Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại hội thảo |
Tham dự hội thảo có Phó Thủ tướng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương liên quan, cùng hơn 180 đại biểu trong và ngoài nước, đến từ 53 quốc gia thành viên ASEM và các tổ chức khu vực, quốc tế liên quan, và đại diện của 14 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đây là sáng kiến của Liên minh châu Âu và 7 quốc gia thành viên Danube-Mekong gồm: Hungary, Romania, Bulgaria, Lào, Thái Lan, Slovakia, Việt Nam. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh các quốc gia tăng cường nỗ lực ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, trong đó an ninh nước gắn với an ninh lương thực, an ninh năng lượng là nội hàm quan trọng của phát triển bền vững. Đây cũng đúng dịp cộng đồng quốc tế chung tay hành động vì mục tiêu phát triển bền vững, đẩy mạnh hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Hội thảo sẽ gợi mở cho các thành viên ASEM cũng như Việt Nam những giải pháp đồng bộ và các tiếp cận toàn cầu, đa ngành, đa lĩnh vực trong quản lý tài nguyên nước. Đây là một đóng góp cụ thể của ASEM đối với các nỗ lực của cộng đồng quốc tế về phát triển bền vững và ứng phó với các thách thức toàn cầu, trong đó nổi bật là quản lý nguồn nước.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý, sử dụng nguồn nước đối với mỗi quốc gia, đặc biệt trước thực trạng cạn kiệt nguồn nước ngầm tại nhiều khu vực trên thế giới, cũng như vấn đề nước biển dâng, triều cường dâng cao và xâm nhập mặn gia tăng. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng và cam kết gia tăng mạnh mẽ trong hợp tác quốc tế quản lý tài nguyên nước gắn với phát triển bền vững. Ông cũng cho rằng, “đã đến lúc chúng ta phải hành động. Thời gian không đợi chúng ta nữa”. Các quốc gia thành viên ASEM cần thống nhất trong nhận thức và hành động để đảm bảo vấn đề nguồn nước có vị trí xứng đáng trong chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015.
Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu ra bốn vấn đề lớn cần thảo luận tại Hội thảo này, nhằm đưa đến những hành động cụ thể và hiệu quả.
Một là, cần thống nhất trong nhận thức và hành động để bảo đảm vấn đề nguồn nước có vị trí xứng đáng trong Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015. Bởi, việc bảo vệ tài nguyên nước chỉ có thể bền vững, hiệu quả nếu được lồng ghép vào chiến lược phát triển bền vững và tăng trưởng cân bằng, đồng đều và sáng tạo của từng quốc gia.
Hai là, cần phát triển tư duy mới và cách tiếp cận tổng thể, liên ngành về quản lý bền vững nguồn nước. Chúng ta cần sớm đưa “Nhóm hợp tác chuyên ngành ASEM về quản lý bền vững và hiệu quả nguồn nước” vào hoạt động. Đồng thời, chúng ta cần gắn kết các sáng kiến, dự án và các Nhóm hợp tác chuyên ngành của ASEM về quản lý nguồn nước, ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, năng lượng, an toàn thực phẩm và giảm nghèo.
Ba là, tăng cường trao đổi kinh nghiệm hay, những điển hình tốt và đưa ra khuyến nghị chính sách phù hợp về quản lý bền vững tài nguyên nước, kể cả trong sử dụng, chia sẻ các nguồn nước xuyên quốc gia. Trong đó, cần tổ chức Tọa đàm ASEM trao đổi kinh nghiệm quản lý các dòng sông ở hai châu lục. Thúc đẩy hỗ trợ các nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển, hợp tác tiểu vùng và khu vực của các thành viên ASEM, trong đó có hợp tác Mekong – Danube. Cần khuyến khích sự chia sẻ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, các chương trình đối tác công – tư, chuyển giao và sử dụng công nghệ xanh, sạch trong quản lý và sử dụng nguồn nước,nhân rộng các mô hình hợp tác giữa các địa phương như Dự án hợp tác giữa hai tỉnh Bến Tre của Việt Nam và Tulcea của Rumani.
Bốn là, cần thiết lập mạng lưới kết nối và chia sẻ thông tin giữa các trung tâm và các viện nghiên cứu về quản lý bền vững nguồn nước. Trước hết, cần phát huy vai trò của “Trung tâm nghiên cứu và phát triển nguồn nước ASEM” tại Hồ Nam, Trung Quốc để trao đổi, phối hợp nghiên cứu và đề xuất các biện pháp hợp tác cụ thể.
Bảo vệ tài nguyên nước trở thành một ưu tiên hợp tác của Diễn đàn ASEM. Việc đăng cai lần này nhằm phát huy vị thế của Việt Nam trong ASEM, tranh thủ sự ủng hộ và phối hợp của các thành viên ASEM, đặc biệt là Liên minh châu Âu, các nước ven sông Danube đối với các vấn đề về nguồn nước và hợp tác Mekong.
P.V