Theo Thủ tướng Anh, CPTPP sẽ mang lại lợi ích kinh tế và thúc đẩy chính sách đối ngoại của Anh nghiêng về châu Á - Thái Bình Dương. (Nguồn: The Australian) |
Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 31/3 thông báo nước này sẽ tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau 21 tháng đàm phán căng thẳng. Anh sẽ trở thành thành viên mới đầu tiên kể từ khi hiệp định được ký kết năm 2018 và là quốc gia châu Âu đầu tiên trong khối này.
Các thành viên CPTPP cùng ngày 31/3 nhất trí cho rằng, Anh đáp ứng đủ các tiêu chuẩn cao để gia nhập Hiệp định, đánh dấu đợt mở rộng đầu tiên của CPTPP. Cùng với 11 quốc gia thành viên hiện tại là Australia, Brunei, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Canada, sự góp mặt của Anh giúp tăng sự đóng góp của khối trong GDP toàn cầu từ 12% lên 15%.
Thành tựu thương mại lớn nhất
Vương quốc Anh đề nghị được gia nhập CPTPP khi nước này tìm kiếm và xây dựng các mối quan hệ thương mại trên toàn thế giới, sau khi rời Liên minh châu Âu (Brexit) vào tháng 1/ 2020.
Đối với Anh, các nền kinh tế thành viên CPTPP xa xôi về mặt địa lý nhưng đang phát triển rất nhanh. Văn phòng của Thủ tướng Anh cho biết, các nước CPTPP sẽ trở thành khối thương mại hơn 500 triệu người và tổng GDP 11 nghìn tỷ Bảng Anh (13,6 nghìn tỷ USD) sau khi Anh tham gia, tương đương 15% GDP toàn cầu. Đó không phải một thị trường duy nhất cho hàng hóa hoặc dịch vụ và do đó, không cần phải hài hòa hóa quy định, không giống như EU - quỹ đạo thương mại mà Anh đã rời khỏi vào cuối năm 2020.
Dữ liệu của Anh cho thấy, kim ngạch xuất khẩu từ nước này sang các nước CPTPP có trị giá 60,5 tỷ Bảng Anh trong tài khóa kết thúc vào tháng 9/2022. Anh dự kiến, tư cách thành viên sẽ bổ sung thêm 1,8 tỷ Bảng/năm (2,2 tỷ USD) vào GDP của nước này trong thời gian tới. Con số này có thể tăng thêm nếu nhiều nước gia nhập hơn nữa trong tương lai.
Tuy nhiên, một đánh giá của chính phủ Anh về tác động của thỏa thuận khi các cuộc đàm phán bắt đầu vào năm 2021 cho biết, tư cách thành viên CPTPP không đủ bù đắp cho sụt giảm thương mại thời hậu Brexit với nước láng giềng gần nhất là EU. Thỏa thuận này ước tính chỉ mang lại mức tăng 0,08% cho GDP trong dài hạn.
Theo ông David Henig, Giám đốc Dự án chính sách thương mại Vương quốc Anh, hiện chỉ có quan hệ kinh tế với Malaysia và Brunei không được điều chỉnh bởi các FTA hiện có, nhưng chúng chỉ chiếm 0,33% thương mại của Vương quốc Anh. “Phân tích ban đầu về các hoạt động của CPTPP cũng cho thấy, Hiệp định này tạo ra rất ít khác biệt đối với dòng chảy thương mại của Anh, không giúp ích nhiều cho các ngành dịch vụ, nhưng hàng nhập khẩu từ các nước như Việt Nam… sẽ tăng theo thời gian”, chuyên gia nhận xét.
Tuy nhiên, cũng có quan điểm rằng, ngành dịch vụ chủ đạo của Anh sẽ được hưởng lợi từ việc được tiếp cận rộng hơn với các thị trường Thái Bình Dương đang tăng trưởng và rất ưa chuộng sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao của Vương quốc Anh.
Trong khi đó, chuyên gia thương mại Sam Lowe, đối tác tại Flint Global cho biết, các nhà xuất khẩu Anh có thể hưởng lợi từ tư cách thành viên CPTPP ngay cả khi giao dịch với các quốc gia có FTA song phương. Để hưởng lợi từ thuế quan ưu đãi, các nhà xuất khẩu chỉ phải chứng minh một sản phẩm có đủ tỷ lệ các bộ phận có nguồn gốc “tại địa phương”.
Chẳng hạn, quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do hậu Brexit được gia hạn với Nhật Bản, Mexico và Canada cho phép các nhà xuất khẩu coi đầu vào của EU là “địa phương”. Tuy nhiên, theo CPTPP, đầu vào từ các thành viên CPTPP thường có thể được coi là nội địa, mang lại cho các nhà xuất khẩu một lựa chọn khác nếu có lợi. “Lợi ích thiết thực cho các nhà xuất khẩu của Vương quốc Anh ở đây là tính tùy chọn”, chuyên gia Lowe cho biết.
