TIN LIÊN QUAN | |
Những điều kỳ lạ chỉ có ở Australia | |
Australia muôn sắc màu |
Úc là đảo lớn nhất hành tinh, đứng thứ 6 thế giới về diện tích sau Nga, Canada, Trung Quốc, Mỹ và Brazil. Đất nước rộng lớn này có nhiều di tích lịch sử và những nét văn hóa thú vị…
Mỏ vàng ở Ballarat
Ballarat là một đô thị cổ, trầm mặc và yên tĩnh. Thị trấn này nằm cách thành phố Melbourne khoảng 116 km, như một điểm nối giữa Melbourne với thủ đô Canberra.
Trên con đường từ Melbourne đi Ballarat, chúng tôi say sưa ngắm những đồi cây bạch đàn, và nhiều loài cây khác xanh ngút mắt hai bên đường.
Du khách thử vận may bằng cách đãi vàng ở Ballarat. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Thị trấn Ballarat hình thành sau khi người dân bản địa tìm ra một mỏ vàng năm 1851. Từ đó người tứ xứ đổ xô về, mong tìm vận may đổi đời. Tâm điểm của thị trấn chính là khu Đồi Mỏ Vàng (Sovereign Hill) nổi tiếng.
Khi Việt Nam đang là mùa Đông thì nước bạn là mùa Hè. Ánh nắng Hè châu Úc gay gắt nhưng không gây cảm giác oi bức khó chịu. Chúng tôi vào Ballarat, với cảm giác đang đi trên chuyến tàu ngược thời gian về quá khứ gần hai thế kỷ trước.
Trên con phố nhỏ xuyên qua thị trấn, du khách qua lại tấp nập. Hai bên là những dãy nhà gỗ mang phong cách kiến trúc Anh thế kỷ 19, có bưu điện, quán rượu, những cửa hàng bán những dụng cụ xa xưa như cuốc, xẻng, thau, chậu, thùng gỗ, móng sắt ngựa… và nhiều dụng cụ đặc trưng của nghề đào vàng mà chúng tôi không rõ tên. Có một studio chụp ảnh, nơi nhiều người hào hứng thuê trang phục để hóa thân thành “người thế kỷ 19”.
Khắp nơi, những phụ nữ diện váy rộng thùng thình, đội khăn choàng đầu kiểu cổ, cánh đàn ông khoác áo gile, đầu đội mũ rộng vành trông phóng khoáng và mạnh mẽ khiến tôi cảm giác đang lạc vào thế giới cao bồi Viễn Tây trong phim ảnh Hollywood. Các chị phụ nữ trong trang phục váy áo cổ điển rất vui vẻ khi được du khách mời chụp ảnh lưu niệm, và du khách không phải trả tiền “bo” cho họ như ở một số nước khác.
Anh Đặng Văn Sơn, người hướng dẫn đoàn, cho chúng tôi biết người dân ở đây được chính phủ trả lương để phục dựng lối sống xưa, biến thị trấn thành tâm điểm du lịch.
Khi chúng tôi đang ngắm trong các cửa hàng “cổ” thì từ đầu phố bỗng rộn vang tiếng trống quân hành. Nhiều người đổ dồn về phía đó. Từ xa đang tới một đội quân, những người đàn ông cao lớn, mặc binh phục đỏ, đầu đội mũ cao, vai vác súng trường cắm lưỡi lê đang hành quân đều bước. Sau khi thực hiện nghi thức chào cờ, hô khẩu hiệu có nội dung thề trung thành với Nữ hoàng Anh và nước Anh, họ bắn chỉ thiên vài loạt trong tiếng vỗ tay vang dội của đông đảo du khách.
Tác giả (giữa) trên đường phố thị trấn Ballarat. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Tạm biệt những chàng lính, chúng tôi vào thăm mỏ vàng. Khu mỏ được bảo tồn nguyên vẹn như vốn có từ xưa, với hệ thống cần cẩu lớn, hệ thống bơm nước từ lòng đất lên vẫn hoạt động, sờ tay vào nước thấy mát lạnh. Còn nguyên cả những đoàn xe goòng chở đầy quặng - những cục đá to cỡ nửa kg - nằm im lìm dưới nắng.
Chúng tôi tiến vào trong hầm mỏ. Những cây gỗ vuông vắn rất to được dùng chống đỡ trần hầm mỏ. Cả nhóm được hướng dẫn vào ngồi trong những toa tàu bằng sắt để xuống thăm tầng sâu của mỏ. Người lái xe, anh chàng người Úc to lớn, nhắc mọi người tuyệt đối không được bật đèn pin, điện thoại khi tàu chạy. Thoạt đầu tôi cảm thấy lạ, nhưng nhờ cái “lệnh” đó mà cả nhóm được ít phút trải nghiệm cảm giác “đi xuống địa ngục”.
Khi đoàn tàu dừng, cả nhóm theo anh hướng dẫn đi trong đường hầm được rọi sáng lờ mờ bởi những ngọn đèn điện, vừa đi vừa quan sát nơi những người đào vàng từng nghỉ ngơi, sinh hoạt. Cuối đường hầm có chỗ còn thấy những vảy vàng bám trên vách đá. Những người quản lý khu mỏ tận dụng những mỏm đá làm màn hình, trình chiếu cho chúng tôi xem một phim tài liệu khoảng hơn 20 phút nói về cuộc sống của những người đào vàng xưa - rất nhiều người đến từ Trung Quốc. Trải bao gian khổ, có người mất mạng do sập hầm, nhiều người đã tìm thấy vàng và lập nghiệp ở đất nước này.
