📞

Tại sao điện ảnh châu Âu thua Hollywood?

14:19 | 07/01/2008
Châu Âu vốn tự hào có nền điện ảnh lâu đời và biết làm phim hay hơn Hollywood. Tuy nhiên, Hollywood lại chứng minh được tài năng tiếp thị và nghệ thuật kinh doanh phim ảnh hiệu quả của mình, dù không có nhiều đạo diễn giỏi.

Chất lượng nghệ thuật châu Âu

Nói vậy không sai. Điện ảnh châu Âu đã và đang làm được những bộ phim mang chiều sâu và giá trị tư tưởng bên trong như Cuộc sống tươi đẹp, Rạp hát thiên đường (Italy), Mùi hương (Đức)…

Về tài năng đạo diễn, liệt kê danh sách các đạo diễn bậc thầy có sức sáng tạo hàng đầu trên thế giới, từ Theo Angelopoulos, Ingmar Bergman, Jean-Luc Godard, Jean-Marie Straub, cho đến Abbas Kiarostami, Manoel de Oliveira, Alexander Sokurov..., tất cả đều là người châu Âu. Ngay cả những đạo diễn nổi tiếng của Mỹ như Fritz Lang, Douglas Sirk, Billy Wilder hay Alfred Hitchcock cũng đều làm phim theo phong cách châu Âu.

Đấy là chưa kể đến dòng phim mang tư tưởng chủ nghĩa mà người Mỹ từng rất tự hào cũng bắt nguồn từ những bộ phim Đức trước đây như Hành trình tới Mặt Trăng (1902), Aelita (1924) hay Metropolis (1926). Những bộ phim ca vũ kịch mà người Mỹ làm nổi đình đám hồi thập niên 1930, 1940 cũng chỉ là “bắt chước” châu Âu. Sergei Eisenstein và Jean Renoir là hai bậc thầy châu Âu thể nghiệm thành công loại phim ca vũ kịch, đưa nhạc lên phim.

Tài năng kinh doanh Hollywood

Người Mỹ kinh doanh phim rất giỏi và tiếp thị phim cũng rất tài. 2 vế ấy luôn bổ trợ lẫn nhau, tạo nên sức mạnh Hollywood.

Tất nhiên, kỹ thuật làm phim của Hollywood là siêu phàm, nhưng thành công lại ở chỗ Hollywood có hẳn một guồng máy tiếp thị phim từ sách báo, tranh ảnh, truyền hình, phát thanh... cổ súy và quảng bá liên tục cho những phim tươi mới: tuần này “shock” cùng King Kong, nhưng tuần sau đã “vỗ tay” với Cướp biển Caribbean...

Một trong những bằng chứng rõ nhất về hiệu quả của truyền thông chính là vua hề Charles Chaplin. Mặc dù Chaplin từng thừa nhận rằng kỹ năng của ông bị ảnh hưởng khá nhiều từ Max Linder, song rõ ràng ngôi sao châu Âu này đã bị lãng quên bởi thiếu hẳn một cỗ máy truyền thông hậu thuẫn như đã từng lăng xê Chaplin.

Mặc dù bị các nhà làm phim châu Âu chỉ trích là “không biết làm phim hàm chứa những tư tưởng xuyên suốt”, song nhờ công nghệ tiếp thị tốt, danh sách “1.000 phim đáng xem nhất trước khi từ giã cõi trần” do tờ The Guardian (Anh) khảo sát, lại cho thấy đa số áp đảo thuộc về phim Mỹ.

Hơn nữa, đối với Hollywood, phim ảnh không có một công thức chung và công thức của họ, nếu đang tồn tại, cũng khác xa châu Âu về bản chất. Không nghĩ ra ý tưởng phim hấp dẫn, Hollywood sẵn sàng làm lại từ những kịch bản phim ăn khách của những nước khác, miễn là có doanh thu phòng vé cao. Điển hình là thành công của bộ phim Kẻ quá cố được làm lại từ Vô gian đạo của người Hong Kong.

Dù không biết làm phim nghệ thuật như châu Âu, song điều quan trọng là Hollywood kinh doanh rất tài và vẫn đang nắm trong tay cả một thị trường khổng lồ. Bất chấp cuộc khủng hoảng lớn nhất tại Hollywood trong vòng 20 năm qua do cuộc đình công kéo dài gần 2 tháng của các thành viên Hiệp hội Kịch tác gia Mỹ, doanh thu năm 2007 của Hollywood vẫn cứ cao ngất ngưởng: 9,7 tỷ USD, tăng 2% so với 2006 và vượt qua kỷ lục 9,45 tỷ USD của 2004. Khán giả vẫn cứ kéo nhau đến rạp xem phim ầm ầm. Theo Media By Numbers, năm 2007, đã có 1,42 tỷ vé xem phim được bán ra trên phạm vi Bắc Mỹ với giá vé tăng 4% so với năm ngoái.

Phương Vân (Theo Guardian, Cinematical)