📞

Tái tạo đô thị và phát triển bền vững

17:07 | 18/11/2023
Ngày 18/11, Diễn đàn Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội với chủ đề “Tái tạo đô thị và phát triển bền vững” đã diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà tặng quà lưu niệm cho đại diện các thành phố Sáng tạo tham gia diễn đàn. (Nguồn: TTXVN)

Sự kiện do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc UN-Habitat tổ chức. Tham gia có hơn 100 đại biểu Việt Nam và hơn 20 đại biểu nước ngoài là các thành phố thành viên của Mạng lưới tại ASEAN và các thành phố có sự trao đổi, hợp tác, hỗ trợ Hà Nội tích cực trong khu vực châu Á.

Văn hóa và sáng tạo hướng tới phát triển bền vững

Với chủ đề “Tái tạo đô thị và phát triển bền vững”, Diễn đàn đã làm rõ tầm quan trọng của lĩnh vực văn hóa và sáng tạo đối với sự phát triển đô thị và chất lượng cuộc sống của người dân tại các quốc gia thành viên ASEAN.

Đây cũng là buổi đối thoại về giải pháp Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo khu vực ASEAN+3 có thể tận dụng nguồn lực văn hóa và sáng tạo trong bối cảnh các thành phố đang phải đối mặt với nhiều vấn đề đô thị do tốc độ đô thị hóa nhanh và biến đổi khí hậu.

Thông qua các hợp tác cấp độ địa phương và quốc tế, các thành phố trong Mạng lưới khu vực ASEAN có thể tranh thủ các nguồn lực này để cùng phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với với các vấn đề cấp thiết của đô thị.

Tại Diễn đàn, thành phố Hà Nội đã chia sẻ về định hướng phát triển mới của địa phương, các tiềm năng, cơ hội hợp tác trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo. Việc gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO là bước tiến thuận lợi cho Thủ đô trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa, gia nhập nhóm các thành phố toàn cầu đang phát triển theo hướng đổi mới, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết: Sau gần 4 năm thực hiện các sáng kiến để thúc đẩy thiết kế trong các chương trình phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội, mặc dù trải qua những khó khăn do Covid-19 và đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình đô thị hóa nhưng Hà Nội đã thực hiện được đầy đủ các nội dung, sáng kiến và cam kết với UNESCO khi ứng cử gia nhập Mạng lưới.

Đó là, tổ chức được các hội thảo, tọa đàm quốc tế tham vấn phát triển Thành phố Sáng tạo; hình thành mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ; củng cố mạng lưới các không gian sáng tạo; tổ chức Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội hàng năm... Hà Nội đang có nhiều dư địa cho hoạt động sáng tạo và đang từng bước khai thác biến tiềm năng thành lợi thế.

Đề cao lĩnh vực sáng tạo thiết kế trong phát triển đô thị, đồng thời làm cho cuộc sống của người dân tốt hơn, ông Yee Yeong Chong, Phó Giám đốc cấp cao tại Trung tâm Thiết kế Sáng tạo Singapore chia sẻ, Hội đồng thiết kế Singapore là cơ quan quốc gia mang sứ mệnh thúc đẩy hoạt động thiết kế, biến Singapore trở thành thành phố có cuộc sống tốt hơn. Hơn 20 năm, các hoạt động của Hội đồng đã chứng minh hiệu quả của ngành thiết kế trong tái thiết đô thị.

Hiện nay, Singapore đang phát triển hệ sinh thái thiết kế, nuôi dưỡng tài năng, phát triển thương hiệu. “Hoạt động thiết kế có tác động đến nhiều lĩnh vực khác nhau để phát triển đô thị bền vững. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn tổ chức được nhiều sự kiện để kích hoạt các hoạt động thiết kế” - ông Yee Yeong Chong bày tỏ.

