Bên trong một căn lều của người Kazakhstan. (Nguồn: welcome.kz) |
Hơn hai thiên niên kỷ qua, lều yurt được người dân Kazakhstan, Mông Cổ, Kyrgyzstan, Uzbekistan và các cộng đồng du mục Trung Á khác sử dụng làm nơi ở.
Do lối sống đặc trưng, khi cần tìm đến những vùng đất mới, hoặc những khu vực có đồng cỏ xanh, người du mục dễ dàng tháo dỡ, mang theo lều, di chuyển qua các thảo nguyên và vùng núi.
Lều được lắp ráp bằng các thành phần chính là bộ khung làm từ gỗ cây liễu, buộc lại với nhau bằng dây thừng, mái phủ bằng vải bạt hoặc vải nỉ. Không gian bên trong lều chia thành khu vực cho nam và nữ riêng.
Lều có thể dễ dàng lắp đặt và tháo dỡ, giúp người sử dụng tiết kiệm thời gian và công sức. Khi một gia đình du mục quyết định di chuyển, họ đóng gói đồ đạc, dây thừng được tháo ra, vải phủ mái được gấp lại và mặt đất nơi đó trở lại như trước khi họ dựng lều.
Hiện nay, dù số người sống theo kiểu du mục giảm nhiều song lều yurt vẫn được sử dụng rộng rãi như không gian tạm thời cho những chuyến lưu trú ngắn ngày, đồng thời ngày càng phổ biến trong các sáng kiến du lịch sinh thái.
Phục vụ du lịch bền vững
Gần đây, các lều yurt được sử dụng nhiều với mục đích phục vụ du khách quốc tế và những người muốn trải nghiệm chỗ ở truyền thống độc đáo của người Kazakhstan.
Tại nhiều khu cắm trại bằng kiểu lều này, du khách có thể tham gia các hoạt động như nuôi chim ưng và cưỡi ngựa - phong tục có “tuổi đời” hơn 4.000 năm. Họ cũng có thể thưởng thức những giai điệu quyến rũ của dombyra, một loại đàn truyền thống hai dây mà người Kazakhstan và các dân tộc du mục Trung Á thường sử dụng.
Chị Alexandra Tosun, đồng sáng lập công ty du lịch Indy Guide, chuyên tổ chức các tour khám phá Trung Á và Con đường tơ lụa nhận định: “Chọn nghỉ lại trong lều yurt tức là du khách trực tiếp đóng góp cho nền kinh tế địa phương”. Việc này giúp người dân bảo tồn kiến thức và nghề thủ công truyền thống, đồng thời, duy trì nguồn thu nhập bền vững vì những nhà lều thường do các gia đình địa phương sở hữu.
Các cộng đồng du mục Trung Á từ xưa đã có chế độ ăn uống, lối sống, phong tục tập quán, văn hóa tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có, được cho là lành mạnh và không ảnh hưởng tới môi trường. Các lều yurt được thiết kế để hòa hợp với thiên nhiên, giảm nhu cầu sử dụng nước, năng lượng và đất so với các dự án phát triển quy mô lớn.
Chị Tosun cho biết: “Số lượt khách đặt tour trải nghiệm lều yurt tăng lên cho thấy mối quan tâm ngày càng lớn đối với phong cách sống du mục”.
Ở Kyrgyzstan, người ta thường xuyên thấy những lều yurt dọc đường. Chúng được sử dụng làm cửa hàng, quán cà phê, hoặc quán ăn. Nơi đó, du khách có thể thưởng thức ẩm thực địa phương, nghỉ qua đêm trong lều để cảm nhận cuộc sống du mục ở vùng núi Kyrgyzstan hoặc bên cạnh hồ Issyk Kul hoang sơ.
Ẩm thực du mục ở các lều yurt thường là các đồ muối, thực phẩm lên men như rau muối và sữa ngựa lên men, có tác dụng cải thiện tiêu hóa. Người địa phương cũng phục vụ mọi loại sở thích, thói quen ăn uống của du khách bằng các thực đơn đa dạng, từ trái cây, rau và ngũ cốc, cho đến các món ăn truyền thống vùng Trung Á như: súp củ cải đường, shashlik (xiên nướng) hoặc manty (bánh bao)...