Ra khỏi hầm mỏ, trước mắt chúng tôi là con suối chảy ra từ khu khai thác vàng. Dưới ánh nắng Hè, hàng chục du khách cả người lớn lẫn trẻ em đang ngồi cầm rổ đãi vàng từ cát dưới suối. Nhiều người có lẽ muốn thử tìm vận may, hoặc đơn giản chỉ là muốn trải nghiệm cảm giác ngồi đãi vàng giống người xưa, chứ xác suất thấy vàng là rất nhỏ.
Trình diễn pháo hoa ở Sydney. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Pháo hoa mừng Năm Mới
Chuyến đi Úc của chúng tôi đúng vào dịp Năm mới, bởi thế một mục tiêu quan trọng là tham dự đêm bắn pháo hoa đón giao thừa ở Sydney, tại Nhà hát Opera House mà ta vẫn quen gọi là Nhà hát Con Sò. Được biết, người dân Úc rất háo hức xem pháo hoa nên sẽ có cả triệu người đổ về chiêm ngưỡng màn trình diễn pháo hoa lừng danh mừng Năm mới.
Ngay từ 15 giờ chiều đã có nhiều người Úc, gồm những gia đình có con nhỏ, những nhóm thanh niên, đôi trai gái… đi bộ qua nhiều con phố, tiến về khu vực Nhà hát Opera.
Trong cơn mưa lác đác của buổi chiều cuối năm, nhóm chúng tôi hối hả hòa vào dòng người, giục nhau rảo bước để kịp kiếm chỗ “càng gần Nhà hát càng tốt”. Đây đó có cảnh sát đứng gác và hàng rào sắt được dựng lên ở một số nơi, nhưng tôi thấy họ phân luồng rất tốt, cộng với ý thức của người dân, nên lượng người đổ về đông nhưng rất có trật tự, không ùn tắc.
Theo hướng dẫn viên Đặng Văn Sơn, người có nhiều năm đón giao thừa ở Úc, vì mưa nên số người đi xem pháo hoa có phần giảm, do đó đến khoảng 19 giờ, chúng tôi đã kịp “chiếm” một vị trí khá đẹp giữa quảng trường, cách không xa Nhà hát. Cả nhóm cùng nhau trải áo mưa ngồi, tán chuyện và chờ đợi. Tiếng nhạc mở lớn từ nhà hàng gần đó góp phần vào không khí lễ hội của đêm cuối cùng năm 2018. Xung quanh dần dần trở nên đông đặc người nhưng họ rất có ý thức giữ trật tự, vệ sinh chung. Tuy nhiên lúc này ai có nhu cầu “giải quyết nỗi buồn” thì chắc khá… “oải”, vì phải xếp hàng dài dằng dặc.
Như để thử lòng người, trời tiếp tục mưa. Nhưng mọi người đều cố gắng ngồi chịu trận và tìm mọi thứ để che mưa. Trên không trung, thỉnh thoảng lại thấy chiếc trực thăng cảnh sát bay tuần tra, nhiều lúc nó đứng im một chỗ và rọi đèn pha xuống đám đông người dưới mặt đất.
Đến 21 giờ, bỗng có tiếng hò reo vang dậy, rồi lửa pháo hoa bùng lên từ phía cầu cảng Sydney. Ai nấy thi nhau giơ điện thoại lên ghi hình. Pháo hoa bắn lên khoảng hơn 15 phút như là màn trình diễn thử.
Khi vài người trong chúng tôi bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, thì khoảnh khắc giao thừa đã tới, pháo hoa vọt lên từ phía Nhà hát Opera trong tiếng hò reo vang dậy. Pháo hoa Úc quả nhiên danh bất hư truyền, thật đẹp và lộng lẫy, tuy nhiên do ảnh hưởng trời mưa, độ ẩm cao nên pháo hoa không lên cao như chúng tôi hình dung. Sau hơn 20 phút thì màn pháo hoa kết thúc, tất cả cùng vỗ tay tán thưởng và cùng nhau hô lớn “HAPPY NEW YEAR”.
Dòng người ra về đông đúc nhưng trật tự. Chúng tôi đi bộ khoảng hai giờ mới về tới chỗ đậu xe ô tô để về khách sạn. Được biết, thành phố Sydney đã sử dụng 8,5 tấn pháo hoa cho màn trình diễn thu hút sự tham dự của khoảng 1,5 triệu người.
Tạm biệt nước Úc, những kỷ niệm đẹp về một đất nước văn minh và phát triển vẫn còn mãi trong tâm trí tôi. Nước Úc, hẹn ngày gặp lại!
Gặp gỡ cựu sinh viên Học bổng Chính phủ Australia Tối 18/12, tại Hà Nội, Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick đã có buổi gặp mặt với gần 30 cựu sinh viên Học ... |
Khám phá những điều kỳ thú về loài ong ở Australia Có loài ong trông như viên ngọc lục bảo biết bay, có loài được gọi là “những chiếc máy thụ phấn ồn ào” và nhiều ... |
Australia đưa trở lại lục địa loài mèo túi biến mất suốt 50 năm Lần đầu tiên sau 50 năm biến mất khỏi lục địa Australia, những con mèo túi phương Đông đã được sinh ra tại đây, mang ... |