Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm làm việc tại tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Văn Trung) |
Kết quả đáng tự hào
Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, Bộ Ngoại giao đã chủ động, tích cực, sáng tạo phối hợp với các địa phương và bộ ngành triển khai đồng bộ, toàn diện công tác đối ngoại địa phương, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đề ra, đạt nhiều kết quả đáng tự hào, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế của các tỉnh, thành, địa phương trên cả nước đã thực sự trở thành mội dung rất quan trọng trong tổng thể công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Cụ thể, chủ quyền quốc gia trên biển của ta cũng như an ninh, trật tự, an toàn xã hội vùng biên được giữ vững, các vấn đề phát sinh được xử lý kịp thời.
Về chính trị, với sự hướng dẫn của Bộ Ngoại giao và các bộ, ban ngành Trung ương, các tỉnh, thành đã triển khai tất cả các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ, đóng góp hiệu quả vào các hoạt động đối ngoại lớn của đát nước (Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, các hội nghị quốc tế lớn, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp...); xử lý khối lượng lớn các công tác chính trị, kinh tế, văn hóa đối ngoại bao gồm lãnh thổ, tranh thủ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, đem lại hiệu quả thiết thực cho các địa phương.
Về kinh tế, bên cạnh hoạt động đối ngoại lớn được các địa phương Hà Nội, Khánh Hòa, Bình Dương… đăng cai tổ chức thành công, 10 địa phương trên cả nước đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn. Các địa phương đã ký kết 232 thỏa thuận quốc tế, vận động ước đạt trên 270 triệu USD viện trợ phi chính phủ nước ngoài; cấp mới, bổ sung, gia hạn gần 227 giấy phép cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Về mặt văn hóa đối ngoại, ta đã xây dựng và hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO: công nhận hai Công viên địa chất toàn cầu (tại Đắk Nông và Lý Sơn Sa Huỳnh, Quảng Ngãi); hai Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại là Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam và Nghệ thuật Xòe Thái; công nhận Hà Nội là Thành phố sáng tạo; đồng thời tổ chức tốt nhiều hoạt động quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc cho bạn bè quốc tế.
Ngoài ra, các chính sách cụ thể tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào về địa phương làm ăn, sinh sống, công tác bảo hộ công dân, công tác biên giới lãnh thổ, công tác thông tin đối ngoại, khen thưởng đối ngoại cũng được các địa phương tích cực triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng.
Ta đã tạo điều kiện cho hơn 300 đoàn phóng viên nước ngoài với khoảng 4.000 phóng viên vào tác nghiệp tại địa phương, thường xuyên hỗ trợ địa phương trong công tác thông tin đối ngoại và kinh tế đối ngoại dưới nhiều hình thức. 28/63 địa phương kiến nghị tặng kỷ niệm chương, bằng khen, huân - huy chương cho 184 tập thể và 262 cá nhân nước ngoài (kể cả người Việt Nam ở nước ngoài) có đóng góp quan trọng trong lĩnh vực xã hội, kinh tế, phát triển tại địa phương.
Đặc biệt, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác đối ngoại cho các địa phương thường xuyên được tổ chức với nhiều nội dung và hình thức phong phú, thiết thực. Sự đóng góp của Bộ Ngoại giao (trong đó bao gồm 96 cơ quan đại diện của ta trên thế giới) trong những thành quả đó nhiều lần được Lãnh đạo Chính phủ và các địa phương, bộ ngành ghi nhận và đánh giá cao.
Phối hợp chặt chẽ
Bên cạnh những thành tựu quan trọng đã đạt được, vẫn còn tồn tại những hạn chế trong tiến trình hội nhập quốc tế ở cả cấp trung ương và địa phương. Không ít vấn đề được đánh giá là cấp bách cần sớm có giải pháp tháo gỡ để tranh thủ hiệu quả các nguồn lực bên ngoài đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng ở các địa phương và cả nước.
Trong bối cảnh đó, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục tích cực phối hợp chặt chẽ với các địa phương để cụ thể hóa các nội dung của “Định hướng hành động sau Hội nghị Ngoại giao 30 và Hội nghị ngoại vụ toàn quốc lần thứ 19” (tháng 8/2018), từ đó tích cực triển khai các chương trình, nhiệm vụ cụ thể tại các địa phương, tập trung vào các nội dung chính sau:
Thứ nhất, cần quyết liệt đổi mới tư duy từ cấp lãnh đạo cho tới cán bộ tham mưu tại địa phương về hội nhập quốc tế phục vụ phát triển. Nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của hợp tác quốc tế đối với phát triển kinh tế xã hội của địa phương trong thời kỳ mời. Vừa có “tư duy toàn cầu” để nắm và hiểu những thay đổi của xu thế quốc tế và thực tiễn hội nhập quốc tế của nước ta, vừa nhận thức rõ hơn giá trị cốt lõi và thế mạnh của địa phương và tích cực tìm kiếm giải pháp để nâng cao chất lượng và thương hiệu sản phẩm, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp địa phương.
