Cuộc chiến khốc liệt mới chỉ bắt đầu
Với sự “đổ bộ” của hàng loạt các thương hiệu bán lẻ lớn trên thế giới như Berli Jucker Plc, Emart, Central Group, Lotte Mart, Aeon, Cirle K, Zara và gần đây nhất là Miniso, thị trường bán lẻ Việt Nam đang là “chiếc bánh” đầy hấp dẫn với các nhà đầu tư.
Có thể kể tới những thương vụ mua bán sáp nhập đình đám như: Berli Jucker Plc (BJC) thâu tóm Metro Cash & Carry Vietnam với giá 655 triệu Euro vào cuối năm 2014. Năm 2015, Central Group thâu tóm Nguyễn Kim - một trong những nhà bán lẻ điện tử hàng đầu Việt Nam và tiếp theo là BigC vừa qua.
Tháng 10/2015, Emart - nhà bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc cũng đã chính thức bước chân vào Việt Nam khi ra mắt Khu trung tâm mua sắm trị giá 60 triệu USD tại TP. Hồ Chí Minh. Lotte Mart cũng đã kịp thời khẳng định vị trí của mình tại Việt Nam với 11 siêu thị và đang lên kế hoạch gia tăng thị phần với 60 cửa hàng vào năm 2020.
Aeon mall tại TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: Aeonmall) |
Sự “xâm lấn” và thành công của Aeon tại Việt Nam với 4 trung tâm thương mại tính đến tháng 9/2016 cũng làm gia tăng thêm sức cạnh tranh trong thị trường này. Nhà bán lẻ đến từ Nhật Bản cũng có tham vọng mở cửa 20 trung tâm thương mại vào năm 2020.
Việc Takashimaya, một trong những nhà bán lẻ lớn nhất Nhật Bản có mặt tại Trung tâm Thương mại Saigon Centre vào tháng 7/2016 lại càng khẳng định thêm sức hấp dẫn của “miếng bánh” bán lẻ Việt Nam là vô cùng lớn.
Cũng cần kể đến sự có mặt của các chuỗi siêu thị như Simply Mart, Circle K hay gần đây nhất là Miniso vào thị trường hơn 90 triệu dân. Các nhà bán lẻ này tỏ ra khá tham vọng khi đặt mục tiêu “bành trướng” đáng kể như: Simply Mart sẽ mở 20 siêu thị đến 2020 hay Miniso sẽ sở hữu 200 cửa hàng trong vòng 5 năm tới.
Chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất thế giới 7-Eleven cũng đã chính thức lên tiếng sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2018.
Sự “xâm chiếm” dồn dập
Bà Trang Bùi. (Ảnh: nhân vật cung cấp) |
Theo bà Trang Bùi, Giám đốc Bộ phận cho thuê, Công ty JLL Việt Nam - một công ty nghiên cứu về thị trường bất động sản trong đó có mảng thị trường bán lẻ, yếu tố nhân khẩu học trẻ là nguyên nhân chính dẫn tới sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam.
Dân số hơn 90 triệu người, trong đó, 70% có độ tuổi từ 15 - 64 là yếu tố chính khiến Việt Nam thu hút các nhà bán lẻ ngoại. Dự báo, giai đoạn 2015 - 2020, dân số đô thị Việt Nam tăng 2,6%/năm, đây là mức tăng cao nhất so với các đô thị khác trong khu vực.
Trả lời phỏng vấn báo TG&VN về vấn đề này, bà Dương Thanh Tâm, CEO Miniso Việt Nam cho biết, Miniso đánh giá thị trường bán lẻ Việt Nam là 1 trong 3 thị trường tiềm năng nhất châu Á. Việt Nam là đất nước có dân số trẻ và thu nhập của người dân ngày càng tăng. Do đó, nhu cầu được tiếp nhận những sản phẩm và dịch vụ mới nhằm nâng cao chất lượng sống cũng tăng theo. “Tất cả những điều đó đã tạo ra một thị trường tiêu dùng hết sức sôi động và đầy tiềm năng”, bà Thanh Tâm nói.
