh và thịnh vượng cho tất cả người dân Trung Đông.
Cuba đạt đột phá mới trong sản xuất vaccine Covid-19
Ngày 13/8, Tập đoàn Công nghệ Sinh học và Dược phẩm Cuba (BioCubaFarma) cho biết, các loại vaccine Covid-19 do chính nước này bào chế và sản xuất có khả năng chống lại biến thể Delta đang hoành hành trên thế giới.
Số liệu báo cáo của nhóm chuyên gia thuộc Bộ Y tế Cuba (Minsap) cho thấy, có 21.000 người, tương đương với 0,8% trong số 2,5 triệu người được tiêm vaccine đầy đủ bị mắc bệnh trở lại kể từ khi Cuba bắt đầu triển khai tiêm phòng đại trà trên cả nước cho tới thời điểm hiện nay. Trong đó, số người tử vong chỉ là 99, chiếm 0,003% trên tổng số người đã được tiêm vaccine.
Đây được xem là một dấu hiệu đáng khích lệ, thể hiện các loại vaccine của Cuba đang phát huy tác dụng, bao gồm cả hiệu quả chống lại biến thể Delta, cũng như đặc biệt là ngăn ngừa bệnh biến chuyển nặng.
Hiện đây là quốc gia duy nhất thuộc khu vực Mỹ Latinh có vaccine Covid-19 riêng cho hiệu quả cao và được cấp phép sử dụng khẩn cấp, thu hút sự chú ý của một số nước trên thế giới. Tính tới ngày 10/8, Cuba đã tiêm chủng hơn 11 triệu liều vaccine, tương đương 25,5% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ.