Nhiều sự kiện nổi bật của ngành giáo dục năm 2021. |
Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng mới
Ngày 8/4/2021, Quốc hội phê chuẩn ông Nguyễn Kim Sơn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Từ nhiều năm nay, chức danh Bộ trưởng Bộ GD&ĐT được coi là "ghế nóng", rất được dư luận quan tâm và kỳ vọng. Ngành giáo dục hiện có hơn 1 triệu cán bộ, viên chức, đào tạo hơn 20 triệu học sinh, sinh viên mỗi năm.
Khi nhận nhiệm vụ mới, ông Sơn chia sẻ: "Tôi xem đây là cơ hội để có thêm điều kiện làm một số việc ở lĩnh vực mà mình tâm huyết và đã có thời gian gắn bó lâu dài. Đối với tôi, nhiệm vụ mới tại thời điểm này là một thách thức lớn, có thuận lợi nhưng cũng có rất nhiều khó khăn. Hơn một triệu người làm công tác giáo dục và quản lý giáo dục, trong đó có tôi, không có lựa chọn nào khác là chủ động đối mặt để vượt qua các khó khăn đó".
Học sinh, giáo viên thích ứng với học trực tuyến
Từ đầu năm 2021 tới nay, ngành giáo dục, như đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trải qua một năm bị Covid-19 "đảo lộn và tàn phá".
Phần lớn trong số 22 triệu học sinh - sinh viên chỉ đến trường khoảng 2-3 tháng. Thời gian còn lại là nghỉ hè và học online.
Đầu tháng 10, khi mới chính thức vào năm học mới được hơn một tháng, không ít phụ huynh đã bùng nổ bởi những bức xúc với tình trạng con em mình học trực tuyến như thời gian sử dụng máy tính quá nhiều, ngoài học bài, làm bài tập còn xem phim, chơi game... Học sinh căng thẳng, mệt mỏi, thầy cô cực nhọc và áp lực, phụ huynh bức xúc, xã hội lo lắng.
Thế nhưng khi dịch bệnh kéo dài, những nỗ lực của cả thầy và trò đã đặt học trực tuyến ở vị thế mới.
Thầy và trò cả nước vẫn nỗ lực để thích ứng một cách nhanh chóng. Các thầy cô giáo giờ đây cũng “không thể ngồi yên được nữa” mà bắt đầu làm mới mình bằng những cuộc “thay đổi ngoạn mục”.
Cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ quản lý trực tiếp ở cơ sở và các giáo viên trực tiếp đứng lớp đều nhìn ra một tương lai dài cho việc học trực tuyến và khẳng định, phương thức học này sẽ không hoàn toàn dừng lại mà sẽ tiếp tục được duy trì một cách linh hoạt hơn.
Chương trình "Sóng và máy tính" cho em
Để hỗ trợ học sinh học trực tuyến và học qua truyền hình, Thủ tướng đã phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm vận động các doanh nghiệp tài trợ, quyên góp phương tiện học tập trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bộ Thông tin và Truyền thông là đầu mối phối hợp với Bộ GD&ĐT triển khai.
Tính đến ngày 30/10, các tập đoàn viễn thông đã xây dựng thêm 283 điểm phát sóng tại các địa phương bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các tổ chức, đơn vị đã cam kết ủng hộ 1.000.840 máy tính.
Đầu tháng 11, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) chính thức bàn giao 10.000 máy tính đầu tiên trong tổng số 37.000 máy VNPT cam kết tài trợ.
Ngoài ra, tính đến ngày 25/10, ngành Giáo dục đã huy động được 142,43 tỷ đồng, 28.477 máy tính bảng, 28.545 điện thoại thông minh và 79.425 thiết bị hỗ trợ học trực tuyến khác.
Việt Nam vào top 10 thành tích thi Olympic quốc tế 2021
Trong năm 2021, Bộ GD&ĐT cử 7 đoàn học sinh giỏi Việt Nam với 37 lượt học sinh tham gia Olympic khu vực và quốc tế. Kết quả, tất cả các thí sinh dự thi đều đoạt giải, gồm 12 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 2 Bằng khen (giải Khuyến khích).
