Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia Hun Sen, ngày 18/2. (Nguồn: TTXVN) |
Tháng 6/1986, tôi may mắn được Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia cử sang Việt Nam tham gia lớp đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ trung, cao cấp Campuchia, khoá 1, tại trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Hà Nội, năm học 1986-1987. Qua quá trình học tập và đi xuống thực tế ở tỉnh Nghệ An và một số cơ sở sản xuất, tôi được biết trước thời kỳ đổi mới, Việt Nam từng lâm vào khủng hoảng kinh tế-xã hội, đời sống của nhân dân hết sức khó khăn, dường như không thể vượt qua.
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn và những kinh nghiệm sáng tạo của nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng bước đề ra những chủ trương đổi mới trên một số lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhưng những thiếu sót của mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội tồn tại kéo dài về cơ bản vẫn chưa được khắc phục, quá trình thực hiện một số biện pháp cải cách phạm phải một số sai lầm mới, đất nước bị cô lập về chính trị, bị bao vây cấm vận về kinh tế liên quan tới việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Campuchia.
Tuy khó khăn như vậy, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn không từ bỏ nghĩa vụ quốc tế cao đẹp của mình trên tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”. Với sự giúp đỡ vô cùng to lớn và có hiệu quả của cách mạng Việt Nam cùng với sự nỗ lực của toàn thể nhân dân Campuchia, sức mạnh tự thân của Cách mạng Campuchia không ngừng được tăng cường và củng cố, đủ sức để gánh vác nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng lại đất nước từ đống tro tàn đổ nát gây ra bởi chế độ diệt chủng Pol Pot.
Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, từng bước đổi mới chính trị và những lĩnh vực khác của đời sống xã hội.
Như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, tạo cơ sở để đổi mới những lĩnh vực khác. Qua quá trình học tập, nghiên cứu, tôi thấy rằng chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam không những đứng vững trên lập trường chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận biện chứng khoa học giữa kinh tế và chính trị, mà còn rất phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể cũng như yêu cầu phát triển của đất nước.
Về đối ngoại, trên cơ sở đánh giá hết sức khách quan, khoa học về những diễn biến và tác động mạnh mẽ của tình hình thế giới và khu vực, đặc điểm và xu thế lớn của thời đại, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến hành đổi mới tư duy đối ngoại nhằm phá thế bị bao vây, cấm vận, tạo lập và không ngừng củng cố môi trường hoà bình, ổn định và tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời tham gia tích cực trong việc tìm kiếm giải pháp hoà bình cho vấn đề Campuchia, phương thức quan hệ giữa Campuchia-Việt Nam cũng từng bước được đổi mới để giải quyết về mặt quốc tế của vấn đề Campuchia. Như vậy, nhiệm vụ đối ngoại trong thời kỳ đổi mới là hết sức nặng nề, đòi hỏi phải bám sát đường lối đối ngoại của Đảng, hoạt động linh hoạt, sáng tạo, kết hợp đối ngoại chính trị với đối ngoại kinh tế, ngoại giao nhân dân và chủ động tham gia cuộc đấu tranh chung vì quyền con người.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Việt Nam (6/1991) đã đề ra đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, mở rộng, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ với tất cả các nước trên tinh thần: “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”. Trên cơ sở đó, tạo thuận lợi cho công cuộc đổi mới, đánh dấu sự khởi đầu của Việt Nam tham gia hội nhập kinh tế quốc tế trong thời kỳ mới, không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế đối ngoại song phương và đa phương.
Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, sự tan rã của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đông Âu đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư của cán bộ và nhân dân Việt Nam về tiền đồ của chủ nghĩa xã hội, quan hệ kinh tế đối ngoại bị đảo lộn. Trong khi đó, Mỹ vẫn tiếp tục cấm vận. Một số thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động gây mất ổn định chính trị và bạo loạn lật đổ. Nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiên trì đường lối đổi mới, nhân dân Việt Nam ra sức thực hiện nghị quyết của Đại hội, vượt qua khó khăn, trở ngại, giành nhiều thắng lợi mới.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam (4/2006) tiếp tục khẳng định: “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực”. Đại hội xác định chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, hội nhập sâu hơn, đày đủ hơn với các thể chế kinh tế toàn cầu, khu vực và song phương, tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi, huy động các nguồn lực từ bên ngoài để đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đây là một trong những nội dung quan trọng của công tác đối ngoại.
