📞

Tác động của toàn cầu hóa tới chủ nghĩa dân tộc

14:32 | 04/04/2014
Toàn cầu hóa, chủ nghĩa dân tộc và mối quan hệ giữa hai khái niệm đã và đang là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận giữa các học giả trong ngành quan hệ quốc tế. Cả hai khái niệm đều có vị trí quan trọng trong đời sống quốc tế hiện nay.
Ảnh minh hoạ.

Trong khi một số học giả cho rằng chủ nghĩa dân tộc (CNDT) trở nên ít được chú ý trong quan hệ quốc tế, thì số khác lại nói rằng CNDT được hưởng lợi từ toàn cầu hóa (TCH) và càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Vậy mối quan hệ giữa hai khái niệm này ra sao và TCH thực sự tác động thế nào tới CNDT?

Thế nào là toàn cầu hoá?

Hiện nay có nhiều cách lý giải khác nhau về TCH. Theo nghĩa hẹp, TCH được hiểu là tiến trình các quốc gia, khu vực bị cô lập đã và đang hội nhập với quốc tế. Theo nghĩa rộng, TCH được hiểu là sự giao lưu ngày càng mạnh mẽ về kinh tế, chính trị, văn hoá giữa các quốc gia, tổ chức và cá nhân trên toàn cầu.

Từ những lý giải khác nhau, các học giả quốc tế đã đưa ra định nghĩa không giống nhau về TCH. Tuy nhiên, những định nghĩa này đều có một điểm chung, đó là sự giao lưu rộng rãi trong mọi lĩnh vực trên phạm vi toàn cầu. TCH đang làm thay đổi diện mạo thế giới hết sức nhanh chóng. Nó giúp thúc đẩy nhanh sự phát triển, xã hội hoá lực lượng sản xuất, đẩy các quốc gia xích lại gần nhau hơn và tạo ra sự tăng trưởng kinh tế cao. Ngoài ra, với tiến bộ trong công nghệ và truyền thông, thế giới trở nên “phẳng” hơn khi mà những rào cản khoảng cách địa lý dường như không còn ảnh hưởng lắm tới giao tiếp cá nhân. Theo đó, những giá trị văn hoá khác nhau trên toàn thế giới có cơ hội giao thoa và phát triển.

Tuy nhiên, nói về những ảnh hưởng tiêu cực của TCH, người ta cho rằng, TCH đang tàn phá những di sản và văn hóa của các dân tộc khác nhau trên thế giới. Đối với họ, TCH là một cơn ác mộng trong thế giới đương đại và sẽ tiếp tục trong tương lai. Có thể nói, trào lưu mặc quần áo Adidas, nghe iPod, xem phim truyền hình phương Tây, ăn McDonalds, uống Starbucks hay Coca Cola và thậm chí nói tiếng Anh Mỹ là minh chứng rõ ràng cho sự thống trị văn hóa của phương Tây đối với phần còn lại của thế giới. Những tiến bộ về khoa học, công nghệ bắt nguồn từ phương Tây và lan rộng ra toàn thế giới. Theo đó, những tư tưởng và giá trị của xã hội phương Tây dần trở thành chuẩn mực chung cho toàn thế giới.

Chủ nghĩa dân tộc là gì?

Nghiên cứu CNDT đóng vai trò quan trọng trong phân tích chính trị thế giới. CNDT liên quan tới nhiều khái niệm khác như quốc gia, dân tộc, sắc tộc hay bản sắc dân tộc. Tuy vẫn tồn tại một số bất đồng trong giới học giả về khái niệm này nhưng CNDT phần lớn được hiểu là hiện tượng chính trị tồn tại dưới các hình thức khác nhau.

Trong quan hệ quốc tế, CNDT mang những đặc trưng cơ bản như là nguyên nhân dẫn đến xung đột, chống lại hệ thống nhà nước đang tồn tại, chống lại hợp tác quốc tế và các thiết chế siêu nhà nước và là nhân tố quyết định sức mạnh của một nhà nước trong những sự vụ quốc tế. Tuy CNDT và chủ nghĩa yêu nước đều chỉ mối quan hệ của cá nhân đối với dân tộc nhưng khác nhau về bản chất.

CNDT đặt nặng vấn đề nền tảng văn hoá và những người theo chủ nghĩa này thường coi nước mình là số 1. Trái lại, chủ nghĩa yêu nước đề cao tình yêu với quê hương đất nước và những người yêu nước tin rằng, nước mình bình đẳng với các nước khác.