Một số lều trang bị wifi, điểm sạc cho các thiết bị điện tử và cả phòng tắm hiện đại. Các thiết bị điện tử được cung cấp năng lượng từ hệ thống năng lượng Mặt trời để giảm thiểu tác động đến môi trường.
Phát huy giá trị của di sản
Các kiến thức và kỹ năng truyền thống dựng lều yurt của Kazakhstan đã được UNESCO công nhận là một phần di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Hiện tại, không có xưởng làm lều yurt nào ở Kazakhstan, nhưng du khách có thể quan sát quy trình làm lều yurt truyền thống ở Chimbay, một địa điểm thuộc khu tự trị Karakalpakstan của nước láng giềng Uzbekistan.
Bà Sophie Ibbotson, Chủ tịch Hiệp hội về các vấn đề châu Á của Hoàng gia Anh đồng thời là nhà tư vấn du lịch, cho biết Uzbekistan là một điểm đến lâu đời dành cho khách du lịch muốn trải nghiệm văn hóa yurt, với tổng số 12 khu trại yurt hiện có.
Trong bối cảnh cuộc sống du mục truyền thống trên thảo nguyên ngày một giảm dần, một số cộng đồng ở các vùng xa xôi của Trung Á vẫn theo lối sống bán du mục. Họ di chuyển theo mùa cùng đàn gia súc của mình để tìm kiếm vùng đất chăn thả thích hợp.
Ở một số nơi, những cộng đồng này đang tìm cách kết hợp lối sống truyền thống của họ với các tiện ích hiện đại. Chẳng hạn, những người chăn nuôi du mục ở Mông Cổ biết cách sử dụng ứng dụng du lịch Airbnb để quảng bá lều như những điểm nghỉ dưỡng độc đáo với số lượng khách đăng ký ngày càng tăng.
Hình ảnh chiếc lều yurt truyền thống của vùng Trung Á nay đã trở nên phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới nhờ sự tiện lợi và độc đáo của nó. Ngoài mục đích để ở, phát triển du lịch xanh, người ta còn sử dụng lều cho nhiều mục đích khác nhau như tổ chức tiệc cưới, lễ hội, vui chơi hoặc các sự kiện khác. Lều cũng được sử dụng làm kho cất trữ các vật dụng lớn, hoặc có thể làm nơi ở dã chiến trong các tình huống khẩn cấp.
Một ví dụ điển hình gần đây nhất là khi xảy ra thảm họa động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 6/2, Kazakhstan và các quốc gia Trung Á đã gửi hàng trăm ngôi lều đến quốc gia này, giúp người dân bị nạn có thể sử dụng làm nơi ở tạm thời.
Lều yurt là một phần không thể thiếu trong đời sống du mục hàng ngàn năm qua. Cho đến tận ngày nay, chiếc lều vẫn trường tồn với những công năng thiết yếu và bản sắc độc đáo riêng có, như một biểu tượng vững chắc của đời sống và văn hóa truyền thống lâu đời vùng Trung Á.
| Anh: Câu chuyện về người đàn ông mắc bệnh hiếm gặp, sợ chạm tay vào thức ăn nấu chín Sợ hãi với việc chạm vào thức ăn bằng tay trần, người đàn ông 34 tuổi John Junior cho biết, anh phải ăn uống, kể ... |
| Trung Quốc: Bánh xà phòng giặt được làm từ nguyên liệu tự nhiên, có thể ăn được Đoạn video quay cảnh chủ 1 công ty ăn bánh xà phòng để chứng minh nó hoàn toàn được làm từ nguyên liệu tự nhiên ... |
| Diện tích tối đa bề mặt băng biển xung quanh Nam Cực có thể ở mức thấp kỷ lục hơn 40 năm qua Diện tích tối đa bề mặt băng biển xung quanh Nam Cực có thể đã ở mức thấp kỷ lục trong mùa Đông năm 2023. ... |
| Tượng Phật quý giá từ thời Edo của Nhật Bản bị đánh cắp Theo The Art Newspaper, một bức tượng Phật bằng đồng trị giá 1,5 triệu USD đã bị đánh cắp hồi đầu tuần, từ phòng trưng ... |
| Hawaii: Cây đa cổ thụ 150 tuổi ra chồi non sau vụ cháy rừng kinh hoàng Cây đa cổ thụ 150 năm tuổi ở thị trấn Lahaina, Hawaii đã đâm chồi non sau khi trải qua vụ cháy rừng kinh hoàng ... |