Với tinh thần trên, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định mục tiêu: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi… Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”. Để thực hiện mục tiêu trên, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”.
Từ chỗ bị cô lập về chính trị, bị bao vây cấm vận về kinh tế, tới nay Việt Nam đã lập quan hệ ở nhiều mức độ với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, vì hoà bình, hợp tác, hữu nghị, đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Cụ thể là: Việt Nam đã thiết lập khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với tất cả nước lớn và láng giềng trong khu vực.
Đồng thời tham gia tích cực trong nhiều tổ chức quốc tế và khu vực như: ASEAN, APEC, ASEM, phong trào không liên kết… Với những quan điểm đúng đắn và phù hợp trong hội nhập quốc tế, Việt Nam được bầu trở thành nước thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021, góp phần khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Về hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam tham gia nhiều quan hệ quốc tế cơ bản với những mức độ, phạm vi và tính chất khác nhau. Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, (WTO), Hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.
Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, những thành tựu to lớn trong hơn ba mươi năm đổi mới trước hết do Đảng Cộng sản Việt Nam đã giải quyết đúng mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; hai là kiên trì, quyết liệt thực hiện đổi mới; ba là luôn đổi mới tư duy về kinh tế và chính trị, tư duy nói chung về chủ nghĩa xã hội, đổi mới chính trị theo kịp và đồng bộ với đổi mới kinh tế.
Tôi nhận thấy rằng, qua các kỳ Đại hội trong thời kỳ đổi mới, với tinh thần độc lập, sáng tạo, chủ động, tích cực đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng nhằm phục vụ mục tiêu phát triển đất nước, hoạt động đối ngoại của Việt Nam luôn hướng tới việc nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, gắn kết mục tiêu cách mạng và định hướng phát triển đất nước với xu thế phát triển của thời đại.
Tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc lần thứ nhất năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo kiệt xuất, có tư duy sáng tạo, có tầm nhìn đột phá, có bản lĩnh kiên cường đã đúc kết: Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Marx-Lenin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hoá dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá thế giới, và tư tưởng tiến bộ của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam: Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.
Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; Linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc; Biết nhu, biết cương; Biết thời, biết thế; Biết mình, biết người; Biết tiến, biết thoái, “tuỳ cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”.
Trong quan hệ giữa Campuchia và Việt Nam, Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Vương quốc Campuchia, Chủ tịch Đảng nhân dân Campuchia đã có nhiều cuộc gặp gỡ, làm việc với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Campuchia-Việt Nam.
Trong cuộc gặp ngày 18/2/2023, tại Hà Nội, hai nhà lãnh đạo đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước, đánh giá về tình hình thế giới, khu vực; kết quả hợp tác giữa hai Đảng, hai nước trong thời gian qua và phương hướng hợp tác trong thời gian tới. hai nhà lãnh đạo tiếp tục khẳng định truyền thống lịch sử quan hệ gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau giữa Campuchia với Việt Nam cũng như giữa ba nước Campuchia-Việt Nam-Lào là tài sản vô giá, là một trong những nhân tố quan trọng nhất và nguồn sức mạnh to lớn nhất đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập, xây dựng và phát triển của mỗi nước.
Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng, ý nghĩa chiến lược của mối quan hệ Campuchia-Việt Nam đối với an ninh và phát triển của mỗi nước, vì hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực và thế giới.
Điều làm tôi nhớ mãi là sau cuộc gặp bao giờ cũng có nghi thức chụp hình lưu niệm. Khi các phóng viên đề nghị hai vị đứng đầu hai Đảng đứng nguyên vị trí để chụp hình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đã vui vẻ nói với các phóng viên rằng: “Về nghi lễ thì đứng im để chụp hình là không sai, nhưng lần này các cậu nên chụp hình tôi và anh Hun Sen vừa đi vừa trao đổi công việc thì sẽ đẹp hơn, sinh động hơn, bức ảnh của các cậu sẽ có giá trị nghệ thuật hơn”.
Câu nói vui của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hết sức giản dị, mộc mạc, chân thành như chính phong cách của ông. Nhưng theo tôi, câu nói đó hết sức sâu sắc, mang đậm ý nghĩa: Campuchia-Việt Nam đoàn kết, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển.
(*) Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia.