Lấy chủ đề “Tầm nhìn mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới”, VRDF 2018 là sự tiếp nối và kế thừa Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) trước đây. Trải qua 3 lần đổi tên, từ CG đến VDF rồi VRPF, dù tính chất các hội nghị có khác nhau nhưng mối quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác phát triển đã không ngừng được nâng tầm. Từ vị trí những nhà tài trợ, rồi trở thành đối tác phát triển và giờ là các đối tác đồng hành trong quá trình cải cách của Việt Nam.
Nội dung chính của VRDF 2018 vì thế cũng mang tính bao trùm hơn, tập trung làm rõ những động lực mới trong tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam lần thứ nhất, ngày 5/11. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Tài nguyên thiên nhiên - trên thực tế đang dần cạn kiệt và nguồn lao động giá rẻ chắc chắn không thể tiếp tục là động lực cho tăng trưởng kinh tế. Bởi thế, theo các chuyên gia kinh tế, có 4 động lực quan trọng cần được nhắc tới. Đó là phát triển khu vực tư nhân, năng lực đổi mới sáng tạo, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và thể chế hiện đại, hiệu quả. Và đây cũng chính là những nội dung được tập trung thảo luận tại VRDP.
Đón đầu cơ hội
Câu hỏi Việt Nam cần làm gì để có thể "cất cánh" dựa trên nền tảng công nghiệp 4.0 được phân tích và thảo luận sôi nổi trong phiên “Động lực tăng trưởng mới: Đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghiệp 4.0”.
Khẳng định thúc đẩy năng lực sáng tạo và ứng dụng công nghệ 4.0 là một trong 2 động lực quan trọng của Việt Nam trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là cơ hội để Việt Nam tăng năng suất lao động, cải thiện năng lực cạnh tranh, và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo.
“Không khí khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam chưa bao giờ phát triển mạnh mẽ, rộng khắp như hiện nay. Và cũng chưa bao giờ có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công như bây giờ. Tôi khẳng định đây không phải là một phong trào, mà đó là một tinh thần và một quyết tâm. Người dân, doanh nhân, dưới sự hỗ trợ và hợp tác của các đối tác phát triển, cùng song hành với Chính phủ để đưa kinh tế Việt Nam đột phá, bắt kịp và cùng tiến với các nước phát triển”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Đặc biệt đánh giá cao năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam nhưng TS. Huỳnh Thế Du, (Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright) cho rằng, khoảng cách với thế giới vẫn còn rất lớn.
Các đại biểu nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2018. (Nguồn: VGP) |
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Để “giảm bớt chấn thương” trong bối cảnh cuộc chiến thương mại hiện nay, Việt Nam cần tập trung vào 3 vấn đề. Thứ nhất, gia tăng nội lực bản thân trong khi hết sức tích cực tranh thủ nguồn lực thế giới. Thứ hai, tiếp tục phấn đấu cho một thế giới tự do hóa thương mại là chủ yếu. Thứ ba, thích nghi với thay đổi. Đất nước đang bước vào thời kỳ mới. Các cuộc cách mạng công nghiệp trước đều tạo ra mô hình phát triển mới, thì trong cuộc cuộc cách mạng này, Việt Nam cũng sẽ phải chọn lựa một mô hình thích hợp, trong đó nhân tố quyết định là chất lượng nguồn nhân lực. |
Để bước lên một nấc thang mới về đổi mới sáng tạo, ông Huỳnh Thế Du khuyến nghị, cần cải cách toàn diện hệ thống giáo dục, đặc biệt là cần tập trung vào khía cạnh về nhu cầu, môi trường và văn hóa kinh doanh. “Điều quan trọng là làm sao tạo được môi trường thuận lợi, tức làm sao người thổi sáo hay nhất có được cây sáo tốt nhất. Có nghĩa là Việt Nam phải là nơi nuôi dưỡng tài năng, nơi khuyến khích tài năng, thì khi đó mới có thể bước lên nấc thang lớn hơn về đổi mới sáng tạo”, ông Du nhấn mạnh.
Bài học thành công của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Ku Leuven trong việc phát huy đổi mới sáng tạo thông qua hợp tác giữa các ngành và trường đại học cũng được ông Paul Van Dun – Tổng giám đốc Trung tâm chia sẻ với Chính phủ Việt Nam. Ông Paul Van Dun cho rằng, với vai trò là trung tâm nghiên cứu và giáo dục, các trường đại học cần phải là những cái nôi “ươm mầm” ý tưởng đổi mới sáng tạo. Theo đó, những nghiên cứu của các trường đại học được đưa ra ứng dụng trong thực tiễn xã hội phải là những ý tưởng hay nhất, khả thi nhất, mang hàm lượng trí tuệ cao nhất.
