Moscow còn lo ngại rằng Mỹ đang chuẩn bị phủ nhận Công ước Montreux được ký kết năm 1936, kiểm soát việc qua lại của tàu quân sự tại eo biển Thổ Nhĩ Kỳ, để có thể tạo cơ sở cho hải quân phương Tây tăng cường sự hiện diện tại Biển Đen.
Hải quân NATO ngày càng tăng cường hiện diện tại Biển Đen (Ảnh Twitter) |
Vấn đề này đã đặt ra cho phía Nga câu hỏi liệu có nên tìm cách sửa đổi hiệp ước hơn 80 năm tuổi như một cách để đối phó lại với NATO hay không. Nhiều người đã và đang tin tưởng vào Công ước Montreux cùng sự hậu thuẫn từ Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến cho lợi ích của Nga tại biển Đen được đảm bảo.
Sau thất bại trong Thế chiến I, Thổ Nhĩ Kỳ đã mất quyền kiểm soát Eo biển. Việc lưu thông qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ của cả tàu quân sự và dân sự đều được quy định bởi Ủy ban Eo biển Quốc tế, bao gồm các đại diện của các cường quốc Đồng minh thuộc phe thắng cuộc. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ khi đó đã cảm thấy không thể chấp nhận được điều này với trách nhiệm chủ quyền quốc gia nên từ giữa những năm 1920 trở đi, Ankara đã có nhiều hoạt động nhằm chấm dứt tình trạng này. Giữa những năm 1930, những yêu cầu của Ankara đã nhận được sự ủng hộ ở cả phương Tây và Liên Xô khi cho rằng tình hình quốc tế khi đó về cơ bản đã thay đổi. Do đó, đại diện của các cường quốc ở châu Âu và Liên Xô (không có Hoa Kỳ) đã gặp nhau tại Montreux, Thụy Sĩ, vào năm 1936 và đồng ý khôi phục quyền kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Eo biển.
Công ước Montreux liên quan đến các quy định chính thức đối với Eo biển Thổ Nhĩ Kỳ. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ phải cho phép các tàu thương mại qua lại đây miễn phí trừ khi có chiến tranh hoặc khi bị một thế lực bên ngoài đe dọa; Công ước cũng bắt buộc hạn chế đáng kể đối với các tàu hải quân các quốc gia không thuộc Biển Đen ngay cả trong thời bình. Theo Công ước, không một quốc gia nào có thể cho hơn 9 tàu hải quân có tải trọng đến 15.000 tấn lưu thông vào Biển Đen; và không một nhóm các quốc gia duyên hải nào ngoài khu vực có thể đưa tàu hải quân tải trọng hơn 45.000 tấn vào Biển Đen. Và các con tàu này không được phép hoạt động quá 21 ngày tại Biển Đen.
Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò trọng yếu trong các vấn đề liên quan đến Công ước Montreux (Ảnh CSIS) |
Nhà phân tích quân sự cấp cao của Nga Mikhail Aleksandrov, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Moscow (MGIMO) của Bộ Ngoại giao, đã lập luận rằng việc tăng cường sức mạnh quân sự của NATO tại Biển Đen khiến cho tương lai của Công ước Montreux bị uy hiếp. Ông đề nghị Moscow nên đáp trả thách thức từ các tàu NATO bằng cách kêu gọi sửa đổi Công ước. Nhưng bất chấp những lời kêu gọi thay đổi các điều khoản của Công ước Montreux từ các nhà lập pháp ở Crimea, Aleksandrov vẫn cho rằng Moscow không nên thực hiện bất kỳ động thái nào theo hướng này nếu không có được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Phương Tây luôn tuyên bố đánh giá cao vị thế và tôn trọng chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc sửa đổi các điều khoản thuộc Hiệp ước Montreux. Họ luôn sử dụng vấn đề này nhằm lôi kéo Ankara hướng sự ủng hộ các quan điểm của phương Tây. Tuy nhiên, quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ luôn mong muốn hạn chế tối thiểu sự hiện diện các chiếm hạm từ các nước không thuộc Biển Đen nhằm tránh sự bất ổn cho khu vực này và họ sẽ là "nạn nhân" trực tiếp phải gánh chịu hệ quả. Đây cũng sẽ là yếu tố tốt nhất có lợi cho Moscow trong việc hạn chế sự hiện diện của NATO. Các nhà phân tích chính trị Nga khác đồng tình với quan điểm này.
Ông Alexanderr Zbitnyev nói thêm, bất kỳ sửa đổi nào của Công ước hoặc thay thế nó bằng một hiệp ước khác phù hợp với hiện tại hơn, chắc chắn sẽ củng cố vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông còn lập luận rằng nếu các chuyên gia hoặc chính trị gia Nga gây áp lực về vấn đề này quá thường xuyên, nó sẽ không chỉ đẩy Ankara vào tay NATO mà còn khiến phương Tây ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng kênh đào qua eo biển. Một kênh đào như vậy sẽ không bị chi phối bởi Công ước Montreux, Zbitnyev nói; và do đó, phương Tây có thể đưa nhiều tàu chiến hơn nữa đến Biển Đen và được phép hoạt động trong thời gian lâu hơn. Điều này sẽ là những đe dọa rất lớn đối với LB Nga.
Tuy vậy, dù được quan tâm rất nhiều từ phía Moscow nhưng vấn đề này vẫn là những thảo luận hẹp trong nội bộ Hạ viện Nga nhằm tránh sự ảnh hưởng của nó với mối quan hệ ngoại giao Nga - Thổ Nhĩ Kỳ và đẩy Ankara nghiêng hẳn quan điểm về phía ủng hộ NATO. Vì vậy, Moscow nhiều khả năng sẽ giảm bớt chất vấn, tranh luận từ các đại biểu Crimea tại hạ viện của Quốc hội Liên bang Nga, thay vào đó là những kênh ngoại giao song phương đàm phán về vấn đề thay đổi công ước Montreux.