Bên cạnh đó, sự gia tăng tầng lớp trung và thượng lưu cũng là một yếu tố khiến thị trường bán lẻ Việt Nam có sức hút đến thế. Thu nhập tăng, tốc độ đô thị hóa và mức sống ngày càng cao đã làm cho Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế mới nổi năng động nhất khu vực Đông Nam Á.
Theo bà Trang Bùi, một nghiên cứu mới đây của Boston Consulting Group cho thấy, tầng lớp trung và thượng lưu tại Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á và con số này sẽ tăng từ 12 triệu người năm 2014 lên 30 triệu người năm 2020. “Người tiêu dùng thuộc tầng lớp này với thu nhập trên 15 triệu đồng/tháng chính là những khách hàng tiềm năng cho các nhà bán lẻ”, bà Trang Bùi nhấn mạnh.
Có cùng quan điểm trên, trả lời báo TG&VN, TS. Kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, thị trường bán lẻ Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư bởi quy mô thị trường ngày càng tăng. “Sự gia tăng về quy mô dân số và thu nhập của người dân được cải thiện, kéo theo mức độ “chịu chơi” của người dân cũng tăng cao”, TS. Phong nói.
TS. Kinh tế Nguyễn Minh Phong. (Ảnh: nhân vật cung cấp) |
Ngoài ra, TS. Phong còn nhắc tới những nguyên nhân khác như: Việt Nam hiện còn đang thiếu nhiều hình thức bán hàng hiện đại, văn minh; dịch vụ hậu mãi, khuyến mại chưa tốt... “Doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài với thế mạnh về quản lý chuỗi, công nghệ, dịch vụ sẽ rất có lợi thế khi vào thị trường Việt Nam”, TS. Nguyễn Minh Phong nhận định.
Một yếu tố quan trọng nữa không thể không kể đến đó là sự tác động của công nghệ số. Mười năm qua, thương mại điện tử tại Việt Nam có sự bùng nổ nhờ vào sự gia tăng số lượng người tiêu dùng sử dụng internet.
Việc lên ngôi nhanh chóng của các thiết bị kết nối internet, đặc biệt là điện thoại thông minh và máy tính bảng là các yếu tố đặc biệt quan trọng với xu hướng chuyển dịch nhu cầu tiêu thụ hàng hóa qua mạng.
“Số lượng người sở hữu thẻ tín dụng gia tăng cũng là yếu tố làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng khi mà họ sẵn sàng xuống tiền mua nhiều hàng hóa hơn khi có thẻ trong tay và ít dè dặt hơn trước đây”, chuyên gia của JLL Việt Nam nhận định.
Nhìn chung, “cơn lốc” thâm nhập của các nhà bán lẻ ngoại vào Việt Nam gần đây làm cho thị trường bán lẻ trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn. “Miếng bánh” bán lẻ sẽ là một cuộc chiến và chỉ có những nhà bán lẻ có chiến lược đúng đắn, đáp ứng được nhu cầu thị trường thì sẽ giành được thị phần trong “miếng bánh” này”, bà Trang Bùi khẳng định.
Doanh nghiệp Việt nên làm gì? Bà Dương Thanh Tâm, CEO Miniso Việt Nam: Người dân Việt Nam xưa nay vốn quen mua sắm ở chợ truyền thống, các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ. Xét ở góc độ nào đó, với đa số, như thế đã là tiện lợi. Vì vậy, thách thức lớn nhất mà các hãng bán lẻ cần vượt qua là thay đổi thói quen và hành vi mua sắm này của người dân. TS. Nguyễn Minh Phong: Doanh nghiệp bán lẻ trong nước nên hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật kinh doanh; Cải thiện các dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng và uy tín, xây dựng thương hiệu và phát triển dịch vụ hậu mãi; Tăng quảng cáo và thông tin về dịch vụ của mình trong so sánh với đối thủ và quốc tế; Tăng nghiên cứu thị trường và đáp ứng nhanh, tốt nhất các nhu cầu thị trường; tăng liên kết doanh nghiệp và thương hiệu Việt với nhau... |