Kinh tế tư nhân: Đòn bẩy quan trọng
Trong tất cả các nền kinh tế, không phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế của quốc gia, kinh tế tư nhân luôn tồn tại. Sự khác biệt chỉ là vị trí, vai trò của khu vực tư nhân trong nền kinh tế. Ở Việt Nam, sự yếu kém của khu vực tư nhân vẫn luôn là điểm nghẽn lớn của nền kinh tế.
Bình luận về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế, ông Rich Mc Clellan, Công ty tư vấn toàn cầu McKinsey dẫn lại những con số “đáng suy ngẫm”: “Ở Việt Nam, khu vực kinh tế tư nhân chính thức chiếm ít hơn 10% GDP, trong khi khu vực tư nhân phi chính thức chiếm 1/3 GDP, đưa tổng con số đóng góp của khu vực tư nhân trong GDP lên 42%”. Trong khi đó, theo ông Rich Mc Clella, các nền kinh tế phát triển, kinh tế tư nhân thường chiếm tới 80-90% GDP.
Với con số còn khá khiêm tốn, ông Rich Mc Clellan nhận định, Việt Nam sẽ bỏ qua cơ hội lớn nếu không thúc đẩy hơn nữa đóng góp của khu vực này vào tăng trưởng và phát triển kinh tế. Và điều quan trọng là phải tiếp tục phát triển khu vực tư nhân trong nước, làm sao để thúc đẩy sự chuyển dịch của khu vực phi chính thức thành chính thức, tiếp tục cải cách doanh nghiệp Nhà nước và tăng cường hệ sinh thái xung quanh các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI).
Còn ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam lại nhìn nhận những cơ hội của Việt Nam từ việc khai thác nguồn lực đầu tư tư nhân.
“Đứng trước khó khăn về ngân sách, việc giải phóng nguồn đầu tư tư nhân có thể có ý nghĩa to lớn trong đáp ứng nhu cầu đầu tư cao của Việt Nam và một khuôn khổ hợp tác công-tư vững chắc có thể giúp giải quyết vấn đề này. Việc cải cách cơ cấu mạnh mẽ các lĩnh vực trong đó có cơ sở hạ tầng quan trọng như sản xuất điện, có thể giúp thiết lập thị trường cạnh tranh cho dịch vụ cơ sở hạ tầng và thu hút nguồn đầu tư tư nhân”, ông nói.
Quyết tâm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi đến các đối tác phát triển tại VRDF 2018 khi đưa mục tiêu này trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam. Thủ tướng cho biết, đây chính là đòn bẩy quan trọng, tạo sức cạnh tranh, sự linh hoạt cho nền kinh tế trong điều kiện môi kinh tế quốc tế và khoa học công nghệ nhiều biến động.
Nhắc đến mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp, chủ yếu là trong khu vực tư nhân vào năm 2020 nhưng người đứng đầu Chính phủ khẳng định “trong điều kiện hiện tại để Việt Nam có được khu vực tư nhân ‘khỏe’ và ‘mạnh’ không phải ở số lượng doanh nghiệp nhiều mà là ở tiềm lực, sức cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh”.
Tại VRDF, thông điệp về một Chính phủ kiến tạo với khởi nghiệp là một trong những thước đo thành công cũng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi gắm tới các đối tác đang đồng hành cùng Việt Nam: “Hiện nay, chúng tôi đang hun đúc tinh thần khởi nghiệp không sợ hãi trong giới trẻ và mong muốn các đối tác phát triển hãy cùng đồng hành với các bạn trẻ chúng tôi trên bước đường khởi nghiệp và cùng ghi dấu ấn thành công”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Câu hỏi lớn đặt ra hiện nay là làm thế nào để tận dụng triệt để được mọi cơ hội, nhất là cơ hội từ cuộc CMCN 4.0, vượt qua được các khó khăn, thách thức, làm rõ các động lực tăng trưởng mới với tầm nhìn phát triển trong kỷ nguyên mới gắn liền với tư duy đổi mới, cải cách để tìm ra phương án tốt nhất cho bài toán tăng trưởng và phát triển của Việt Nam. Đồng thời, hướng tới tăng trưởng bứt phá, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở tận dụng thành tựu khoa học công nghệ của nhân loại, đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại, có nền kinh tế thị trường tiên tiến, phát triển bền vững lấy mục tiêu phát triển con người là trọng tâm, đảm bảo thực hiện các mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. |