Hội nhập quốc tế phải đi liền với việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Những công tác cụ thể bao gồm đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm thúc đẩy xuất khẩu, thu hút có chọn lọc FDI, tranh thủ ODA và các nguồn thay thế; khai thác hiệu quả hợp tác cấp độ địa phương với các đối tác, doanh nghiệp nước ngoài, qua đó mở rộng thị trường, tranh thủ các nguồn lực về vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý.
Thứ hai, quán triệt thực hiện đường lối đối ngoại về hội nhập quốc tế mà Đại hội Đảng XII đã đúc kết, trong đó nêu rõ hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, nâng cao hiệu quả quan hệ hợp tác giữa các địa phương của ta với các địa phương các nước để phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương; làm tốt việc quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài.
Thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với Ban Đối ngoại Trung ương thường xuyên đồng hành với địa phương trong việc nghiên cứu, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Quyết định 272-QĐ/TW ngày 21/01/2015 về việc ban hành Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại (Quy chế 272) và Kết luận 33-KL/TW ngày 25/7/2018 về tiếp tục thực hiện Quy chế 272 (Kết luận 33); tổ chức phổ biến rộng và tập huấn sâu Hướng dẫn số 05-HD/BĐNTW thực hiện Quy chế 272 và Kết luận 33 ban hành ngày 26/3/2019.
Mục tiêu xuyên suốt là bảo đảm quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại trong toàn hệ thống chính trị, kết hợp hài hòa giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, tạo sức mạnh và hiệu quả trong triển khai đối ngoại của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hiện nay, nhiều địa phương đang tích cực soạn thảo hoặc cập nhật Quy chế thống nhất hoạt động đối ngoại của địa phương mình trên cơ sở các văn bản nói trên.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Chính quyền các địa phương về công tác đối ngoại địa phương, tiếp tục kiện toàn bộ máy và nâng cao năng lực cán bộ làm công tác đối ngoại địa phương. Đặc biệt trong năm 2020, hướng tới Đại hội Đảng XIII, Bộ Ngoại giao cũng như các bộ ngành của Chính phủ phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm trong việc đóng góp ý kiến xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tiếp theo, cũng như đóng góp hoàn thiện nội dung văn kiện Đại hội Đảng XIII.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện, xây dựng Chiến lược Ngoại giao văn hóa và Chiến lược thông tin tuyên truyền đối ngoại sau 2020, trong đó tập trung hoàn thiện và cụ thể hóa thành Kế hoạch hành động quảng bá hình ảnh địa phương ra thế giới, từng bước xây dựng thương hiệu địa phương, thương hiệu ngành nghề và sản phẩm; thực hiện tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài, công tác biên giới lãnh thổ, công tác lãnh sự, bảo hộ công dân, quản lý tổ chức phi chính phủ nước ngoài và công tác thanh tra chuyên ngành ngoại giao.
Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn trao đổi với các đại biểu dự Hội nghị "Gặp gỡ Vương quốc Anh - Meet the UK", tháng 11/2019. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Trên cơ sở yêu cầu và nhiệm vụ của hội nhập quốc tế ngày càng cao, kỳ vọng đối với đóng góp của công tác ngoại vụ địa phương trong sự phát triển của địa phương, doanh nghiệp và người dân ngày càng lớn, Bộ Ngoại giao và tất cả cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẵn sàng đồng hành với địa phương triển khai toàn diện công tác đối ngoại địa phương cụ thể là: (i) giới thiệu cơ hội hợp tác đầu tư, hỗ trợ xúc tiến kinh tế đối ngoại, kết nối mở rộng thị trường, thẩm định đối tác và hỗ trợ xử lý tranh chấp thương mại trong bối cảnh đất nước ta hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nhất là tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; (ii) hỗ trợ địa phương triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa, thông tin tuyên truyền đối ngoại; (iii) phối hợp làm tốt công tác lãnh sự, phòng chống đưa người di cư trái phép, bảo hộ công dân, ngư dân, tàu cá và công tác người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt chú trọng thu hút nguồn lực trí thức, chuyên gia người địa phương ở nước ngoài đóng góp vào sự phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ của đất nước nói chung và của địa phương nói riêng; (iv) quan tâm, hỗ trợ bồi dưỡng các cán bộ, công chức làm công tác đối ngoại tại địa phương theo các Đề án về đào tạo và bồi dưỡng cán bộ đối ngoại giai đoạn 2016-2020 (do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).
Bộ Ngoại giao và các cơ quan ngoại vụ địa phương cũng sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nhằm hỗ trợ địa phương xây dựng kế hoạch, kết nối về kinh tế, xây dựng thương hiệu, thu hút nguồn lực cho phát triển địa phương, gia tăng “sự hấp dẫn” của địa phương Việt Nam.