📞

Tái cơ cấu kinh tế: trọng điểm là đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập

19:00 | 26/12/2016
“Đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập là một trong năm trọng điểm của tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn này, cần phải được các bộ, ngành và địa phương quán triệt và thực hiện có hiệu quả”.

Chiều 26/12, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc của Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL).

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng nêu rõ Nghị quyết số 05 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII xác định đổi mới cơ chế hoạt động của ĐVSNCL là một trong 5 lĩnh vực trong tâm của tái cơ cấu nền kinh tế. Theo đó, Nghị quyết của Trung ương tiếp tục thực hiện việc trao quyền đầy đủ về tài chính, tổ chức, biên chế và hoạt động cho các ĐVSNCL; tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý, điều chỉnh giá các dịch vụ công theo cơ chế thị trường; chuyển từ cơ chế Nhà nước cấp phát sang Nhà nước đặt hàng, từ hỗ trợ cho đơn vị cung cấp sang trực tiếp hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng. Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng giữa các đơn vị công lập, khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia phát triển cung ứng dịch vụ công, phát triển thị trường dịch vụ công có sự điều tiết của Nhà nước.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh đổi mới cơ chế hoạt động ĐVSNCL là một trong năm nhiệm vụ trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế. (Ảnh: VGP/Thành Chung)

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng đề cập việc sắp xếp ĐVSNCL, thực hiện hạch toán như doanh nghiệp đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có thu đủ điều kiện. Thực hiện cổ phần hóa các ĐVSNCL có đủ điều kiện, giải thể đơn vị công lập hoạt động kém hiệu quả, không để cổ phần hóa thành tư nhân hóa, xã hội hóa thành thương mại hóa dịch vụ công.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho biết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII sẽ thảo luận và ban hành một nghị quyết chuyên đề về đổi mới cơ chế hoạt động của ĐVSNCL, cần được các bộ, ngành và địa phương quán triệt, thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.

Cần phải sửa nhiều luật

Theo Bộ Tài chính, sau khi Chính phủ khóa mới được thành lập, Ban chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động ĐVSNCL cần phải được kiện toàn. Hiện nay, đổi mới cơ chế hoạt động ĐVSNCL được thực hiện theo Kết luận số 37/KL-TW của Trung ương, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 695/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch triển khai Nghị định 16. Theo đó, Chính phủ đã ban hành 2 nghị định về cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học công nghệ và ĐVSNCL trong lĩnh vực kinh tế. Còn 5 nghị định chưa được Chính phủ thông qua gồm: Cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực y tế, văn hóa-thể thao và du lịch, giáo dục, nghề nghiệp, thông tin truyền thông và báo chí, giáo dục và đào tạo.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành các quyết định về danh mục dịch vụ sự nghiệp công của các Bộ: Y tế, LĐTB&XH, GTVT. Còn 8 bộ vẫn đang trình Thủ tướng dự thảo. Thủ tướng cũng ký ban hành 6 quy hoạch mạng lưới các ĐVSNCL của các Bộ KH&CN, GTVT, LĐTB&XH, TN&MT, còn 7 bộ chưa trình.

Qua việc thực hiện tự chủ hoạt động của ĐVSNCL, ý kiến các bộ cho rằng phải bảo đảm huy động được nguồn lực đầu tư của xã hội cung cấp dịch vụ công và sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình tự chủ vẫn còn nhiều vướng mắc về Luật Công chức, viên chức, Luật Đất đai…

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết: “Giám đốc ĐVSNCL không đủ thẩm quyền để quyết định về nhân sự, như cho nghỉ việc cán bộ vì Luật Công chức, viên chức không cho phép xử lý ngay như thế. Hay khi ĐVSNCL tự chủ được thì cơ quan chủ quan giao đất cho đơn vị đó nhưng lại vướng Luật Đất đai không cho phép”.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cũng nêu Luật Công chức, viên chức quy định người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập là công chức do đó việc tuyển dụng vị trí này phải theo Luật nên khó đáp ứng được tính tự chủ, nhanh nhạy trong hoạt động của các đơn vị này. Chưa kể tại một số ĐVSNCL, Chủ tịch Hội đồng quản lý và Giám đốc điều hành đều do Bộ trưởng bổ nhiệm nên khó “có tiếng nói chung”.

Lãnh đạo các bộ đều cho rằng để tự chủ có hiệu quả và góp phần đổi mới cơ chế hoạt động ĐVSNCL, cần phải sửa đổi các luật liên quan.

Nghiên cứu việc xây dựng luật điều chỉnh hoạt động của ĐVSNCL

Để thúc đẩy đổi mới hoạt động ĐVSNCL, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính chủ trì cùng các bộ, ngành kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà nước về lĩnh vực này, rà soát lại quy chế hoạt động, cơ cấu, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định; dự kiến kế hoạch công tác mà trước mắt là của năm 2017.

Tiếp tục kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 16 và Quyết định số 695, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ sớm trình Chính phủ ban hành các văn bản pháp luật có liên quan, như các nghị định về tự chủ trong từng lĩnh vực, xây dựng danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN.

Các bộ cũng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch mạng lưới ĐVSNCL thuộc ngành và của các địa phương; rà soát, sửa đổi, bổ sung các định mức kinh tế kỹ thuật để làm cơ sở thực hiện cơ chế khoán chi trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT xác định rõ hơn lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo và xây dựng khung lộ trình giá. Bộ Tư pháp rà soát hệ thống pháp luật hiện hành để khắc phục sự chồng chéo, bất cập trong thực hiện quy chế tự chủ, nghiên cứu khả năng xây dựng một luật chung điều chỉnh về ĐVSNCL.

Các bộ, ngành báo cáo Ban Chỉ đạo hướng dẫn các địa phương rà soát, phân loại, sắp xếp lại các ĐVSNCL thuộc các lĩnh vực (loại Nhà nước vẫn phải bao cấp, loại tự chủ hoàn toàn thì có thể hạch toán như doanh nghiệp, loại tự chủ được một phần, loại sẽ cổ phần hóa, loại cho giải thể vì hoạt động không có hiệu quả, loại có thể sát nhập lại); nghiên cứu các hình thức xã hội hóa các dịch vụ công; cải cách hành chính trong lĩnh vực sự nghiệp công.