Trang The Diplomat vừa đăng bài viết của chuyên gia phân tích Daniel R. DePetris (thuộc công ty tư vấn về địa chính trị Wikistrat) cho biết, trong cuộc tranh luận trực tiếp hôm 9/10 giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ là Hillary Clinton của Đảng Dân chủ và Donald Trump của Đảng Cộng hòa, người ta chỉ có thể hy vọng người điều phối cuộc tranh luận đặt ít nhất một câu hỏi về Triều Tiên, quốc gia nhỏ bé trên bản đồ thế giới nhưng có ảnh hưởng bao trùm ở Đông Bắc Á nhờ năng lực vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo được cải thiện chưa từng thấy.
Kim Jong-un đang cố gắng thu hút chú ý của cộng đồng quốc tế. Từ đầu năm đến nay, Bình Nhưỡng đã có nhiều tiến bộ trong chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt, tiến hành 2 vụ thử vũ khí hạt nhân, 22 vụ thử tên lửa đạn đạo. Truyền thông nhà nước của Triều Tiên cũng đưa ra các tuyên bố hiếu chiến, muốn dìm Washington trong "biển lửa".
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang cố gắng thu hút chú ý của cộng đồng quốc tế. (Nguồn: The Guardian) |
Cho đến nay, cả hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ mới chỉ đề cập đến biện pháp thông thường mà Mỹ đã áp dụng từ sau sự sụp đổ của Thỏa thuận khung năm 1994 như: cam kết bổ sung nhiều biện pháp trừng phạt nhằm ngăn chặn nguồn thu nhập của Bình Nhưỡng, gây áp lực để Trung Quốc hợp tác trong việc áp đặt trừng phạt và tiếp tục củng cố liên minh quân sự Mỹ - Hàn để cảnh báo Kim Jong-un sẽ không thể giành chiến thắng nếu đối đầu.
Cựu Đệ nhất phu nhân Clinton đã nói bóng gió rằng, bà có thể mở rộng lệnh trừng phạt Triều Tiên trong nhiệm kỳ của mình; trừng phạt các tổ chức tài chính, doanh nghiệp, các cá nhân Trung Quốc giao dịch với các tổ chức hoặc công ty liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Trong khi đó, tỷ phú Donald Trump đã nói về việc sẽ đàm phán với ông Kim Jong-un. Tuy nhiên, trong cuộc tranh luận đầu tiên, ứng cử viên đã khẳng định "Trung Quốc sẽ giải quyết vấn đề cho chúng ta".
Cả ông Trump lẫn bà Clinton đều chưa có ý tưởng cụ thể để giải quyết vấn đề Triều Tiên. (Nguồn: Reuters) |
Chuyên gia phân tích Daniel R. DePetris nhận định, thông thường, Mỹ sẽ không bao giờ chịu đàm phán với Triều Tiên về các vấn đề này. Tuy nhiên, các lựa chọn thay thế cho biện pháp ngoại giao, trong đó bao gồm trừng phạt, cấm vận kinh tế, một cuộc tấn công quân sự phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên và mong chờ sự hợp tác của Bắc Kinh… đã được thử nghiệm và chỉ gây bất ổn thêm cho bán đảo Triều Tiên cũng như các khu vực xung quanh. Nếu biện pháp trừng phạt kinh tế và cô lập ngoại giao có tác dụng thì Triều Tiên đã không thể có được lượng nguyên liệu hạt nhân phân hạch để chế tạo 20 quả bom vào cuối năm nay.