Nhờ vậy, các đoàn học sinh Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất tại các Olympic quốc tế với nhiều học sinh đạt điểm số cao nhất.
Đặc biệt, em Nguyễn Mạnh Quân, học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội) đã đạt điểm số cao nhất của kỳ thi Olympic Vật lí Châu Á - Thái Bình Dương (APhO) và được Chủ tịch APhO năm 2021 tặng bằng khen.
Các học sinh đạt huy chương Olympic quốc tế 2021. |
Lần đầu tiên Việt Nam có trường đại học lọt top 500 thế giới
Trong năm 2021, lần đầu Việt Nam có cơ sở giáo dục đại học lọt vào top 500 thế giới theo Bảng xếp hạng đại học thế giới THE. Đó là các Trường ĐH Duy Tân và ĐH Tôn Đức Thắng vào top 401 – 500 do sự tăng trưởng mạnh mẽ ở các chỉ số trích dẫn.
Ngoài ra, trong bảng xếp hạng còn có ĐH Quốc gia Hà Nội được xếp trong nhóm 1.001 – 1.200. ĐH Quốc gia TP.HCM và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội được xếp trong nhóm 1.201+.
Chứng chỉ gây xôn xao
Kể từ ngày 20/3, giáo viên sẽ không còn phải vừa dạy học vừa lo "kiếm" chứng chỉ tin học, ngoại ngữ chỉ để hợp thức hóa về thủ tục hồ sơ. Đây từng là lời hứa và đã được thực hiện của ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khi đó.
Tuy nhiên Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường phổ thông công lập được Bộ GD&ĐT ban hành ngày 2/2 tiếp tục gây nhiều tranh cãi. Theo các thông tư này, để được bổ nhiệm vào các hạng tương ứng, giáo viên bắt buộc phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp ở hạng đó.
Ngay sau đó, báo chí đã phản ánh về những vướng mắc, bất cập của quy định sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và các chứng chỉ bồi dưỡng khác đối với viên chức, nhất là đối với giáo viên cơ sở đào tạo công lập trong việc thi thăng hạng, bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Ngày 19/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trên cơ sở phản ánh của báo chí, xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 101/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và các quy định khác có liên quan.
Đầu tháng 6, Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Phạm Thị Thanh Trà báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức. Trong đó, Bộ Nội vụ đã đề xuất giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.
13/87 chứng chỉ bồi dưỡng liên quan đến viên chức mà Bộ Nội vụ đề nghị bỏ thuộc ngành giáo dục. Trong 13 chứng chỉ thuộc ngành giáo dục được đề xuất bỏ, có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên.
Ngày 18/10/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực từ 10/12/2021.
Theo đó, mỗi ngạch viên chức (đối với giáo viên là mỗi bậc học) chỉ còn duy nhất 1 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành.
Sau hơn nửa năm kể từ ngày ban hành, Bộ GD&ĐT phải sửa hướng dẫn về bổ nhiệm và xếp lương giáo viên.
Gần 1 triệu sĩ tử tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. |
Năm 2021, cả nước có gần 1.015.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2021 là 795.353 (tăng hơn 150.000 thí sinh so với năm 2020).
Là năm thứ hai diễn ra với ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã phải tổ chức thành hai đợt. Dù thế, vẫn có hơn 15.000 thí sinh không thể dự thi và lần đầu tiên Bộ cho phép xét đặc cách tốt nghiệp.
Đề thi được cho là "dễ thở", kết quả thi của thí sinh tăng đột biến dẫn đến việc điểm trúng tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp vào nhiều trường đại học tăng. Một số ngành tăng từ 2 - 11 điểm. Đáng chú ý, có ngành học lấy điểm chuẩn 30 - 30,5.
Tuy nhiên, 'nóng' nhất đã có tố cáo về việc nội dung đề ôn tập ngay trước ngày thi môn Sinh học ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 của thầy Phan Khắc Nghệ (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh) trùng lặp với đề thi chính thức đến 80 - 90%.
Khi đó, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết đã nắm được thông tin và đang phối hợp các cơ quan liên quan xác minh làm rõ. Tuy nhiên, đến tận giữa tháng 12 vừa qua, sau nhiều ồn ào của dư luận, Bộ GD&ĐT mới cung cấp thông tin ban đầu.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GD&ĐT đã ghi nhận yếu tố không bình thường liên quan đến việc luyện thi và đề thi môn Sinh học và đang xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan.
