Kinh tế suy giảm mạnh ở thời điểm hiện tại là điều khó tránh khỏi và khả năng xảy ra một cuộc suy thoái là không thể loại trừ. Đầu năm 2008, khi dự báo thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất từ thập niên 1930, tôi đã không lường trước được tình hình sẽ còn tồi tệ hơn.
Tôi xin đề xuất một mô hình thay thế khác với mô hình hiện nay ở 2 khía cạnh.
Thứ nhất, các thị trường tài chính không phản ánh chính xác những điều kiện hiện tại. Các thị trường đưa ra bức tranh thường lệch lạc hoặc bị bóp méo theo cách này hay cách khác. Thứ hai, trong một số hoàn cảnh nhất định, quan điểm bị bóp méo của những người tham gia thị trường và được thể hiện thông qua giá cả thị trường đã ảnh hưởng tới những nguyên tắc cơ bản mà thị thường có xu hướng phản ánh. Tôi gọi đó là liên kết chéo hai chiều giữa giá cả và thực tại cơ bản mang tính "phản thân".
Nếu như, liên kết hai chiều luôn xuất hiện ở mọi thời điểm, thì chỉ thỉnh thoảng hoặc trong những hoàn cảnh đặc biệt, mối liên kết đó mới là nguyên nhân nảy sinh khủng hoảng tài chính. Thường thì mỗi thị trường luôn tự sửa chữa những khiếm khuyết, nhưng đôi khi, có một quan niệm sai lầm cho rằng cần củng cố xu hướng đang thịnh hành và bằng cách làm như vậy sẽ tăng cường khả năng của chính thị trường đó. Quá trình tự điều chỉnh như vậy có thể đẩy các thị trường ngày càng xa rời trạng thái cân bằng. Và khi bị đảo ngược, quá trình đó sẽ vận hành theo chiều ngược lại, tạo nên sự vận động theo hướng đi xuống mạnh mẽ.
Một mặt, tình trạng bong bóng luôn kéo theo sự gia tăng hoặc thu hẹp mức tín dụng, và điều đó có thể tạo nên những hậu quả tồi tệ. Mặt khác, các thị trường tài chính lại luôn có xu hướng tạo ra tình trạng bong bóng. Do đó, phải có các cơ quan quản lý tài chính điều hành các thị trường tài chính.
Nhưng điều quan trọng là phải nhận thức được rằng, các nhà quản lý thường đưa ra các quyết sách dựa trên những quan điểm thực tế bị bóp méo, một cách làm giống, thậm chí là dựa nhiều hơn so với những người tham gia thị trường bởi những nhà quản lý không chỉ là con người mà còn quan liêu và dễ bị tác động từ những ảnh hưởng chính trị. Vì vậy, mối quan hệ qua lại giữa các nhà quản lý và những người tham gia thị trường luôn tác động lẫn nhau.
Trong cuốn sách Mô hình mới cho các thị trường tài chính, tôi có lập luận rằng, cuộc khủng hoảng hiện nay khác so với nhiều cuộc khủng hoảng tài chính trước đó. Khẳng định này được dựa trên giả định cho rằng bong bóng thị trường nhà đất ở Mỹ vỡ là sự báo hiệu cho một "siêu bong bóng" lớn hơn đang được tích lũy từ thập niên 1980. Xu hướng cơ bản của siêu bong bóng này là mức độ sử dụng tín dụng và đầu cơ vay nợ tăng chưa từng có từ trước tới nay. Từ sau Thế chiến II, tốc độ tăng trưởng của tín dụng nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng GDP. Nhưng sự gia tăng đó là do được củng cố bởi một nhận thức sai lầm có ảnh hưởng lớn trong thập niên 90, khi Ronald Reagan trúng cử Tổng thống Mỹ và Margaret Thatcher trở thành Thủ tướng Anh.
Quan niệm sai lầm đó xuất phát từ học thuyết thị trường tài chính đang thịnh hành cho rằng các thị trường tài chính có xu hướng tiến tới cân bằng. Học thuyết này được sử dụng để bào chữa cho lập luận rằng nên để thói tư lợi tự do phát triển cũng như nên phi điều tiết thị trường. Tôi gọi đó là trào lưu chính thống của thị trường.
Mặc dù trào lưu đó được dựa trên những giả thuyết sai lầm, nhưng nó lại phục vụ đắc lực cho lợi ích của giới chủ hay các nhà quản lý vốn tài chính. Quá trình toàn cầu hóa thị trường tài chính cho phép các nguồn vốn tự do dịch chuyển. Phi điều tiết các giao dịch tài chính sẽ phục vụ cho lợi ích của những nhà quản lý vốn, và việc tự do cách tân sẽ tăng cường khả năng sinh lời của các doanh nghiệp tài chính.
Cách diễn giải về thị trường tài chính dựa trên tính phản biện của tôi có thể giải thích các sự kiện tốt hơn là dự đoán xu hướng của chúng. Và sự giải thích này cũng ít tham vọng hơn học thuyết trước kia. Nó không yêu cầu phải xác định được kết quả như với học thuyết cân bằng. Nó có thể khẳng định hệ quả của bùng nổ là tan vỡ, song lại không đánh giá được quy mô hay khoảng thời gian tồn tại sự bùng nổ đó.
Mô hình mới cũng đem tới những gợi ý sâu xa cho hoạt động quản lý các thị trường tài chính. Do thị trường tài chính có xu hướng tạo nên bong bóng, các nhà quản lý cần nhận trách nhiệm ngăn chặn bong bóng phát triển quá lớn. Nhưng tới nay, các cơ quan quản lý tài chính vẫn từ chối trách nhiệm đó.
Ngăn chặn bong bóng hình thành là không thể, nhưng có thể kiềm chế chúng trong giới hạn cho phép. Để làm được điều này không thể chỉ kiểm soát lượng cung tiền. Chúng ta cần tận dụng, hay nói chính xác hơn là phục hồi lại những công cụ hỗ trợ đã từng được sử dụng trong thập niên 1950 và 1960. Tôi muốn nhắc tới các quy định về biên độ và nhu cầu vốn tối thiểu để kiểm soát đầu cơ vay nợ. Các ngân hàng trung ương thậm chí từng hướng dẫn các ngân hàng của mình cách thức phân bố các khoản vay cho từng lĩnh vực riêng biệt. Những hướng dẫn như vậy có vẻ thích hợp hơn những công cụ chính sách tiền tệ đã lỗi thời.
Từ việc công chúng đang phải hứng chịu những khoản lỗ lớn, có thể nhận thấy một mối hiểm nguy thật sự đang tồn tại. Đó là phi điều tiết quá mức sẽ kéo theo quá trình tái điều tiết khắc nghiệt. Nếu như vậy thì đây là điều không may, bởi so với cơ chế thị trường, hoạt động điều chỉnh xem ra lại bất lực hơn.
Vũ Anh(gt)