Theo bài báo của C.R.Hughes đăng trên Journal of International Studies, CNDT được thể hiện dưới nhiều hình thức nhưng phổ biến là CNDT vị chủng, CNDT tự do và CNDT nhà nước.

CNDT vị chủng chỉ tư tưởng và phong trào của các nhóm sắc tộc thực hiện mục tiêu chủ yếu là thành lập quốc gia dân tộc dựa trên điểm tương đồng về lịch sử, ngôn ngữ, lãnh thổ, chủng tộc và các yếu tố văn hoá khác. Theo đó, hình thức này tập trung vào việc duy trì sự gắn kết xã hội và tiếp nối truyền thống thông qua tự trị về văn hoá, chính trị và lãnh thổ trong một nhà nước cụ thể.

CNDT tự do đề cao sự gắn kết về mặt xã hội và văn hoá hơn là nguồn gốc lịch sử. Theo đó, những người không cùng chủng tộc cũng có thể gia nhập cộng đồng nếu họ thích nghi. Sự hoà hợp giữa những người nhập cư với dân bản địa là một minh chứng cụ thể về hình thức này.

CNDT nhà nước tồn tại dựa trên cái gọi là lợi ích quốc gia và được thể hiện thông qua chính sách đối ngoại của nhà nước đó. Lợi ích quốc gia có thể xem như một phần của bản sắc dân tộc và có thể huy động đông đảo quần chúng để bảo vệ hoặc phát triển nó. Nhà nước trở thành chủ thể chính trị đại diện cho ý chí của mọi công dân và xây dựng lòng trung thành của họ với quốc gia dân tộc mình. Trong thế kỷ 20, những nhân vật như Adolf Hitler hay Slobodan Milosevic đã khiến loại hình CNDT nhà nước thường được hiểu theo nghĩa xấu bởi nó gợi lại những sự kiện đẫm máu trong lịch sử.

Xói mòn, tương hỗ hay thúc đẩy?

Nhìn chung, có ba quan điểm chính về mối quan hệ giữa TCH và CNDT: TCH làm xói mòn CNDT; TCH và CNDT có mối quan hệ tương hỗ, phát triển hài hòa và TCH đã và đang khiến CNDT trở nên mạnh mẽ hơn.

Ủng hộ quan điểm thứ nhất, nhà nghiên cứu John Kusumi ở Đại học Sydney lập luận rằng: “TCH sẽ xoá bỏ CNDT vì nó tạo ra một thế giới mà ở đó, ranh giới giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ không còn quan trọng”. TCH khiến CNDT không còn khả năng gắn kết mọi người trong một nước cũng như ngăn cản họ hoà nhập với những “công dân toàn cầu”. Trong quá khứ, các quốc gia có phân chia biên giới rõ ràng, người dân có ý thức cao về truyền thống và dân tộc, phương thức giao tiếp cá nhân hạn chế. Ngày nay, mọi thứ đã khác rất nhiều. Những rào cản về địa lý không còn gây khó khăn cho giao tiếp cá nhân.

Thêm nữa, theo cuốn Thế giới phẳng của Thomas Friedman, thế giới đã trải qua ba giai đoạn TCH và qua mỗi giai đoạn thì thế giới trở nên “phẳng” hơn. Những rào cản về giao tiếp giữa các nhà nước, doanh nghiệp và cá nhân dần biến mất. Ví dụ, sinh viên chỉ cần ngồi ở nhà cũng có thể cùng tham gia lớp học trực tuyến, tự do chia sẻ quan điểm với người khác ở khắp nơi trên thế giới nhờ mạng Internet. Việc gia tăng tiếp xúc cá nhân sẽ hình thành nên những giá trị văn hoá, xã hội chung vượt ra ngoài phạm vi lãnh thổ quốc gia, được mọi người chấp nhận, bất chấp khác biệt về sắc tộc hay tôn giáo. Có thể nói, về mặt văn hóa, thế giới đang chuyển từ nền văn hóa quốc gia sang nền văn hoá toàn cầu. Theo đó, ý thức về sự khác biệt giữa cá nhân, tổ chức hay dân tộc với nhau không còn nhiều cơ sở để phát triển như giai đoạn trước.

