Nairobi, Thủ đô của Kenya. |
"Khi tôi tới Lagos (thành phố lớn nhất của Nigeria), khi tôi đi tới Nairobi (Thủ đô của Kenya), tôi thấy nhiều người châu Phi được giáo dục tốt và có nhiều kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài đã trở về bởi vì họ nhận thấy những tiềm năng to lớn của đất nước…", Donald Elefson - người quản lý danh mục đầu tư của Quỹ thị trường mới nổi Harding Loevner kể.
Các tập đoàn nước ngoài cũng nhanh chóng nhận ra cơ hội kiếm tiền ở thị trường mới nổi này. Tập đoàn Tata của Ấn Độ mới đây đã đổ thêm 1 tỷ vốn đầu tư vào các dự án sản xuất xe buýt tại Kenya, Zambia và Algeria. Tập đoàn viễn thông Ấn Độ Barthi Telecom cũng vừa mua lại mạng di động của hãng Zayn (Qatar) tại 17 nước châu Phi. Tập đoàn WEG của Brazil đang đẩy mạnh việc bán thiết bị điện ở 20 nước châu Phi, trong khi các hãng khác như Odebrecth thực hiện các công trình xây dựng ở Namibia, Angola và xây dựng hạ tầng ngành mỏ, đường sắt, văn phòng và siêu thị ở Mozambique…
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), năm 2008, lần đầu tiên trong lịch sử, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào châu Phi đã vượt qua số tiền viện trợ gần 8 tỉ USD. Hiện đầu tư trực tiếp nước ngoài ở châu Phi hơn 68 tỉ USD/năm, nhờ sự hấp dẫn từ tỉ lệ lạm phát giảm, đô thị hóa, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin. Số người sử dụng Internet tại châu Phi sẽ tăng gấp đôi vào năm 2015 và thị trường điện thoại di động đã bùng nổ từ 10 năm qua. Còn theo Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, các nước châu Phi cận Sahara là khu vực tăng trưởng nhanh thứ ba trên thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ, do nhu cầu tiêu dùng tăng, chính sách kinh tế hợp lý và tình hình chính trị được cải thiện. Sự tăng trưởng nhanh chóng ở châu Phi còn nhờ các chính phủ như Nigeria đã củng cố hệ thống luật và tư hữu hóa các doanh nghiệp nhà nước, báo cáo của Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey cho biết. Trong giai đoạn 1999-2006, Nigeria đã tư hữu hóa 116 công ty và GDP của nước này tăng trưởng 6% trong năm 2009.
Thực tế, các chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp ở châu Phi đang có nhiều hành động để xây dựng lại hình ảnh quốc tế của châu Phi từ một lục địa nghèo đói thành một lục địa có uy thế về kinh tế. Tại một diễn đàn toàn cầu về vận mệnh của châu Phi, các nhà lãnh đạo của khu vực đã thảo luận về tầm nhìn châu Phi như là một cường quốc kinh tế toàn cầu chứ không phải là nơi nhận viện trợ nước ngoài. "Chúng ta cần loại bỏ ý nghĩ rằng nói đến châu Phi là viện trợ, là y tế. Người châu Âu và người Mỹ cần bắt đầu thay đổi quan điểm của họ", Maria Ramos, Giám đốc điều hành của Ngân hàng Nam Phi (ABSA), nói. "Chúng ta cần phải mở toang cánh cửa giá trị kinh tế và khả năng kinh doanh ở châu Phi". Còn Chris Kirubi, một nhà công nghiệp giàu có của Kenya thì kêu gọi: "Hãy đến châu Phi và đầu tư". Kirubi đã mất khoảng 30-40% các khoản đầu tư của mình ở Hy Lạp trong những tháng gần đây, trong khi số tiền ông kiếm được ở Đông Phi tiếp tục tăng gấp đôi mỗi năm.
Bảo Hân