Tổng thống Karzai tiếp Tổng thư ký LHQ - Ảnh: Reuters |
Trong số các vị khách mời quan trọng có cả tân Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden. Ông Biden dự định sẽ có bài phát biểu quan trọng về chính sách an ninh và ngoại giao. Người ta đang chờ đợi xem liệu rằng trong Hội nghị này các quan chức cao cấp Mỹ và Iran có “tiếp xúc” với nhau không? Ngay trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Obama đã cam kết thực hiện chính sách “đối thoại trực tiếp” với Iran. Tại sao, ông Obama lại quan tâm tới Iran đến như vậy? Tehran biết rõ một lý do mà nhiều người không nghĩ tới đó chính là vai trò quan trọng của Iran trong việc cứu vãn cuộc khủng hoảng tại Afghanistan. Ngày 30/1, Uỷ viên Uỷ ban Đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) Benita Ferrero-Waldner đã đề cập tới vai trò quan trọng của việc mời Iran tham gia hội nghị khu vực về Afghanistan do EU chủ trì. Trong khi đó, Liên đoàn Dân chủ Cơ đốc giáo của Đức đề xuất việc thành lập một “nhóm liên hệ” về Afghanistan bao gồm các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, EU, Pakistan và Iran. Cũng trong ngày 30/1, trong buổi họp báo đầu tiên, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố rằng Mỹ tham gia vào vòng đàm phán đa phương tiếp theo của các cường quốc với Iran về vấn đề hạt nhân tại Đức. Mỹ đang rất cần sự hợp tác của Iran cho việc thực hiện thành công chiến lược mới về Afghanistan. Chiến lược của Mỹ tại Afghanistan hiện nay đang bị bao phủ bởi bóng mây đen của sự thất bại. Các nhà phê bình đang nghi ngờ về sự cần thiết và hiệu quả của chiến lược này. Ngày 29/1, trong một bản giải trình trước quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gate thừa nhận rằng quân đội Mỹ hy vọng chỉ có thể điều thêm ba lữ đoàn với số lượng tương đương 12.000 quân tới Afghanistan từ tháng 3 đến tháng 5 tới đây. Ông Gate vẫn còn nghi ngờ về khả năng tăng thêm quân số tại Afghanistan theo yêu cầu của các vị chỉ huy. Các tư lệnh Mỹ tại Afghanistan đòi hỏi thêm khoảng 30.000 quân tại đây. Các nước châu Âu vẫn phản đối về ý tưởng tăng thêm quân tại Afghanistan của Mỹ. Theo ông Robert Hunter, cựu đại sứ Mỹ tại NATO dưới thời Tổng thống Bill Clinton, cũng chỉ có vài nước đáp lại những đề xuất mới của Washington bất chấp đó là những hành động thiện chí bất thường mà người châu Âu dành cho Obama. Nếu Mỹ tiếp tục thúc ép NATO về việc tăng cường lực lượng tại Afghanistan, chắc chắn sẽ có những phản đối của EU trước đòi hỏi của Mỹ. Mỹ cũng đang chịu áp lực tìm kiếm một giải pháp chính trị trong khi vẫn tiến hành các hành động quân sự chống lại Taliban. Đó là lý do vì sao sự hợp tác của Iran lại đặc biệt quan trọng. Không dễ dàng gì để thực hiện thành công chiến lược “vừa đấm vừa xoa” trong lúc này. Iran có thể sẽ giữ vững an ninh tại các vùng phía Tây, Bắc và miền Trung của Afghanistan trong khi đó Mỹ chỉ việc đảm bảo an ninh tại các tỉnh thuộc khu vực Nam, Đông Nam và khu vực biên giới giữa Afghanistan và Pakistan. Ít nhất thì, Iran cũng không nên làm phức tạp các hoạt động của Mỹ tại đây. Trong bản giải trình gửi quốc hội, ông Gates đã cảnh báo về việc can thiệp của Iran tại Afghanistan. Nếu Mỹ lựa chọn một người nào khác ngoài tổng thống Afghanistan Hamid Karzai và quyết định thiết lập một chính quyền mới tại Kabul, Mỹ sẽ vấp phải những khó khăn to lớn nếu không có sự nhất trí về mặt chiến thuật của Iran. Kabul vừa mới công bố ngày bầu cử tổng thống chính thức vào ngày 20/8. Ông Karzai hiện đang phải nỗ lực trong cuộc bầu cử sắp tới và ông này hiện đã bắt đầu liên hệ với những nhân vật thân Taliban trước đây để hậu thuẫn cho việc ứng cử của mình. Trong số những nhân vật này, có rất nhiều người nằm trong quỹ đạo ảnh hưởng của Iran. Tehran cần phải cân nhắc thận trọng về lợi ích có được khi mà Karzai có còn lãnh đạo Afghanistan hay không. Tehran cũng hậu thuẫn cho một Tổng thống Karzai độc lập, người mà luôn đòi hỏi cho chủ quyền của Afghanistan và chống lại mệnh lệnh của Mỹ. Tổng thống Karzai ngày càng trở nên quyết đoán hơn. Hiện nay, ông cũng đang đề nghị một Hiệp định về Quy chế Lực lượng (SOFA) của Afghanistan với Mỹ giống như là thoả thuận cho phép quân đội Mỹ có mặt tại Iraq đến hết năm 2011. Hiệp định này sẽ cho phép Kabul có tiếng nói quyết định trong các vấn đề quan trọng như vị trí đóng quân của quân đội Mỹ và cách thức hoạt động của quân đội Mỹ tại Afghanistan. Tổng thống Karzai hiện nay công khai tìm kiếm sự trợ giúp từ quân đội Nga. Bộ trưởng Ngoại giao của Afghanistan Rangin Dadfar Spanta cho biết: “Quân nhân Afghanistan, đặc biệt là phi công, rất quen thuộc với công nghệ của Nga. Một số máy bay trực thăng của Nga đang hoạt động rất tốt tại khu vực miền núi của Afghanistan. Do đó, nếu Nga giúp chúng tôi trong các khu vực này, chúng tôi sẽ không từ chối”. Người Mỹ sẽ không tìm được lời giải cho bài toán Afghanistan nếu như trục liên kết giữa Tehran và Islamabad được hình thành mặc dù hiện tại điều này vẫn chưa diễn ra. Nhưng trong vũng lầy của nền chính trị Afghanistan, mọi thứ đều có thể thay đổi rất nhanh. Chính vì vậy, nếu Phó Tổng thống Mỹ Biden có thể bắt tay một quan chức Iran với tinh thần thiện chí trong cuộc họp tới đây tại Munich, ông sẽ không bỏ lỡ cơ hội làm như vậy.
Theo VnMedia