Việc đệ đơn xin gia nhập CPTPP được đánh giá là “bước tiến khổng lồ” của Trung Quốc sau RCEP. (Nguồn: Hiasan) |
Vào thời điểm các thành viên cùng nhau ký kết CPTPP (2018), Hiệp định được ca ngợi là thỏa thuận tiêu chuẩn vàng sẽ duy trì tự do thương mại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Tuy nhiên, ngay sau khi bước sang năm thứ hai, các thành viên đã phải chịu sự gián đoạn chuỗi cung ứng và những cú sốc về nhu cầu do đại dịch Covid-19, cũng như sự tăng tốc nhanh chóng của thương mại điện tử, bao gồm cả xuyên biên giới.
Lực hút CPTPP
Theo công bố của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ, các dữ liệu thương mại và đầu tư trong những năm gần đây cho thấy CPTPP là một hiệp định thương mại hàng đầu, đã tạo thuận lợi đáng kể trong xuất nhập khẩu hàng hóa và khai thác dòng vốn đầu tư.
Trong đó, các “siêu sao” công nghệ Nhật Bản và Singapore đang có những bước tiến nhảy vọt trên con đường phát triển kinh tế kỹ thuật số.
Nhật Bản củng cố vai trò là điểm đến xuất khẩu rất quan trọng đối với tất cả các thành viên CPTPP. Trong khi đó, Malaysia là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Singapore và Singapore cũng đóng một vai trò quan trọng trong xuất khẩu của Nhật Bản và Malaysia.
Tuy nhiên, những con số thực tế về kết quả giao thương và đầu tư nội khối do CSIS đưa ra cho thấy, kết quả chưa hoàn toàn như mong đợi. Một số nền kinh tế như Australia, Brunei, Malaysia và Việt Nam đã mở rộng xuất khẩu khá tốt sang các thành viên CPTPP và thế giới trong hai năm vừa qua, nhưng các thành viên khác lại không thu được kết quả tốt như thế.
Nhưng những biến động của Hiệp định trong giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19 được cho là chưa thể phản ánh đầy đủ hiệu quả và lợi ích đối với mỗi thành viên.
Với mục tiêu làm sâu sắc thêm tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa các thành viên và tạo ra một nền tảng mới giải quyết các vấn đề thương mại kỹ thuật số, bước đầu CPTPP đã đạt mục tiêu đó.
Bất chấp Covid-19, giao thương trong khu vực CPTPP phần lớn đã song hành dòng chảy thương mại của các thành viên với phần còn lại của thế giới. Đặc biệt, CPTPP còn được đánh giá đã rất thành công trong việc “xuất khẩu” các điều khoản tiêu chuẩn cao của mình sang các hiệp định thương mại khác.
Gồm 11 quốc gia thành viên (Nhật Bản, Canada, Mexico, Peru, Chile, Australia, New Zealand, Việt Nam, Singapore, Brunei và Malaysia), CPTPP có tổng GDP trên 10.200 tỷ USD, chiếm hơn 13% GDP toàn cầu, đại diện cho gần 500 triệu người tiêu dùng châu Á - Thái Bình Dương (khoảng 6,7% dân số thế giới).
Bất chấp Covid-19, giao thương trong khu vực CPTPP phần lớn đã song hành dòng chảy thương mại của các thành viên với phần còn lại của thế giới. Đặc biệt, CPTPP còn được đánh giá đã rất thành công trong việc “xuất khẩu” các điều khoản tiêu chuẩn cao của mình sang các hiệp định thương mại khác. |
Với sự góp mặt trong tương lai không xa của Anh, nền kinh tế lớn thứ năm thế giới với GDP hơn 3.100 tỷ USD, CPTPP sẽ trở thành khối kinh tế có sức mạnh không thua kém Liên minh châu Âu (EU).
Ðúng như tên gọi, CPTPP là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chất lượng cao và toàn diện, trong đó xóa bỏ đến 95% thuế quan giữa các nước thành viên. Điều nhiều người quan tâm nhất là liệu nền kinh tế số 1 thế giới có tái tham gia hay không.
Dù Tổng thống Mỹ Joe Biden chưa có động thái chính thức về việc tham gia CPTPP, nhưng bản thân ông từng ủng hộ hiệp định này. Trong cuộc vận động tranh cử, ông Biden cũng từng khẳng định sẽ đàm phán lại TPP nếu trở thành tổng thống, với quan điểm hoặc Mỹ, hoặc Trung Quốc sẽ đặt ra các quy tắc thương mại của thế kỷ XXI.
