Đầu năm 2024, EU quyết định cung cấp cho Ukraine một phần từ khoản lãi suất thu được nhờ tài sản Nga bị phong tỏa. (Nguồn: TASS) |
Mỹ và các đồng minh đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD tài sản thuộc về Ngân hàng Trung ương Nga kể từ năm 2022 - thời điểm Moscow tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine. Các khoản tiền bị đóng băng nằm tại công ty thanh toán Euroclear ở Brussels, Bỉ.
Khoản tài sản trên đã tạo ra hàng tỷ USD tiền lãi và phía Liên minh châu Âu (EU) quyết định sử dụng số tiền đó để tài trợ cho quốc gia Đông Âu đang đối mặt với xung đột.
Ông Andrey Kostin nói: “Ở phương Tây, họ nói, hãy trả tiền cho việc tái thiết Ukraine từ các khoản lãi".
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa cho biết, EU sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ kinh tế và quân sự cho Kiev trong năm 2025, bằng cách sử dụng lãi tích lũy từ số tiền bị đóng băng của xứ bạch dương.
Ông Costa tiết lộ: “Chúng tôi có kế hoạch cung cấp 1,5 tỷ EUR (tương đương 1,58 tỷ USD) mỗi tháng để hỗ trợ Ukraine trong năm 2025. Số tiền này lấy trong tiền lãi thu được từ các tài sản bị đóng băng của Nga và cũng có thể được sử dụng cho mục đích quân sự”.
Đầu năm nay, khối 27 thành viên đã quyết định cung cấp cho Ukraine một phần từ khoản lãi suất thu được nhờ tài sản Nga bị phong tỏa.
Vào tháng 7, Ủy ban châu Âu thông báo sẽ phân bổ 1,5 tỷ EUR cho Kiev, chủ yếu là mua sắm vũ khí, như đợt viện trợ đầu tiên.
Đợt thứ hai, dự kiến lên tới 1,9 tỷ EUR, có thể được giải ngân vào mùa Xuân năm sau.
* Về phía Nga, nước này đã nhiều lần cáo buộc phương Tây "đánh cắp" tiền của mình.
Hồi tháng 10, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov cảnh báo, Moscow sẽ đáp trả tương tự đối với việc phương Tây sử dụng tiền lãi từ tài sản bị đóng băng của Nga.
Tháng trước, ông Siluanov cho biết, Moscow sẽ "phản đòn" bằng cách sử dụng tiền lãi từ tài sản của các nhà đầu tư phương Tây đang bị đóng băng ở xứ bạch dương.
Theo tính toán của RIA Novosti, số tài sản của phương Tây đóng băng ở Nga gần bằng số tài sản của quốc gia này đang bị đóng băng ở nước ngoài.