Ngày 28/7, Hội đồng Dân chủ Syria (SDC), cánh tay chính trị của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) – do Mỹ hậu thuẫn tuyên bố nhóm này và Chính phủ Syria đã nhất trí thành lập các ủy ban thúc đẩy đàm phán nhằm chấm dứt bạo lực tại Syria.
Động thái trên được nhận định có thể là tia sáng le lói cho nền hòa bình tại Syria. SDC cho biết mục đích của cuộc tiếp xúc này là “dọn đường cho một cuộc đối thoại rộng hơn và toàn diện hơn”, đồng thời thúc đẩy một “lộ trình dẫn đến Syria dân chủ và phân quyền”.
Trong một diễn biến khác, hôm 30/7, đại diện các quốc gia bảo trợ cho lệnh ngừng bắn Syria là Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp gỡ tại thành phố Sochi (Nga) trong cuộc Hòa đàm lần thứ 10 để thảo luận các vấn đề liên quan tới thành lập Ủy ban Hiến pháp Syria, các vùng giảm leo thang và cứu trợ nhân đạo, bao gồm tăng cường các biện pháp tạo niềm tin và đưa người tị nạn về lại quê hương.
Hội đồng Dân chủ Syria SDC và Chính phủ Syria đã nhất trí thành lập các ủy ban thúc đẩy đàm phán nhằm chấm dứt bạo lực tại Syria. (Nguồn: Reuters) |
Cũng trong khuôn khổ cuộc đối thoại này, phe đối lập Syria dự kiến sẽ hội đàm với Chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad về tình hình tại tỉnh Idlib, thả tù nhân cũng như vấn đề Ủy ban Hiến pháp. Khác với 9 cuộc gặp trước đều diễn ra tại thủ đô Astana của Kazakhstan, hòa đàm tại thành phố nghỉ dưỡng Sochi lần này thể hiện một khía cạnh mới, “thay đổi trọng tâm sang chính trị và nhân đạo”.
Ánh sáng cuối đường hầm
Thời gian qua, cục diện chiến trường Syria đã có nhiều thay đổi khi quân đội của Tổng thống al-Assad, với sự hỗ trợ của Nga, liên tiếp có những chiến thắng quan trọng. Trong khi đó, chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Trung Đông tiếp tục rối bời và đầy mâu thuẫn. Vai trò của Mỹ dần suy giảm và ông Trump đã nhiều lần nhắc tới tuyên bố sớm rút khỏi Syria. Thực trạng này có thể khiến SDF “bơ vơ” tại Syria và không còn khả năng kháng cự trước các cuộc tấn công từ Damascus hoặc Ankara.
Trong bối cảnh đó, một thỏa thuận hòa bình với SDC là nước cờ “không thể khôn ngoan hơn” của chính quyền Tổng thống al-Assad. Cuộc hòa đàm ngay lúc này có thể kéo SDF rời khỏi vòng tay bảo trợ của Mỹ, giúp Chính phủ Syria tiết kiệm một khoản chi phí quân sự đáng kể, đồng thời giảm ảnh hưởng của Washington trong cuộc nội chiến Syria. Về phần mình, SDC nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc họp là sáng kiến hướng tới một giải pháp chính trị, duy trì các nguyên tắc bền vững liên quan tới mọi khía cạnh của tiến trình chính trị ở Syria.
Giành lợi ích từ đống đổ nát
Sau 7 năm chiến tranh, người dân Syria thèm khát một khoảnh khắc hòa bình trọn vẹn sau nhiều ngày “bom rơi đạn nổ” đã tàn phá mái ấm gia đình họ. Chiến trường Syria giờ còn lại ngổn ngang tàn tích của những đống đổ nát và chằng chịt lợi ích của các “ông lớn” trong cuộc đua viện trợ tái thiết với các điều kiện chính trị “đính kèm”.
Tái thiết Syria được ví như một “miếng bánh” mà ai cũng muốn phần to nhất về mình. Một kế hoạch tái thiết Syria thời kì hậu chiến cần rất nhiều vốn và đòi hỏi sự hỗ trợ của nhiều bên như Nga, Trung Quốc, Iran và cộng đồng quốc tế. Nhưng kế hoạch này đang tiếp tục chia rẽ các cường quốc liên quan.
Trong khi Nga kêu gọi Liên hợp quốc (LHQ) và các tổ chức quốc tế đóng góp vào tái thiết Syria thì phía Mỹ và các nước phương Tây đều ra điều kiện để đổi lấy viện trợ tái thiết. Theo đó, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ không tham gia xây dựng lại Syria trừ khi một quá trình chuyển đổi chính trị được thực hiện hiệu quả, với các quy trình hiến pháp mới và bầu cử đáng tin cậy. Mỹ cũng khẳng định sẽ không hỗ trợ các nỗ lực tái thiết quốc tế ở Syria cho đến khi có một sự chuyển đổi chính trị chính thức theo Nghị quyết 2254 của HĐBA đã thông qua tại Geneva.
Vòng đàm phán mới liệu có thể là “tia sáng cuối đường hầm” để chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu đã kéo dài nhiều năm qua tại quốc gia Trung Đông này? Theo giới phân tích, Syria chính là nơi tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn như Nga, Mỹ hay các cường quốc khu vực như Iran, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ từ hàng thập niên. Cuộc nội chiến kéo dài 7 năm qua cũng là nhằm phân chia lại ảnh hưởng của các bên ở Syria. Do đó, hòa bình ở Syria chỉ có thể được lập lại một khi những quốc gia này đạt được thỏa thuận về lợi ích.