Nhỏ Bình thường Lớn

Tái thiết Libya: Công lý và khoan dung

Các cửa hiệu đã mở cửa trở lại, người dân địa phương lại đến nhà thờ cầu nguyện, Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) đã chuyển về Thủ đô Tripoli để bắt đầu tiến trình thành lập chính phủ tương lai của Libya. Hiện đã có gần 80 nước và tổ chức quốc tế công nhận phe nổi dậy tại Libya là lực lượng cầm quyền hợp pháp của nước này.
Lãnh đạo một số quốc gia đã nhất trí gỡ bỏ phong tỏa khối tài sản trị giá hơn10 tỷ euro cho Libya.

Có vẻ như cuộc sống mới đang mở ra với một đất nước Libya mới "hậu Gaddafi". Nhưng người ta không hoàn toàn cảm thấy lạc quan về tương lai tái thiết và phát triển của đất nước Bắc Phi này. Chưa tìm được tung tích của nhà lãnh đạo Gaddafi, không thuyết phục được các phần tử ủng hộ ông Gaddafi tại Sirte đầu hàng, nhiệm vụ tái thiết Libya thời hậu chiến với phe nổi dậy còn khó hơn cả việc bắt đầu từ số không.

Những bất an có lẽ bắt nguồn từ sự chia rẽ sâu sắc giữa những người miền Đông và miền Tây, người bộ lạc và người thành phố, dân thường và binh lính; từ sự thiếu tin tưởng vào những người đóng vai trò lãnh đạo đất nước hiện tại thuộc NTC; từ sự bất ổn về an ninh cũng như từ toan tính của các nước bên ngoài với nguồn lợi dầu mỏ của nước này.

Cho dù nhà lãnh đạo Gaddafi đang lẩn trốn, nhưng bản thân phát ngôn viên quân sự của chiến dịch không kích của NATO ở Libya, Đại tá Roland Lavoie, phải thừa nhận: "Ông ta (Gaddafi) vẫn còn khả năng điều hành và kiểm soát ở một mức độ nào đó". Cụ thể, binh lính trung thành của ông Gaddafi dù rút lui nhưng vẫn rất trật tự, không bị xáo trộn trong việc chuyển sang vị trí thích hợp khác để có thể tiếp tục chiến đấu từ đó "bảo toàn được khả năng gây rối" cho đối phương. Hơn nữa, Gaddafi vẫn còn nguồn tài chính tiềm tàng, đó là các kho vàng và tiền cất giấu ở miền Nam, với hàng trăm triệu USD, để có thể "mua" được liên minh và bảo đảm thu phục được các bộ tộc cũng như nhiều thành phần xã hội khác ủng hộ.

Libya không nghèo và có thể tự tái thiết từ nguồn tài sản bị phong tỏa cũng như doanh thu từ sản xuất dầu mỏ. Tiềm năng dầu mỏ của Libya là gần 44 tỉ thùng, từng đạt mức khai thác cao nhất vào những năm 1970 với công suất 3 triệu thùng/ngày. Con số đó giảm một nửa trong những năm Libya bị cấm vận và từ hồi tháng 2, khi nổ ra cuộc chiến, sản xuất dầu mỏ của Libya đã xuống thấp nhất với chỉ 60.000 thùng/ngày. Thế nhưng khôi phục hoạt động sản xuất dầu mỏ về mức trước chiến tranh cần rất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, dù được đông đảo các nước công nhận nhưng NTC chưa hội đủ yếu tố cần thiết để giành sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế cũng như công chúng Libya. Lực lượng nổi dậy có thể đến từ nhiều tổ chức và đa nguyên, thậm chí còn mâu thuẫn về đường lối chính trị... thì câu hỏi đặt ra là làm thế nào để họ thống nhất được và chung tay xây dựng đất nước Libya thời hậu chiến.

Nhiều thành viên NTC thực ra là quan chức của chế độ cũ, từng phục vụ cho chính quyền Gaddafi thế nên khẳng định rằng chỉ có Gaddafi là người chịu trách nhiệm chính về những tội ác của chế độ cũ thì xem ra có vẻ quá “thiếu sót”. Đấy là chưa kể không ít hoài nghi, đặc biệt từ thế giới Ảrập, về việc NTC chỉ là công cụ cho phương Tây đưa quân đội nước ngoài tới chiếm đóng Libya.

Hiện tại khi đất nước vẫn chưa im tiếng súng, cảm giác thù hận sẽ rất lớn sau khi 42 năm độc tài của Gaddafi kết thúc. Trong 6 tháng giao tranh vừa qua, báo cáo về thảm sát cả hai bên diễn ra thường xuyên. Ông Gaddafi vẫn còn nằm ngoài vùng kiềm tỏa, nhưng những người ủng hộ ông có thể tiếp tục chiến đấu - và gây sự trả đũa từ phe đối lập. Sự hòa giải quốc gia cũng là điều cần thiết để nhanh chóng ngăn chặn Al Qaeda và các phần tử của tổ chức này tại Libya kích động bạo lực.

Thuyết phục những người trung thành với Gaddafi ở Sirte cũng như thu phục lòng dân với NTC sẽ không hề dễ dàng. Chính phủ mới phải bảo đảm sẽ thực hiện công lý cùng với sự khoan dung. Một thủ lĩnh Hồi giáo từng bị chính quyền Gaddafi bắt giam tuần trước đã kêu gọi hàng nghìn tín đồ Hồi giáo tha thứ và tuân thủ luật pháp, không tiến hành các cuộc trả thù. Hy vọng đông đảo người dân Libya nhanh chóng nghe theo lời kêu gọi này.

Minh Khôi