Bộ Công an cũng cho hay phát hiện sơ hở ở khâu ra đề và đang điều tra, xác minh dấu hiệu lộ đề thi.
Tranh cãi “chuẩn” đào tạo tiến sĩ của Việt Nam
Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ được Bộ GD&ĐT ban hành vào giữa tháng 7 để thay thế quy chế năm 2017 đã gây ra những tranh cãi. Với việc bỏ yêu cầu bắt buộc về công bố quốc tế đối với nghiên cứu sinh và cả người hướng dẫn, bổ sung việc chấp nhận các sách chuyên khảo, các công bố tại các tạp chí trong nước, nhiều ý kiến cho rằng đây là “bước thụt lùi”, “là nỗi hổ thẹn với thế giới” trong bối cảnh giáo dục đại học Việt Nam đang phấn đấu để hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, theo lý giải của Bộ GD&ĐT, việc quy chế mới công nhận bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong nước “sẽ là động lực để các tạp chí khoa học phấn đấu nâng cao chất lượng, tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế bằng nội lực, từ đó, đẩy mạnh việc quan tâm xây dựng các tạp chí trong nước vươn lên đẳng cấp quốc tế”.
Lúng túng dạy học tích hợp
Năm nay, nếu như ở bậc tiểu học là năm thứ hai triển khai Chương trình và SGK mới thì ở bậc THCS là năm đầu tiên. Việc triển khai với lớp 6 đã gặp không ít vướng mắc khi xuất hiện 2 bộ môn tích hợp gồm Lịch sử & Địa lý và Khoa học tự nhiên (Vật lý - Sinh học - Hóa học).
Về băn khoăn 1 môn học có 2, 3 giáo viên lên lớp, trong buổi trả lời chất vấn Quốc hội ngày 11/11, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết trong quá trình thiết kế và hướng dẫn việc dạy học tích hợp, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn 3 giáo viên của 3 phân môn dạy học theo logic nội dung. Đơn vị nào sắp xếp đúng theo logic nội dung chương trình thì triển khai thuận lợi, đơn vị nào sắp xếp cả 3 giáo viên dạy song song thì thời gian bị chia vụn và có phần lúng túng. Bộ GD&ĐT đã tập huấn cho 9.000 giáo viên cốt cán và sẽ tiếp tục tăng cường trong việc triển khai các môn tích hợp trong thời gian tới.
Thiếu 95.000 giáo viên và "thế khó" của các trường CĐ Sư phạm
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT đến giữa năm 2021, cả nước còn thiếu 94.714 giáo viên, song cũng thừa đến 10.178 giáo viên ở các cấp học.
Căn cứ số thừa, thiếu giáo viên trên cả nước, Bộ GD&ĐT đã đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung 94.714 biên chế trong giai đoạn 2021 - 2025, chủ yếu là giáo viên mầm non và tiểu học.
So với quy định tại Luật giáo dục 2005 thì Luật Giáo dục năm 2019 đã thay đổi về chuẩn trình độ với giáo viên cấp 1 và cấp 2. Tất cả giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông được quy định chuẩn trình độ đào tạo là từ đại học trở lên.
Điều này một mặt khiến những giáo viên chưa đạt chuẩn phải tiếp tục học để nâng cao trình độ nhưng mặt khác đã phát sinh vấn đề về nguồn tuyển ở các địa phương, nhiều trường CĐ Sư phạm cũng rơi vào thế khó.
| Từ câu chuyện bé gái 8 tuổi bị bạo hành, nghĩ về quyền trẻ em Câu chuyện em bé 8 tuổi bị bạo hành tại TP. Hồ Chí Minh thổi bùng lên cơn giận dữ của cộng đồng mạng khi ... |
| GS. Nguyễn Lân Dũng: Mong ngành giáo dục không ngừng sáng tạo để vượt qua giai đoạn khó khăn Ai cũng biết giáo dục là một lĩnh vực khó, liên quan đến mọi gia đình, mọi thế hệ trong xã hội, vì dễ so ... |