📞

Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua 10-16/1: Tín hiệu tích cực giữa Nga và phương Tây; Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa

Ly Lê 13:17 | 16/01/2022
Các cuộc họp về an ninh giữa Nga và phương Tây, Triều Tiên hai lần thử tên lửa trong tuần... là những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua:

Từ trái sang: Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko và Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin tại cuộc họp Hội đồng Nga-NATO ở Brussels (Bỉ), ngày 12/1. (Nguồn: AFP)

Tín hiệu tích cực từ Nga

Cuộc họp Hội đồng Nga-Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 12/1 tại Brussels (Bỉ), cùng với cuộc đàm phán an ninh Nga-Mỹ ngày 10/1 tại Geneva (Thụy Sỹ) và cuộc thảo luận giữa Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ngày 13/1 tại Vienna (Áo), đều liên quan tới hai dự thảo thỏa thuận an ninh mà Moscow đề xuất với Mỹ và NATO nhằm đưa ra các cam kết mới về bảo đảm an ninh giữa hai bên.

Các cuộc đàm phán đã cho thấy những tín hiệu tích cực dù chưa hóa giải được bất đồng. Thậm chí, một số nhà quan sát nhận định các cuộc họp này vẫn khiến tình hình rơi vào bế tắc. Đặc biệt, trong những vấn đề cốt lõi, cả Nga và NATO đều giữ vững lập trường của mình.

Ngày 14/1, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, khối này sẽ không thỏa hiệp trong việc mở rộng liên minh và triển khai lực lượng của mình về phía Đông. Ông khẳng định đây là thời điểm quan trọng đối với an ninh châu Âu và NATO phải đối thoại với Nga, cùng với những vấn đề khác, để truyền đạt cho Moscow lập trường đồng thuận của tất cả đồng minh rằng, liên minh quân sự sẽ không thực hiện bất kỳ thỏa hiệp nào.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhận định: “Lập trường của phương Tây khá cứng rắn, ngạo mạn ở đâu đó, không nhân nhượng, tuy nhiên, nó đã được diễn đạt một cách bình tĩnh, theo phong cách thực tế”.

Về tương lai các cuộc đàm phán an ninh, ông Lavrov cho hay, cơ hội tiếp tục sẽ phụ thuộc vào phản ứng của phương Tây đối với các đề xuất của Moscow.

Tình hình tại Kazakhstan đã giảm nhiệt. (Nguồn: Al Jaazera)

Tình hình Kazakhstan giảm nhiệt

Làn sóng bạo loạn kéo dài hơn một tuần lễ tại nhiều khu vực trên khắp Kazakhstan đã chính thức hạ nhiệt từ ngày 9/1, theo sau thông báo từ Bộ trưởng Bộ Nội vụ Erlan Turgumbayev.

Hôm 12/1, Bộ này cho biết hơn 1.700 người có liên quan đến các cuộc bạo loạn đã bị bắt giữ chỉ trong vòng 24 giờ, nâng tổng số người bị bắt giữ vì mục đích tra khảo kể từ ngày 2/1 lên hơn 12.000.

Trong khi đó, hãng truyền thông Nga Sputnik dẫn lời Bộ Y tế Kazakhstan cho biết, hơn 164 người, bao gồm 2 trẻ em, đã thiệt mạng trong làn sóng bạo lực được cho là tồi tệ nhất suốt hơn 30 năm qua tại nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này.

Trong một cuộc họp vào ngày 10/1 với các thành viên của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), Tổng thống Kazakhstan Kassym Jomart Tokayev khẳng định các cuộc bạo loạn là “một âm mưu đảo chính”.

Nhà lãnh đạo 68 tuổi cũng lên tiếng bảo vệ quyết định kêu gọi sự hỗ trợ từ hơn 2.030 binh lính và 250 thiết bị quân sự thuộc biên chế của CSTO, đồng thời bác bỏ những nghi ngờ về tính chính danh của chiến dịch “chống khủng bố” tại nước này.

Cũng tại cuộc họp, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, khối liên minh của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ nói trên đã ngăn chặn âm mưu của “những kẻ khủng bố, tội phạm, cướp bóc và các thành phầm phạm pháp” nhằm phá hoại cơ quan quyền lực tại Kazakhstan.

Ông chủ Điện Kremlin nói: “Chúng tôi hiểu rõ rằng, những sự kiện xảy ra tại Kazakhstan sẽ không phải lần đầu tiên và càng không phải những âm mưu cuối cùng nhằm can thiệp từ bên ngoài vào công việc nội bộ của các nước thành viên”.

Theo Tổng thư ký CSTO Stanislav Zas, hơn 2.000 binh sĩ được triển khai tới quốc gia Trung Á sẽ bắt đầu rút quân từ ngày 13/1 và dự kiến hoàn tất quá trình này trước ngày 19/1.

Tên lửa rời bệ phóng trên đường sắt trong cuộc diễn tập của quân đội Triều Tiên ngày 14/1. (Nguồn: KCNA)

Triều Tiên hai lần thử tên lửa trong tuần

Ngày 14/1, truyền thông Triều Tiên xác nhận nước này đã phóng hai quả tên lửa đạn đạo từ tàu hỏa, trở thành vụ phóng thử tên lửa thứ ba chỉ trong 10 ngày.

