📞

Sức mạnh đồng USD sẽ giảm?

17:37 | 20/09/2009
Khủng hoảng kinh tế đang làm tổn thương đồng tiền thanh toán thế giới. Các đồng tiền khác có thể tận dụng cơ hội này để “vượt mặt” đồng USD? Nhiều chuyên gia nhận định, sức mạnh đồng USD sẽ suy giảm do cán cân kinh tế thế giới đã thay đổi, nhưng để thay thế hẳn đồng USD thì... vẫn chưa.

Sức mạnh suy giảmTừ cuối thập kỷ 20 của thế kỷ trước đến nay, đồng USD luôn là đơn vị chuẩn để đo lường các hoạt động kinh tế thế giới. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, nó là một “quyền lực” ổn định và đáng tin cậy để trú ẩn khi khủng hoảng xảy ra.  USD đã trở thành tiền của thế giới. Thế nhưng tất cả sẽ thay đổi sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2008. Bài viết trên tạp chí Foreign Affairs số ra tháng 9-10/2009 cho rằng vị thế là một đồng tiền thanh toán quốc tế của đồng USD đang suy giảm do cuộc đại khủng hoảng tín dụng năm 2007-2009. Về dài hạn, theo Avinash Persaud, Chủ tịch Intelligence Capital Limited, cuộc khủng hoảng tài chính ngày nay sẽ đẩy nhanh quá trình chấm dứt tình trạng đôla được lưu trữ như tiền tệ của thế giới. Các nhà kinh tế cho rằng, Chính phủ Mỹ đã phát hành số lượng lớn trái phiếu để bù đắp thâm hụt ngân sách. Sự “bội thực” nguồn cung này đã làm cho USD yếu đi trông thấy. Chưa kể, Mỹ đang trong thế tiến thoái lưỡng nan. Các nền kinh tế mới nổi trữ nhiều USD yêu cầu đồng đôla mạnh, nhưng đôla được giá lại làm các nhà xuất khẩu Mỹ bất lợi. Do vậy người ta đã để đôla trượt giá âm thầm trong những năm qua và đôla yếu là bàn đạp cho các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ. Như thế ngân hàng trung ương các nước phải chứng kiến cảnh “mất tiền” trong các quỹ dự trữ bằng đồng đôla của mình, họ sẽ bắt đầu tìm cái thay thế. Mọi người đều biết rằng sức mạnh của đôla sẽ tới lúc suy bởi cán cân sức mạnh kinh tế đã thay đổi. Lịch sử thế giới chỉ ra rằng, năm 1931, nước Anh phải hứng chịu đầu tiên là cuộc khủng hoảng tài chính, sau đó là khủng hoảng ngân hàng, cuối cùng là khủng hoảng tiền tệ. Lúc đó, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã chuyển đổi ngoại tệ dự trữ của mình từ bảng Anh sang đôla Mỹ. Và nay bất ổn lan rộng sang nước Mỹ, một số muốn trữ Euro, một số khác lại muốn dự trữ vàng.Chưa có đồng tiền thay thếĐúng vậy. Thực tế là nhiều quốc gia tiếp tục cho vay và trao đổi ngoại thương bằng đồng đôla Mỹ, bất chấp sự nổi lên của Euro và các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng khác. Tính đến tháng 4/2008, theo IMF, 66 quốc gia sử dụng USD làm mốc tỷ giá hối đoái của mình, trong khi con số này chỉ là 27% đối với Euro. Đến cuối năm 2008, khoảng 45% trái phiếu quốc tế là bằng USD, trong khi chỉ 32% bằng Euro. Còn theo thăm dò năm 2007 của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), USD vẫn được sử dụng trong 86% trao đổi ngoại hối, so với chỉ 38% bằng Euro.  Nhiều người đặt câu hỏi, ngôi sao kinh tế đang nổi lên như Trung Quốc có thể tiếp quản vai trò thay cho đôla hay không? Hiện Trung Quốc thiếu các thị trường mở và các định chế hỗ trợ cho vai trò đó. Đấy là chưa kể thời điểm này, Trung Quốc đang đối diện rất nhiều rủi ro đối với những gì sẽ xảy ra với đôla Mỹ bởi “khoản” tích trữ hơn 1.000 tỷ USD, chưa kể trái phiếu. Nếu Trung Quốc chuyển một lượng lớn tiền tệ từ USD sang ngoại tệ khác, đồng tiền xanh này có thể mất giá và gây ra những thiệt hại lớn hơn đối với các trái phiếu còn lại mà Trung Quốc đang nắm giữ. Kịch bản về các tác động trên đã ngăn cản Bắc Kinh hành động vội vàng. Tháng 3/2009, Trung Quốc đã làm dấy lên cuộc tranh luận khi cho rằng vai trò là ngoại tệ dự trữ quốc tế của USD cần phải được thay thế bằng SDRs - đơn vị tài chính được IMF sử dụng trong các giao dịch với các nước thành viên, gồm một giỏ tiền tệ có bốn ngoại tệ chính (USD, Euro, Yen Nhật và bảng Anh). Thế nhưng, SDRs chỉ được sử dụng để thanh toán với các chính phủ và với IMF, nó không phải là tiền để dùng trong thị trường hối đoái hoặc trong các giao dịch khác với các tác nhân thị trường. Chưa kể đến quy chế hoạt động của IMF chưa cho phép ngân hàng này hoạt động giống như một ngân hàng trung ương toàn cầu. Điều này rõ ràng SDRs không thể trở thành đồng tiền chi phối thế giới trong nay mai.Chính bối cảnh trên đã khiến Euro trở thành đối thủ đáng gờm duy nhất của USD. Khu vực sử dụng đồng Euro, gồm 16 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đã coi Euro là nội tệ của mình, khu vực này có mức GDP tương đương với Mỹ. Đồng Euro sẽ “mạnh” thêm khi có nhiều thành viên EU hơn sử dụng Euro làm nội tệ của mình. Nếu đúng như vậy, cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm tăng khả năng euro trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế. Hiện, Nga đã tăng lượng Euro trong quỹ dự trữ ngoại tệ của mình, từ 42% lên hơn 47% từ đầu năm 2008 đến nay và tiếp tục giảm hơn nữa lượng tài sản bằng đôla Mỹ trong danh mục đầu tư.Trong quá trình đào thải, rõ ràng là USD sẽ vẫn là loại tiền chính trong quỹ dự trữ quốc tế trong tương lai. Nó sẽ không còn vai trò chế ngự như trước đây, cũng vì Mỹ sẽ không còn là nước quá vượt trội về kinh tế như trong quá khứ. Trước mắt, Euro sẽ chia sẻ thị trường này, đặc biệt ở khu vực trong và xung quanh châu Âu. Về lâu dài, vai trò của nhân dân tệ cũng sẽ lớn dần, nhất là ở châu Á. Như thế một hệ thống dự trữ dựa trên nhiều ngoại tệ có thể sẽ “tốt” hơn là chỉ dựa vào đồng USD. Hệ thống này cũng tránh được kiểu bất ổn gần đây trên thị trường tài chính, khi mà nhà cung cấp duy nhất bị ngập trong nguồn vốn nước ngoài vì các thị trường mới nổi “ham” dự trữ, gây ra các bong bóng tài chính.Điền Anh (tổng hợp từ báo chí nước ngoài)