Cũng sẽ có một số điều khoản được đàm phán tùy theo nhu cầu của các thành viên, chẳng hạn, Anh đã đồng ý hạn ngạch nhập khẩu thịt bò, nhưng không đồng ý hạ thấp tiêu chuẩn thực phẩm, theo đó thịt bò được xử lý bằng hormone bị cấm. Hay thuế quan đối với dầu cọ từ Malaysia sẽ được tự do hóa và Anh cũng đồng ý cắt giảm thuế quan đối với chuối, gạo và thanh cua theo yêu cầu tương ứng từ Peru, Việt Nam và Singapore.
CPTPP là thỏa thuận thương mại lớn nhất mà Anh tham gia sau khi rời EU. Phía Anh nhấn mạnh rằng, 99% hàng hóa của Anh xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP sẽ đủ điều kiện được hưởng mức thuế bằng 0, bao gồm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như phomai, ô tô, chocolate, máy móc, đồ uống có cồn và rượu whisky.
Trong đó, Giám đốc điều hành Hiệp hội Whiskey Scotland đặc biệt hoan nghênh việc loại bỏ dần mức thuế 165% của Malaysia đối với rượu whisky. Ông này còn kỳ vọng lớn rằng “việc Anh gia nhập CPTPP sẽ mở ra cơ hội mới cho rượu Scotch Whiskey và các sản phẩm khác tại các thị trường trọng điểm trong khu vực".
Chỉ còn một số thủ tục hành chính và pháp lý cuối cùng, Vương quốc Anh sẽ là quốc gia mới đầu tiên tham gia CPTPP kể từ khi hiệp định này được ký kết vào năm 2018. (Nguồn: Aseanbriefing) |
Hơn cả lợi ích kinh tế
Theo bình luận của giới phân tích quốc tế, trong khi lợi ích lâu dài cho nền kinh tế Anh được coi là khiêm tốn, Anh có những lý do khác để gia nhập CPTPP. Thủ tướng Sunak cho biết, thỏa thuận thương mại này sẽ mang lại lợi ích kinh tế và thúc đẩy chính sách đối ngoại của Anh nghiêng về “châu Á-Thái Bình Dương”.
Không chỉ là một FTA thế hệ mới đầu tiên được thực thi của thế kỷ XXI, CPTPP còn được coi là hiệp định thương mại quan trọng ở một khu vực trọng yếu trên thế giới. Trong CPTPP hiện có hai thành viên thuộc Nhóm G7 là Canada và Nhật Bản. Tại thời điểm ký kết, CPTPP là khối liên kết kinh tế lớn thứ ba trên thế giới, với các thị trường lớn như Nhật Bản, Canada, Australia hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành.
Ngay sau khi CPTPP được ký kết tháng 3/2018 tại Chile, nhiều nền kinh tế đã bày tỏ nguyện vọng được gia nhập, trong đó có Trung Quốc. Sức hút của CPTPP theo nhận định của giới chuyên gia, không chỉ đến từ một khối liên minh kinh tế, mà còn đến từ nhiều lợi ích khác, như cải cách thể chế...
Trong trường hợp của Anh, lợi ích ngoại giao còn được đánh giá có thể vượt xa lợi ích kinh tế khi gia nhập CPTPP, đặc biệt khi trọng tâm của thế giới được nhận định “đang dịch chuyển về phía Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Nhà nghiên cứu chính sách Minako Morita-Jaeger, tại Cơ quan chính sách thương mại Anh (UKTPO) cho rằng, việc gia nhập của Anh là một “lợi ích chiến lược địa chính trị lớn với lợi ích kinh tế nhỏ”.
Như vậy, việc gia nhập CPTPP thể hiện tầm nhìn dài hạn của Vương quốc Anh trong việc tăng cường quan hệ với các quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tăng cường cho vị thế chính trị và thương mại thời hậu Brexit.
Các mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ thường sẽ dẫn đến các liên minh địa chiến lược mạnh mẽ hơn. Do vậy, theo giới quan sát, mục đích lớn hơn của việc Anh gia nhập CPTPP còn là tăng cường ảnh hưởng của Anh và phương Tây trong một khu vực chịu sự chi phối mạnh mẽ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, giảm sự phụ thuộc của các quốc gia này vào Trung Quốc-đối tác thương mại và là nhà đầu tư lớn của khu vực.
| Anh tiến gần đến CPTPP, tạo đà cho sự trở lại của Mỹ? Ngày 29/3, các nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết, các nước thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên ... |
| Quốc vụ khanh thương mại Anh thăm Việt Nam, nỗ lực thúc đẩy tiến trình gia nhập CPTPP Ngày 1/2, Quốc vụ khanh về Chính sách Thương mại của Bộ Thương mại Quốc tế Anh, ông Greg Hands, đã đến Hà Nội để ... |
| Việt Nam tham gia thảo luận về việc gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp tích cực với các nước CPTPP để sớm kết thúc việc đàm phán gia nhập Hiệp định của ... |
| Việt Nam là quốc gia hùng mạnh thứ 30 thế giới, tại sao không? Tạp chí US News & World Report (Mỹ) đánh giá, Việt Nam là quốc gia hùng mạnh thứ 30 thế giới. Điều này hoàn toàn ... |
| Anh sắp 'chạm tay' vào CPTPP? Anh sẽ hoàn tất thỏa thuận sâu rộng hơn liên quan tới CPTPP trong những tuần tới, trước khi ký kết chính thức gia nhập ... |