Phía Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã phóng “hai tên lửa đạn đạo từ tỉnh Bắc Pyongang về vùng biển phía đông”. Trong đó, hai tên lửa của nước này đã bay khoảng 430km ở độ cao 36km với tốc độ tối đa Mach 6, tức gấp 6 lần tốc độ âm thanh.

Vụ phóng mới nhất này của Triều Tiên diễn ra chỉ vài ngày sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thực hiện các lệnh trừng phạt mới đối với 6 người Triều Tiên mà Washington cho rằng có liên quan đến các chương trình vũ khí tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Trước đó, vào ngày mùng 5 và 11/1, Triều Tiên đã liên tiếp thực hiện hai vụ phóng thử tên lửa mang đầu đạn lướt siêu vượt âm.

Việc Bình Nhưỡng tuyên bố phóng thành công tên lửa siêu thanh khiến nhiều quốc gia bày tỏ quan ngại vì sức mạnh vượt trội của loại vũ khí này. Mỹ đã lên tiếng chỉ trích vụ phóng thử tên lửa và coi đây là mối đe dọa đối với các nước láng giềng của Triều Tiên cũng như với cộng đồng quốc tế.

Bà Aung San Suu Kyi. (Nguồn: Reuters)

Bà Aung San Suu Kyi tiếp tục đối mặt với nhiều tội danh mới

Một quan chức Myanmar cho biết, chính quyền quân sự tại nước này đã đệ trình 5 cáo buộc tham nhũng mới chống lại bà Aung San Suu Kyi - nhà lãnh đạo dân sự đã bị bắt giữ trong cuộc chính biến xảy ra vào ngày 1/2/2021.

Ngày 14/1, Reuters cho biết, các cáo buộc tham nhũng mới đây nhất từ phía chính quyền quân sự có liên quan tới việc sử dụng trái phép ngân sách nhà nước nhằm thuê và mua lại một chiếc máy bay trực thăng.

Chiếc trực thăng đã được sử dụng từ năm 2019 đến năm 2021 và chỉ được bay có 84 giờ trên tổng số 720 giờ thuê. Cựu Tổng thống U Win Myint bị cáo buộc tương tự.

Trước đó, bà Suu Kyi đã phải chịu hơn 5 bản án, với tổng hình phạt cho các tội danh lên tới hơn 100 năm tù giam. Các bản án chủ yếu liên quan tới những tội danh như tham nhũng, tiết lộ thông tin mật, vi phạm quy định phòng chống dịch, sở hữu đồ nhập khẩu trái phép...

Sau khi các cáo buộc được công bố, chính quyền quân sự đã nhanh chóng phản bác trước sự chỉ trích từ phía người ủng hộ bà Suu Kyi.

Thiếu tướng Zaw Min Tun - người phát ngôn của chính phủ Myanmar - khẳng định: “Không ai được phép đứng trên pháp luật. Tôi chỉ muốn khẳng định rằng, bà ấy sẽ được xét xử đúng theo quy định”.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. (Nguồn: Reuters)

Nga đe dọa triển khai quân tới khu vực Mỹ Latinh

Ngày 13/1, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết sẽ không loại trừ khả năng nước này tiến hành gửi quân đội tới hai quốc gia thuộc khu vực Mỹ Latinh là Cuba và Venezuela, nếu căng thẳng với phương Tây về vấn đề Ukraine tiếp tục gia tăng.

Ông Ryabkov cũng tuyên bố rằng, hành động của Nga sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào các động thái của Mỹ.

Trong khi đó, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã gọi ý tưởng điều động quân của Nga là “điều đáng tiếc trong các bình luận công khai”.

Vị cố vấn cũng lưu ý, động thái trên không thuộc chủ đề bàn luận tại các cuộc đối thoại trong tuần và đưa ra tuyên bố, Mỹ sẽ giải quyết dứt khoát nếu Nga lựa chọn hướng đi đó.

Trước đó, ông Sergei Ryabkov đã dẫn đầu đoàn đại biểu tới các cuộc đối thoại Mỹ-Nga tại Geneva vào ngày 10/1 để thảo luận về những đề xuất của Nga trong việc đảm bảo an ninh, trong đó có bao gồm yêu cầu chấm dứt hành động mở rộng ảnh hưởng về phía Đông của NATO.

Hy vọng mới cho quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Armenia. (Nguồn: Al Jaazera)

Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia khởi động đàm phán bình thường hóa quan hệ

Ngày 14/1, Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia đã chính thức khởi động vòng đàm phán “tích cực và mang tính xây dựng” đầu tiên sau hơn 10 năm tại Nga, nâng cao triển vọng khôi phục mối quan hệ song phương và mở lại biên giới sau hàng thập kỷ đối đầu.

Bộ trưởng Ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia đều khẳng định hai bên cam kết bình thường hóa quan hệ mà không có bất cứ điều kiện gì kèm theo. Đặc phái viên của hai nước cũng bắt đầu trao đổi quan điểm sơ bộ về tiến trình bình thường hoá.

Giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia đã không tồn tại quan hệ ngoại giao và thương mại trong suốt 30 năm và buổi đàm phán này là nỗ lực đầu tiên nhằm khôi phục sự liên kết song phương kể từ hiệp định hòa bình năm 2009.

Trước đó, thoả thuận bình thường hoá quan hệ này chưa từng được phê chuẩn và quan hệ hai bên vẫn duy trì trạng thái căng thẳng.

Đối tượng Anwar Raslan.

Cựu đại tá người Syria và tội ác chống lại loài người

Ngày 13/1, Toà án Liên bang Đức đã tiến hành xét xử một cựu đại tá quân đội người Syria Anwar Raslan với cáo buộc về tội ác chống lại loài người và người đàn ông này sẽ phải chịu mức án tù chung thân.

Ông Anwar Raslan bị kết án với 27 tội danh về cướp của, cưỡng hiếp và tấn công tình dục tại trung tâm giam giữ Al-Khatib gần thủ đô Damascus của Syria. Việc xét xử tiến hành theo nguyên tắc pháp lý về quyền tài phán chung, cho phép truy tố tội phạm tại một đất nước ngay cả khi việc phạm tội diễn ra tại khu vực khác.

Trong khi đó, ông Anwar Raslan đã bác bỏ cáo buộc về hành vi tra tấn hoặc đưa ra chỉ thị cho người khác tiến hành tra tấn.

Tại buổi xét xử, hơn 80 nhân chứng đã đứng ra để tố cáo về “điều kiện thảm khốc” xảy ra trong trại tạm giam.

Afghanistan đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng nhân đạo sau khi Mỹ rút quân và Taliban lên nắm quyền cuối tháng 8. (Nguồn: AP/AFP)

Taliban đề xuất thành lập cơ quan điều phối viện trợ cho Afghanistan

Ngày 12/1, chính quyền Taliban đã đưa ra đề xuất thành lập của một ủy ban chung có sự góp mặt của các thành viên phong trào này và các đại diện quốc tế, nhằm thực hiện việc điều phối chương trình viện trợ nhân đạo trị giá hàng tỷ USD dành cho người dân Afghanistan.

Các gói viện trợ quốc tế dành cho Afghanistan đã bị cắt giảm mạnh mẽ kể từ sau khi Taliban lên nắm chính quyền vào tháng 8/2021, đẩy nền kinh tế của quốc gia Nam Á bên bờ vực sụp đổ và gia tăng nguy cơ đói nghèo. Ngoài ra, các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào phong trào này cũng đã gián tiếp ngăn cản quá trình cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết, bao gồm lương thực và thuốc men.

Trước đó, ngày 11/1, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đưa ra lời kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng góp khoảng 4,4 tỷ USD trong năm 2022 cho Afghanistan.

Cùng ngày, Nhà Trắng cho biết sẽ bổ sung 308 triệu USD cho hoạt động của các nhóm cứu trợ nhân đạo tại quốc gia Nam Á.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Saudi Arabia, Thái tử Faisal bin Farhan Al Saud. (Nguồn: THX)

Ngoại trưởng các nước vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ cùng Iran đồng loạt tới thăm Trung Quốc

Ngày 10/1, Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) bao gồm Saudi Arabia, Kuwait, Oman, Bahrain và Tổng thư ký GCC đã lên đường sang Trung Quốc, bắt đầu chuyến thăm kéo dài 4 ngày. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Kazakhstan, quốc gia có vị trí địa lý cận kề với cả Trung Quốc và vùng Vịnh, đang đối diện với tình hình hỗn loạn do các cuộc biểu tình bạo lực.

Bên cạnh đó, nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu và Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian cũng có chuyến thăm Trung Quốc lần lượt vào các ngày 12 và 14/1.

Trong khuôn khổ cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Vương Nghị cùng người đồng cấp Mevlut Cavusoglu khẳng định, quan hệ Trung Quốc-Thổ Nhĩ Kỳ đang duy trì đà phát triển. Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, năng lượng, an ninh và cả phát triển vaccine.

Tiếp đón Ngoại trưởng Iran trong bối cảnh thỏa thuận hợp tác toàn diện kéo dài 25 năm trị giá 400 tỷ USD hiện bước vào giai đoạn thực thi, hai Bộ trưởng tiến hành đàm phán về các lĩnh vực an ninh và kinh tế.

Đặc biệt, trọng tâm của chương trình nghị sự xoay quanh các cuộc đàm phán tại Vienna nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran với các cường quốc.

Ngoại trưởng Iran cho biết “một kỳ tích sẽ có thể xảy ra với sự hỗ trợ của Trung Quốc và Nga”.

Bộ Ngoại giao Iran cũng dẫn lời ông Vương Nghị cho biết, Trung Quốc ủng hộ lập trường “hợp lý” của Iran trong các cuộc đàm phán tại Vienna.

Chuyên gia đánh giá, động thái tăng cường ngoại giao với các nước Trung Đông được cho là sẽ tạo cơ hội để Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng và vị thế trong khu vực.