Nhiều sáng kiến tái tạo đô thị và phát triển bền vững

Tại Diễn đàn, các đại biểu đến từ ASEAN và một số quốc gia châu Á đã chia sẻ những sáng kiến khi trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO nhằm khai thác nguồn lực quốc gia cho hoạt động sáng tạo, phát triển đô thị.

Ông Kenji Kondo, Quản lý cấp cao, Trung tâm Thiết kế và Sáng tạo Kobe (Nhật Bản) cho rằng, chính quyền thành phố Kobe đang hướng tới xây dựng Kobe là thành phố nơi mọi người muốn sống, không chỉ là người dân bản địa mà chào đón tất cả người dân nơi khác. Kobe thực hiện ba chính sách biến thành phố thành Thành phố Sáng tạo.

Đó là: Tạo cảnh quan đô thị hấp dẫn giàu bản sắc, xây dựng cộng đồng thân thiện, lấy con người là trung tâm; trong đó yếu tố xây dựng thành phố thân thiện rất quan trọng để khách du lịch đến tham quan cũng coi như nhà của mình; từ đó đặt ra nhiệm vụ cho lĩnh vực thiết kế sáng tạo cần tạo ra những thiết kế để mọi người cảm nhận được. Cảnh quan thành phố phải đặc thù, khai thác yếu tố sẵn có từ địa thế dựa núi trông ra biển và kiến trúc các tòa nhà phải toát lên tinh thần của thành phố.

Bà Tipsukon Choungthong, đại diện cho thành phố Bangkok (Thái Lan) cho hay, Bangkok có nhiều hệ lụy trong phát triển đô thị như: tắc nghẽn giao thông, hạn chế không gian công cộng, chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, thành phố coi việc tái tạo đô thị thông qua hoạt động sáng tạo là giải pháp phát triển bền vững để chuyển mình tạo môi trường sống tốt hơn.

Để thực hiện được điều đó, Bangkok thực hiện 5 giải pháp gồm: Đầu tư vào hạ tầng xanh, có những tuyến phố, vỉa hè xanh; phát triển hệ thống giao thông vận tải, trong đó tập trung vào vận tải thủy nội địa; phát triển thành phố bình đẳng, hòa nhập xã hội và có nhiều không gian công cộng; xây dựng thành phố có khả năng chống chịu ở bất kỳ thời điểm nào; phối kết hợp với nhiều thành phố khác để tự mình phát triển vượt ra ngoài khuôn khổ các nguồn lực riêng. Hiện nay, Bangkok cũng khuyến khích tạo ra giá trị dựa trên các nguồn lực sẵn có, tạo ra các quận sáng tạo, không gian sáng tạo trong thành phố.

Các đại biểu đã trao đổi về chuyên môn và các cơ hội hợp tác cấp thành phố hướng tới sự phát triển bền vững của khu vực; giới thiệu về tổng quan Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO trong mục tiêu xây dựng văn hóa và sáng tạo hướng tới phát triển bền vững.

Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho rằng, không chỉ đưa ra mục tiêu, UNESCO còn thúc đẩy hoạt động chia sẻ giữa các thành viên trong Mạng lưới để biến thành phố thành môi trường sống tốt cho mọi thành viên trong đô thị. UNESCO kỳ vọng, những đóng góp của thành viên Mạng lưới sẽ mở rộng hơn nữa theo hướng đóng góp cho toàn cầu. Các thành phố sẽ triển khai những sáng kiến khác nhau, chia sẻ với thành viên khác trong Mạng lưới, huy động các nguồn lực công - tư, kết nối các chuyên gia, nhà sáng tạo từ cấp độ địa phương đến quốc tế.

Diễn đàn Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội nhằm tạo không gian giao lưu, học hỏi giữa các quốc gia thành viên ASEAN về nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa. Diễn đàn cũng khuyến khích các thành phố trong ASEAN trở thành thành viên của Mạng lưới. Sự kiện được tổ chức đã đánh dấu vào kết quả thực hiện và nỗ lực hành động của thành phố Hà Nội từ khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO từ cuối năm 2019 đến nay.

(theo TTXVN)