📞

Tài sản Nga bị phong tỏa: Phương Tây có hành động bất ngờ, Điện Kremlin phát tín hiệu đáp trả

Việt An 10:54 | 23/04/2024
Ngày 22/4, Điện Kremlin tuyên bố, bất kỳ động thái nào của Mỹ nhằm tịch thu các tài sản bị phong tỏa của Nga đều là bất hợp pháp, tạo tiền lệ nguy hiểm và sẽ bị kiện ra tòa, đồng thời cảnh báo sẽ triển khai biện pháp đáp trả.
G7 đang thảo luận về khả năng sử dụng khoảng 300 tỷ USD tài sản của Nga, bị phong tỏa ở phương Tây, để tài trợ cho Ukraine. (Nguồn: TASS)

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: “Đây là hành động phá vỡ mọi nền tảng của hệ thống kinh tế. Hành động đó đã xâm phạm cả tài sản nhà nước và tài sản tư nhân. Đây là những hành động bất hợp pháp. Nếu các biện pháp như vậy được thực hiện, nhiều quốc gia và nhà đầu tư sẽ suy nghĩ 10 lần trước khi đầu tư vào nền kinh tế Mỹ hoặc giữ cổ phần của họ ở đó”.

Ông Peskov cũng đề cập một số biện pháp đáp trả và hành động pháp lý, song không nêu chi tiết.

Hôm 20/4, Hạ viện Mỹ đã thông qua gói dự luật trị giá 95 tỷ USD cung cấp hỗ trợ an ninh cho Ukraine, Israel và Đài Loan (Trung Quốc), bao gồm cả biện pháp chuyển giao các tài sản Nga bị tịch thu cho Ukraine.

* Trong khi đó, các quốc gia thành viên Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đang thảo luận về khả năng sử dụng khoảng 300 tỷ USD tài sản của Nga, bị phong tỏa ở phương Tây, để tài trợ cho Ukraine.

Tuy nhiên, tờ Washington Post đưa tin, phương Tây vẫn chưa đồng thuận về việc tịch thu tài sản của Nga. Liên minh châu Âu (EU) lo ngại rằng, động thái này sẽ vi phạm luật pháp quốc tế và gây ra phản ứng dữ dội.

Theo tờ báo trên, các quan chức EU không muốn cúi đầu trước áp lực của Mỹ và chuyển tài sản bị phong tỏa của Nga sang Ukraina vì lo ngại rằng sự trả đũa của Moscow sẽ nhắm vào khối 27 thành viên.

Là một phần của các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine, các nước phương Tây đã phong tỏa khoảng 300 tỷ USD tài sản của Moscow. Phần lớn trong khoản tiền này nằm ở các nước châu Âu, trong khi Mỹ chỉ nắm giữ khoảng 6 tỷ USD.

Trong những tháng gần đây, đã có một số đề xuất về cách sử dụng số tiền này để giúp đỡ Ukraine.

Trong khi Washington thúc đẩy lựa chọn cứng rắn hơn là tịch thu hoàn toàn các khoản tiền thì khối 27 thành viên lại đề xuất sử dụng tiền lãi của 300 tỷ USD để giúp đỡ Kiev.

Một phương án khác đang được thảo luận là sử dụng tài sản đó làm tài sản thế chấp để đảm bảo các khoản vay cho Ukraine.

Một quan chức Bộ Tài chính Mỹ, cả EU và Mỹ đều đồng ý rằng “cần phải làm nhiều việc hơn cho Ukraine, nhưng chưa có sự đồng thuận về chi tiết hành động”.

Vị quan chức này nói thêm, “chúng tôi đang coi tài sản thuộc chủ quyền của Nga như một giải pháp trung và dài hạn bền vững cho vấn đề tài trợ này”.

(theo Reuters, WAshington Post)