Tuy nhiên, cũng theo công bố của CSIS, dù các thành viên CPTPP đều thu về những kết quả hợp tác không tồi trong hai năm qua, nhưng Trung Quốc mới là đối tác ngoại khối nổi bật trong thương mại của các thành viên CPTPP. Trung Quốc đã phát triển như một thị trường xuất khẩu và đặc biệt là nguồn nhập khẩu cho hầu hết các thành viên CPTPP.
Bước tiến lớn của Bắc Kinh
Tờ Global Times bình luận, việc đệ đơn xin gia nhập CPTPP là “bước tiến khổng lồ” của Trung Quốc sau RCEP.
Chuyên gia Gao Lingyun, Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đánh giá động thái này là bước phát triển quan trọng của Bắc Kinh trong việc tham gia thiết lập các thỏa thuận kinh tế và thương mại quốc tế. Nó có xu hướng đưa Bắc Kinh vào vị trí tốt hơn trong việc quyết định các quy tắc thương mại tương lai.
Song Wei, nghiên cứu viên tại Học viện Hợp tác Kinh tế và Thương mại quốc tế Trung Quốc cho rằng, việc nộp đơn cho thấy lập trường không thay đổi của Trung Quốc với việc mở cửa thương mại toàn cầu, bất chấp sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy.
Tin liên quan |
Gia nhập CPTPP, Trung Quốc tham vọng 'vẽ lại' bức tranh địa kinh tế châu Á? |
Trung Quốc hy vọng, CPTPP sẽ đưa hợp tác kinh tế và thương mại toàn cầu trở lại đúng hướng, đề cao nhu cầu về chủ nghĩa đa phương, qua đó vực dậy cả nền kinh tế Trung Quốc và toàn cầu trong thời kỳ hậu Covid-19.
Quan trọng hơn, việc có mặt trong CPTPP với Bắc Kinh còn là củng cố sức mạnh quỹ đạo kinh tế, giữa lúc Mỹ cũng đang tích cực kết giao đồng minh. Những người theo dõi các vấn đề quốc tế nhận định, đây có thể được coi là nỗ lực tìm cách lôi kéo các đồng minh truyền thống của Mỹ vào quỹ đạo kinh tế của Trung Quốc, khi sự cạnh tranh về việc tạo liên minh ngày càng nóng lên giữa hai “người khổng lồ”.
Nhận định về khả năng CPTPP sẽ kết nạp thêm Trung Quốc, Giáo sư kinh tế học và khoa học chính trị tại Đại học Insead (Pháp) Pushan Dutt đặt câu hỏi, trong khi Singapore và Malaysia đã “mở cánh cửa” cho Trung Quốc, thì không rõ liệu các nước khác như Australia hay Nhật Bản có nhiệt tình như vậy hay không?
Việc từ chối một thị trường khổng lồ như Trung Quốc thường là điều rất khó khăn, có thể là thách thức chính trị đối với các thành viên CPTPP. Nhưng kể cả khi các thành viên CPTPP đều nhất trí, Bắc Kinh sẽ vẫn phải đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt, là những vấn đề nhạy cảm và để thành công đòi hỏi nỗ lực cải cách sâu sắc ở nền kinh tế thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, ngay cả khi nỗ lực xin gia nhập CPTPP không thành công, Bắc Kinh vẫn thu được “giá trị nhất định”. Bằng việc đánh tiếng thể hiện sự quan tâm đến CPTPP, đặc biệt là sau khi Mỹ rút khỏi TPP, Trung Quốc vừa tạo ra uy tín cho mình với tư cách là một bên tham gia trật tự thương mại toàn cầu dựa trên quy tắc, vừa khẳng định vai trò khu vực so với các cường quốc khác.
Chắc chắn việc gia nhập thỏa thuận không phải là điều dễ dàng với Bắc Kinh, nhưng cách nhìn của họ sẽ là “tham gia các nhóm và định hình từ bên trong tốt hơn hẳn đứng ngoài”.
| Anh sẽ đàm phán với 11 quốc gia thành viên CPTPP trong hôm nay (28/9) Trong ngày 28/9, Anh sẽ đàm phán với 11 quốc gia thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái ... |
| Gia nhập CPTPP, Trung Quốc tham vọng 'vẽ lại' bức tranh địa kinh tế châu Á? Việc Trung Quốc nộp đơn gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có thể định hình ... |