Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), qua theo dõi tình hình SXH tại một số tỉnh, thành phố cho thấy số ca mắc đã giảm và dịch đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, ngành y tế cũng như các bộ, ngành liên quan và người dân không chủ quan với dịch bệnh mà cần tiếp tục triển khai các biện pháp quyết liệt hơn nữa trong phòng, chống bệnh.
Bên cạnh đó, ngành y tế cần tích cực tuyên truyền để người dân tiếp tục diệt bọ gậy.
Sốt xuất huyết tạm thời đã được khống chế tuy nhiên vẫn cần phải chú trọng công tác phòng, chống dịch. (Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn) |
Năm 2017, tình hình SXH diễn biến phức tạp hơn so với những năm trước là do nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn tại Hà Nội (địa phương đứng thứ 3 trong cả nước, sau TPHCM và tỉnh Bình Dương về số ca mắc SXH), nguyên nhân khiến số ca mắc SXH tăng cao thời gian qua là do sau nhiều năm không có dịch nên hệ thống miễn dịch trong cộng đồng bị suy giảm; do biến đổi khí hậu, mưa nhiều, nắng sớm. Vấn đề đô thị hóa và những thói quen của người dân trong sinh hoạt hằng ngày như không nằm màn, đặc biệt là các khu lán trại, công trường xây dựng… cũng khiến cho bệnh SXH tăng cao.
Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã có nhiều biện pháp quyết liệt trong việc ngăn chặn dịch SXH, đặc biệt ở Hà Nội. Khi dịch bắt đầu gia tăng tại Hà Nội, Bộ Y tế đã chỉ đạo các vụ, cục liên quan cùng với Thành ủy Hà Nội xây dựng chiến lược phòng, chống SXH đúng hướng. Hà Nội cũng đã triển khai đồng bộ hoạt động tìm và diệt ổ bọ gậy toàn địa bàn, nhờ vậy, thời gian gần đây tình hình dịch SXH giảm nhiều.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết nhờ khoanh vùng xử lý kịp thời, nên từ đầu năm đến nay, trong tổng số 984 ổ dịch SXH được ghi nhận, thì đến thời điểm hiện tại có 789 ổ dịch được khống chế. Các ổ dịch hiện nay hầu hết là nhỏ.
Tính số mắc trên 100.000 dân thì Hà Nội là 57,2 trường hợp/100.000 dân, đứng thứ 19 cả nước… nhưng nhờ phát hiện và điều trị sớm, nên hiện nay hầu hết số bệnh nhân mắc SXH đã được điều trị khỏi và ra viện, chỉ còn khoảng 700 trường hợp (chiếm 10%) đang điều trị tại các bệnh viện.
Bệnh nhân SXH xuất hiện tại 30/30 quận, huyện, thị xã, 411 xã, phường, thị trấn (chiếm 70% số xã, phường), song hiện tại chỉ còn 236 xã, phường, thị trấn (chiếm 40,4%) có bệnh nhân mắc mới trong 1 tuần gần đây.
Mặc dù dịch SXH đã tạm thời được khống chế, nhưng diễn biến bất thường của thời tiết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, nên dịch bệnh vẫn có thể diễn biến phức tạp. Bệnh SXH đến nay chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Bộ Y tế khuyến cáo các gia đình nên loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên như chai, lọ, hũ, mảnh chai, chum vại vỡ, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... để muỗi không có chỗ đẻ trứng; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Khi bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà...