Tàu khu trục Thổ Nhĩ Kỳ và một máy bay chiến đấu tham gia cuộc tập trận ở biển Địa Trung Hải vào ngày 13/6. (Nguồn: TRT World) |
Ngày 12/6, một quan chức cấp cao của EU cho biết, khối này đã liên lạc với NATO để xem xét về việc hợp tác với chiến dịch “Người bảo vệ Biển” của NATO hoạt động ở Đông Địa Trung Hải.
Động thái này được đưa ra sau một sự cố xảy ra hôm 10/6 khi một tàu Hy Lạp phục vụ cho Chiến dịch Irini đã bị một tàu hộ tống Thổ Nhĩ Kỳ ngăn không cho kiểm tra một tàu chở hàng có dấu hiệu đáng ngờ.
Chiến dịch Irini được thành lập để ngăn vũ khí được đưa vào Libya, nơi đang bị đẩy sâu vào một cuộc nội chiến giữa Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và lực lượng tự xưng Quân đội quốc gia Libya (LNA) do tướng Khalifa Haftar đứng đầu và ủng hộ chính quyền ở miền Đông Libya.
Chiến dịch bảo vệ biển của NATO hiện có hai tàu tuần tra trên biển Địa Trung Hải để thực hiện việc giám sát hàng hải và ngăn chặn khủng bố. Trước đây, NATO cũng đã cung cấp thông tin và hỗ trợ hậu cần trong thời gian vài năm cho chương trình trước đó của EU là Chiến dịch Sophia.
Tình hình tại Libya sẽ nằm trong chương trình nghị sự của cuộc họp trực tuyến các Bộ trưởng quốc phòng NATO vào tuần tới.
Liên quan tình hình ở Địa Trung Hải, cùng ngày, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, quân đội nước này đã tiến hành một cuộc tập trận không quân và hải quân tại khu vực Đông biển này.
Theo một thông báo của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc tập trận có tên gọi "Huấn luyện Vùng biển mở" diễn ra vào ngày 11/6, kéo dài trong 8 giờ đồng hồ. Tham gia cuộc tập trận này có 8 tàu khu trục và tàu hộ tống, cùng 17 máy bay từ Eskisehir ở miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ, với tổng hành trình 2.000 km.
Kênh truyền hình tư nhân NTV cho hay, cuộc tập trận được tiến hành trong hải phận của Libya, nhưng không đưa ra thêm bình luận. Trong khi đó, hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh cuộc tập trận là "phô diễn lực lượng".
Cuộc tập trận này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại Đông Địa Trung Hải do cuộc xung đột ở Libya và bất đồng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Cộng hòa Cyprus và Hy Lạp liên quan đến nguồn tài nguyên khí đốt ngoài khơi.