Quan điểm thứ hai cho rằng, TCH và CNDT có mối quan hệ tương hỗ, cùng nhau phát triển hài hoà. Tham gia vào quá trình TCH không có nghĩa là một nước phải từ bỏ hệ tư tưởng hay các giá trị văn hoá của mình để theo một xu hướng chung. Các nước trong quá trình TCH vẫn có thể hợp tác trên nhiều mặt mà không có xung đột về văn hoá, sắc tộc hay tôn giáo.

Ví dụ về mặt ngôn ngữ, Ấn Độ, Singapore hay Australia là những nước nói thứ tiếng Anh khác lạ so với tiếng Anh chuẩn, nhưng những nước này vẫn thu hút được số lượng lớn du học sinh nước ngoài. Ngoài ra, việc các nước tham gia Liên minh châu Âu và phải chấp nhận chia sẻ một phần chủ quyền hay quyền tự quyết của mình nhưng lại cùng nhau góp phần xây dựng tổ chức này lớn mạnh hơn và hưởng lợi từ quá trình TCH.

Quan điểm thứ ba cho rằng, TCH dễ khiến CNDT phát triển mạnh mẽ hơn. Theo nhà phê bình văn hoá và truyền thông người Mỹ Douglas Kellner, từ cuối thập niên 1980, CNDT, chủ nghĩa truyền thống và phong trào tôn giáo phát triển mạnh mẽ song song với quá trình TCH. Sự bùng nổ những khác biệt về chính trị, tôn giáo và văn hoá ở Liên Xô và Nam Tư cũng như xung đột giữa các bộ lạc ở châu Phi cho thấy, sức mạnh chuyển hoá của TCH không mấy hiệu quả như những người ủng hộ nó mong đợi. Giai đoạn hiện nay, TCH dường như tạo ra sức ép lớn hơn với các địa phương trong một quốc gia cụ thể, đặc biệt về mặt kinh tế và chính trị. Những địa phương này đến lượt mình có khuynh hướng phản ứng lại mạnh mẽ trên cơ sở phát triển CNDT theo hướng cực đoan.

Có thể nói theo cách khác là sự mai một dần của các bản sắc địa phương và hồi sinh của CNDT là những hệ quả trực tiếp của TCH. Đơn cử như hiện tượng làn sóng di cư của người dân từ thế giới thứ ba đến các nước phương Tây đã dẫn đến tình trạng căng thẳng về chủng tộc và văn hóa ở nhiều nước Âu, Mỹ. Việc số dân nhập cư vào châu Âu và Anh gia tăng dẫn đến sự ra đời thêm của các đảng cánh tả ở đây. Tất cả điều trên chứng tỏ thực tế rằng, CNDT trở nên cực đoan hơn và được xem là hệ quả của quá trình TCH.

Trong quá trình TCH, các nước mạnh sẽ có ảnh hưởng lớn trên phần còn lại của thế giới. Vì vậy, nỗ lực của phương Tây truyền bá các giá trị của dân chủ và chủ nghĩa tự do để duy trì ưu thế quân sự và thúc đẩy lợi ích kinh tế sẽ chỉ gây ra phản ứng chống lại từ nền văn minh khác. Hệ thống tiếp thị quốc tế và truyền thông tạo ra những kênh tự do cho việc nhập khẩu khối lượng lớn các văn hóa phẩm, thực phẩm, thuốc, quần áo, phim ảnh… vào các nước đang phát triển, khiến các nước này phải đối mặt với nguy cơ văn hoá truyền thống bị xói mòn, thậm chí mất đi. Phản ứng bảo vệ bản sắc dân tộc là một điều dễ hiểu.

Từ những lập luận trên, chúng ta có thể hiểu rằng tác động của TCH lên những khu vực khác nhau sẽ không giống nhau. Nó có thể làm xói mòn CNDT ở nơi này, có thể phát triển hài hoà với CNDT ở nơi kia và cũng có thể khiến CNDT phát triển lên mức cực đoan. Tóm lại, quan điểm khác nhau về TCH và ảnh hưởng của nó đối với CNDT dẫn tới những chính sách khác nhau đối với quá trình này.

Trào lưu mặc quần áo Adidas, nghe iPod, xem phim Mỹ, ăn McDonalds, uống Starbucks hay Coca Cola và thậm chí nói tiếng Anh Mỹ là minh chứng cho sự thống trị văn hóa của phương Tây đối với phần còn lại của thế giới.

Nguyễn Ngọc Bảo