📞

Sự kiện quốc tế nổi bật tuần từ 12-18/9

22:30 | 18/09/2016
6 sự kiện trải dài từ việc Nga và Mỹ đạt được thỏa thuận ngừng bắn mới ở Syria đến việc Anh - Argentina hợp tác tại quần đảo tranh chấp Malvinas/Falklands...

1. Nga và Mỹ nhất trí kế hoạch ngừng bắn mới tại Syria 

Ngày 12/9, thỏa thuận ngừng bắn mới tại Syria giữa Nga và Mỹ kéo dài một tuần đã chính thức có hiệu lực. Đây được coi là cơ hội lớn nhất từ trước tới nay, cho phép các bên xung đột tại Syria có thể ngồi vào bàn đàm phán, giải quyết xung đột và vãn hồi hòa bình bằng con đường ngoại giao.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov nhất trí về kế hoạch ngừng bắn mới tại Syria. (Nguồn: AP)

Theo thỏa thuận, các lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad được Nga ủng hộ và những nhóm nổi dậy được Mỹ hậu thuẫn ngừng hành động thù địch trong giai đoạn 7 ngày, sau đó được gia hạn thêm 2 ngày, để cho phép đưa hàng viện trợ vào các thành phố đang bị bao vây, nhất là tại Aleppo - nơi chứng kiến chiến sự ác liệt nhất. Mỹ và Nga cũng bắt đầu thiết lập một cơ chế chung để chia sẻ thông tin nhằm vào các nhóm khủng bố liên quan tới al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Mục đích là tách các nhóm đối lập Syria được phương Tây và các nước Ả rập  ủng hộ với những tổ chức thánh chiến không nằm trong thỏa thuận. 

2. Mỹ viện trợ quân sự kỷ lục cho Israel

Ngày 13/9, Mỹ và Israel đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về gói viện trợ mới của Washington cho Tel Aviv trị giá ít nhất 38 tỷ USD. Thỏa thuận trên kéo dài trong 10 năm, cho phép Israel mỗi năm được hưởng khoản hỗ trợ quân sự trị giá 3,8 tỷ USD từ Mỹ, cao hơn mức 3,1 tỷ USD/năm trong thỏa thuận hiện tại giữa hai nước và thấp hơn so với mức 4,5 tỷ USD/năm mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đưa ra trước đó. Thỏa thuận này cũng lần đầu tiên cung cấp khoản tài chính dành cho việc hiện đại hóa hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel. 

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice (giữa) cùng Quyền Cố vấn an ninh quốc gia Israel Jacob Nagel và Phó cố vấn an ninh quốc gia Thomas Shannon tại lễ ký kết thỏa thuận lịch sử. (Nguồn: Reuters)

Gói viện trợ quân sự lớn chưa từng có này không chỉ thể hiện cam kết lớn nhất về sự hỗ trợ quân sự mà Mỹ từng đưa ra đối với bất cứ quốc gia nào, mà còn bao gồm cả những nhượng bộ lớn được Thủ tướng Israel Netanyahu chấp thuận. Theo đó, phía Israel sẽ không yêu cầu Quốc hội Mỹ cấp khoản hỗ trợ thêm có giá trị lớn hơn so với mức đã cam kết hàng năm trong gói viện trợ quân sự mới này, đồng thời phía Israel cũng chấm dứt điều khoản đặc biệt cho phép nước này sử dụng một phần tiền viện trợ của Mỹ để mua các thiết bị từ các nhà thầu quân sự của Israel trong vòng 6 năm kể từ khi thỏa thuận viện trợ có hiệu lực. 

3. Libya trước nguy cơ bùng phát xung đột

Ngày 13/9, các lực lượng trung thành với Tướng Khalifa Haftar ở miền Đông Libya tiếp tục chiếm thêm cảng dầu Brega ở khu vực được xem là “vựa dầu” của quốc gia Bắc Phi này. Đây là cảng dầu lớn thứ tư bị rơi vào tay lực lượng chống lại Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) trong vòng vài ngày qua. Trước đó, ngày 11/9, lực lượng của Tướng Haftar đã giành quyền kiểm soát 3 cảng gồm Ras Lanuf, Al-Sidra và Zuwaytina ở miền Đông. Ba cảng này là nguồn thu nhập chủ chốt của nền kinh tế Libya.

Cảng dầu Brega rơi vào tay lực lượng trung thành với Tướng Khalifa Haftar. (Nguồn: Egypt Today)

Việc để mất cảng Brega được coi là một đòn mới giáng vào GNA, được Liên hợp quốc hậu thuẫn, vốn đang phải nỗ lực xác lập quyền lãnh đạo trên cả nước trong sự phản đối của các phe phái đối địch. Trước những diễn biến ngày càng phức tạp tại Libya, các nước Mỹ, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và Anh đã lên tiếng kêu gọi các lực lượng trung thành với Tướng Haftar rút khỏi các cảng dầu vừa chiếm giữ.

Trong một tuyên bố ngày 14/9, các nước này nhấn mạnh, chính phủ được Liên hợp quốc hậu thuẫn ở Tripoli là lực lượng quản lý duy nhất đối với các nguồn tài nguyên dầu mỏ ở Libya, đồng thời tuyên bố dầu mỏ của Libya phải thuộc về người dân Libya. Tuyên bố cũng kêu gọi tất cả các lực lượng tránh có bất kỳ hành động nào có thể hủy hoại hệ thống hạ tầng năng lượng cũng như làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Libya.

4. Tín hiệu tích cực trong quan hệ Anh-Argentina

Ngày 14/9, Bộ Ngoại giao Argentina thông báo đã đạt được thỏa thuận hợp tác với Anh trong khai thác dầu khí, ngư nghiệp, thương mại, giao thông và vận tải hàng hải cũng như hàng không tại quần đảo tranh chấp Malvinas/Falklands, nhân chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Anh Alan Duncan. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một quan chức Bộ Ngoại giao Anh tới Buenos Aires trong vòng 7 năm gần đây.

Tranh chấp giữa Anh và Argentina đối với quần đảo Malvinas/Falklands vốn kéo dài từ cuối thế kỷ XX đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực. (Nguồn: AFP)

Hai nước thống nhất xóa bỏ mọi rào cản để hướng tới phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế tại quần đảo Malvinas/Falklands, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác vì lợi ích chung tại khu vực Nam Đại Tây Dương. Bộ Ngoại giao Argentina cho biết sẽ thiết lập đường bay thẳng từ lãnh thổ nước này tới Malvinas, vốn bị gián đoạn từ năm 1982, với tần suất 2 chuyến bay mỗi tháng. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Argentina cũng nhấn mạnh, tuy còn tồn tại khác biệt giữa hai nước nhưng hai bên cần tìm được các cơ chế cho phép đạt được tiến bộ trong đối thoại. 

5. Mỹ sẽ dỡ bỏ trừng phạt Myanmar 

Ngày 14/9, trong khuôn khổ chuyến thăm 12 ngày (từ ngày 14-9) tới Mỹ của Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ dỡ bỏ trừng phạt kinh tế và đưa Myanmar trở lại danh sách các nước được hưởng Hệ thống Ưu đãi Phổ quát (GSP), một cơ chế miễn thuế đối với hàng hóa từ các nước nghèo và đang phát triển nhập khẩu vào Mỹ. 

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi. (Nguồn: Reuters)

Theo Tổng thống Obama, quyết định dỡ bỏ trừng phạt và khôi phục qui chế GSP cho Myanmar “sẽ khích lệ các doanh nghiệp và thể chế phi lợi nhuận của Mỹ tăng cường đầu tư tại Myanmar”, đồng thời bày tỏ hy vọng Naypidaw sẽ ngày càng trở thành một đối tác dân chủ và thịnh vượng của Mỹ trong khu vực.

Đầu năm nay, Mỹ đã nới lỏng một phần các lệnh trừng phạt Myanmar nhằm khuyến khích tiến trình cải cách chính trị tại nước này. Và chuyến thăm Mỹ đầu tiên của bà Aung San Suu Kyi, kể từ khi đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015, được kỳ vọng mở ra hy vọng mới cho quan hệ song phương Mỹ - Myanmar. 

6. Hạ viện Mỹ thông qua dự luật ngừng chuyển tù nhân khỏi Guantanamo 

Ngày 15/9, với 244 phiếu thuận và 174 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật ngăn cấm chuyển bất kỳ tù nhân nào khỏi nhà tù quân sự tại Vịnh Guantanamo khi Tổng thống Barck Obama còn tại vị hoặc cho đến khi ông ký một dự luật về chính sách quốc phòng mới. 

Việc đóng cửa nhà tù Guantanamo tai tiếng luôn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Obama. (Nguồn: Independent)

Theo phe Cộng hòa, Guantanamo là một công cụ quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố, việc chuyển giao tù nhân là một mối đe dọa an ninh, đồng thời viện dẫn các báo cáo cho thấy một vài trong số hàng trăm tù nhân được trả tự do trong lịch sử 15 năm qua của nhà tù này đã quay trở lại chiến trường. Ngay sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật trên, ông Obama đã tuyên bố sẽ phủ quyết dự luật này nếu nó được cả Thượng và Hạ viện Mỹ thông qua trong năm nay.

(tổng hợp)