Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Quốc hội khóa I bầu ra (1946). |
Ngay từ ngày đầu thành lập ngành Ngoại giao, cách đây 70 năm, công tác lưu trữ Ngành, hay được gọi là Lưu trữ Ngoại giao, đã được Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên, đặc biệt đánh giá cao, quan tâm xây dựng và trở thành mảng công tác quan trọng.
Những tài liệu lưu trữ nói trên không những là tài sản vô giá đối với ngành Ngoại giao, có giá trị giáo dục truyền thống cho các thế hệ cán bộ, mà còn “có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia” - như Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố tại Thông đạt 1C/VP ngày 03/01/1946.
Hồ Chủ tịch tiếp đồng chí Xu-va-nu-vông tại Việt Bắc (1947). |
Tài liệu lưu trữ là nguồn sử liệu quý giá và quan trọng trong nghiên cứu, biên soạn lịch sử, bởi những đặc thù riêng so với các nguồn sử liệu khác. Đó được coi là những bằng chứng lịch sử, bởi lẽ những tài liệu này được sinh ra gần như đồng thời với các sự kiện đối ngoại, những hoạt động chung của toàn ngành. Việc căn cứ vào các tài liệu lưu trữ giúp cho việc hoạch định chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước chính xác hơn. Bên cạnh đó, tài liệu lưu trữ Ngoại giao luôn mang tính chính trị sâu sắc, nhạy cảm trong quan hệ quốc tế và là chứng cứ lịch sử trong đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ngày nay. Vì vậy, nghiên cứu về sự hình thành và phát triển của ngành Ngoại giao không thể không sử dụng nguồn sử liệu quý giá này.
Hiện nay, Phòng Lưu trữ Bộ Ngoại giao hiện đang lưu giữ những tài liệu quan trọng:
Về công tác nghiên cứu, tổng kết, hoạch định chính sách: Tài liệu lưu trữ chứa đựng những thông tin quá khứ về công tác đối ngoại, những hoạt động chung của toàn ngành giúp cho việc hoạch định chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước chính xác và với tầm nhìn xa hơn. Phòng Lưu trữ Bộ Ngoại giao đã cung cấp hàng ngàn bản sao tài liệu, ảnh lưu trữ và hiện vật… cho công tác viết sử, các đề tài nghiên cứu trong và ngoài Ngành, xây dựng Nhà truyền thống Bộ Ngoại giao.
Đại sứ đầu tiên của Trung Quốc trình Quốc thư lên Hồ Chủ tịch năm 1953. |
Về công bố tài liệu lưu trữ để xuất bản sách: Tài liệu lưu trữ ngoại giao đã trở thành nguồn sử liệu quan trọng, tin cậy đối với những người làm công tác công bố, nghiên cứu, sưu tầm để xuất bản sách và công trình nghiên cứu của Nhà nước và của Bộ Ngoại giao như: “Biên niên Tiểu sử Hồ Chủ tịch”, “Phạm Văn Đồng và Ngoại giao Việt Nam”, “Nhà Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch”, “Chân dung năm cố Bộ trưởng Ngoại giao” và gần đây nhất là cuốn “Lịch sử ngành Ngoại giao”… Việc Phòng Lưu trữ tích cực, bền bỉ tìm hiểu, khai thác tài liệu phục vụ viết sách chính là sự tri ân với các vị tiền bối của nền Ngoại giao Cách mạng Việt Nam hiện đại.
Về công bố tài liệu lưu trữ tại các triển lãm: Những hình ảnh hoạt động Ngoại giao là nguồn sử liệu chân thực, sống động tại các cuộc triển lãm quốc gia nhân dịp kỷ niệm các ngày thành lập Nước, thành lập Ngành, tại các triển lãm quốc tế như “55 năm thiết lập quan hệ Ngoại giao Việt Nam - Liên bang Nga”; “Quan hệ hợp tác Việt Nam - Cuba qua tài liệu lưu trữ 1960 - 2005”, “45 năm Quan hệ Ngoại giao Việt Nam - Lào’; “Quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga trong lĩnh vực đào tạo”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan hệ Việt - Pháp” và các triển lãm khác về lịch sử, truyền thống của Ngành…
Đối với công tác xây dựng Ngành: Tài liệu lưu trữ phản ánh một cách toàn diện mọi mặt của công tác đối ngoại, nội bộ, là tài sản quý báu cho thế hệ ngoại giao trong tham mưu chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Hồ Chủ tịch thăm Trung Quốc Lễ ký Tuyên bố chung ngày 22/6/1955. |
Đặc biệt, đối với công tác tuyên truyền đối ngoại, đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vấn đề biên giới, hải đảo: Tài liệu, hiện vật lưu trữ ngoại giao liên quan đến chủ quyền của đất nước là nguồn di sản vô giá, là bằng chứng quan trọng chứng minh chủ quyền lãnh thổ của đất nước.
Lựa chọn từ các tài liệu lưu trữ kể trên, để chia sẻ cùng với các hoạt động kỷ niệm của ngành Ngoại giao, Phòng Lưu trữ mong muốn cung cấp các tài liệu lưu trữ tiêu biểu được hình thành trong các hoạt động đối ngoại trong 70 năm qua. Theo dòng chảy của lịch sử, chúng ta điểm lại một số sự kiện quan trọng trong hình thành và phát triển cua Ngoại giao Việt Nam, qua những tài liệu như: Chủ tịch Hồ Chí Minh với các Hội nghị Ngoại giao, những hình ảnh về các đồng chí Bộ trưởng Ngoại giao qua các thời kỳ, Trụ sở đầu tiên của Bộ Ngoại giao, Cơ quan Đại diện đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở nước ngoài, Đại sứ nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đầu tiên trình quốc thư, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước. Hay tài liệu về các dấu mốc lịch sử như: Ký Hiệp định Geneva 1954, Hiệp định Paris 1973, Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc, ASEAN, là Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, là thành viên thứ 150 của WTO, là Chủ tịch ASEAN năm 2010… Bên cạnh đó còn có các tài liệu về tiến trình Việt Nam chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, tổ chức thành công các sự kiện ASEM, APEC, các châu bản về chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch phát biểu tại Hội đồng Liên hợp quốc năm 1980. |
Lưu trữ và Ngoại giao có mối quan hệ logic biện chứng. Thông qua hoạt động ngoại giao song phương và đa phương, tài liệu lưu trữ được ra đời và trở thành nguồn sử liệu, là chứng cứ lịch sử giúp các cán bộ ngoại giao hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình.
Theo Pháp lệnh Lưu trữ Quốc gia năm 2001, “Tài liệu lưu trữ là di sản văn hóa của dân tộc, có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc”. Vì giá trị đặc biệt của tài liệu lưu trữ của ngành Ngoại giao, đòi hỏi sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng của Phòng Lưu trữ, cùng phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cùng chung sức gìn giữ nguồn di sản quý báu này.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Ngành Ngoại giao (28/8/1945- 28/8/2015) , Phòng Lưu trữ xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số hình ảnh 70 năm Ngoại giao Việt Nam qua tài liệu lưu trữ.
Phòng Lưu trữ Bộ Ngoại giao