Vòng đàm phán hạt nhân Iran tại Vienna, Áo ngày, 29/11. (Nguồn: CNN) |
Vòng đàm phán tiếp theo nhằm "hồi sinh" thỏa thuận hạt nhân Iran đã được nối lại hôm 29/11 tại Vienna (Áo), sau 5 tháng gián đoạn.
Giới ngoại giao Liên minh châu Âu (EU), Nga và Iran đã bày tỏ lạc quan trong bối cảnh Tehran quyết tâm "cứu vớt" thỏa thuận.
Trong khi đó, giới chuyên gia cảnh báo về những rào cản lớn đối với bất kỳ hành động chóng vánh nào nhằm nối lại thỏa thuận được ký năm 2015 này.
Theo hãng tin AP, tham gia vòng đàm phán mới nhất gồm các nhà ngoại giao của Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga. Mỹ dự họp theo hình thức gián tiếp.
Phái đoàn Iran tham dự đàm phán lần này là do Tổng thống Ebrahim Raisi chỉ định. Trước đó, Tehran đã đưa ra những yêu cầu tối đa, gồm Mỹ gỡ bỏ phong tỏa 10 tỷ USD đang bị "đóng băng" để thể hiện thiện chí đàm phán hạt nhân.
Những yêu cầu này thể hiện sự cứng rắn của Iran và có thể sẽ trở thành "ván cờ khai cuộc" trong đàm phán mới được nối lại nói trên.
Cũng trong ngày 29/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Said Khatibzadeh nhắc lại, nước này có "quyết tâm chắc chắn để đạt được một thỏa thuận và hướng tới những cuộc đàm phán hiệu quả".
Đóng vai trò chủ trì vòng đàm phán lần này, EU cho rằng, "điều quan trọng là cần thúc đẩy những vấn đề còn tồn đọng từ hồi tháng 6".
Liên minh đồng thời kêu gọi các bên cần nhanh chóng và tích cực làm sống lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), càng sớm càng tốt.
Tháng 6 năm nay, Iran đã tạm ngừng các cuộc đàm phán sau cuộc bầu cử tổng thống. Tại thời điểm đó, giới chức ngoại giao cho biết họ đã "gần" đạt được một thỏa thuận.
Sau cuộc bầu cử, Tehran "phớt lờ" lời kêu gọi của các nước phương Tây về nối lại đàm phán, đồng thời, tăng cường năng lực cho chương trình hạt nhân của mình.
Đến tháng 8, Tổng thống Raisi tuyên bố Tehran đã sẵn sàng trở lại đàm phán.
Tình thế mong manh
Hãng AFP nhận định, vòng đàm phán mới này diễn ra trong một tình thế mong manh và không chắc chắn.
Trong những tháng gần đây, Iran đã khởi động hoạt động làm giàu uranium ở những cấp độ chưa từng có tiền lệ, đồng thời hạn chế những hoạt động của nhóm thanh sát viên thuộc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), cơ quan có nhiệm vụ giám sát các cơ sở hạt nhân của Iran.
Trong chuyến công du Iran hồi tuần trước, Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi thừa nhận không đạt được "bất kỳ tiến triển nào" trong nỗ lực giải quyết những bất đồng giữa cơ quan này và Tehran liên quan đến công tác thanh sát các cơ sở hạt nhân.
Chuyên gia về Iran Henry Rome, thuộc cơ quan nghiên cứu Eurasia Group, bình luận: "Việc Iran không sẵn sàng đạt được một thỏa hiệp với IAEA cho thấy triển vọng mong manh của các cuộc đàm phán hạt nhân".
Ông Rome cho rằng Iran có thể "tính toán rằng những bước tiến hạt nhân của họ... sẽ gây áp lực lớn hơn khiến phương Tây phải nhanh chóng 'nhún nhường' trong đàm phán", song cũng cảnh báo, tính toán đó có thể sẽ "phản tác dụng".
Chia sẻ trên báo chí tuần trước, chuyên gia Kelsey Davenport thuộc Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí chia sẻ: "Tình hình liên quan đến những tiến bộ hạt nhân của Iran ngày càng trở nên bấp bênh".
Bà Davenport giải thích thêm: "Iran đang hành động như thể Mỹ không biết gì và sẽ làm ngơ, song việc gây sức ép là con dao hai lưỡi" vốn có thể hủy hoại bất kỳ triển vọng nào nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Ngoài ra, chuyên gia thuộc Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí cho rằng, những vấn đề không thể giải quyết giữa Iran và IAEA liên quan đến công tác giám sát sẽ làm gia tăng nghi ngờ về việc Tehran đã tiến hành hoạt động hạt nhân mờ ám, một chương trình bí mật, dù có bằng chứng về điều này.
Trong một thông báo sau cuộc gặp Ngoại trưởng Israel Yair Lapid tại London hôm 29/11, Ngoại trưởng Anh Liz Truss khẳng định London muốn "Iran nhất trí với JCPOA ban đầu", song cảnh báo rằng nếu các cuộc đàm phán "không đem lại kết quả thì mọi lựa chọn sẽ được thảo luận".
Tin liên quan |
Đàm phán hạt nhân Iran: Giờ 'G' sắp điểm, Israel đã sẵn 'kế hoạch B' tấn công quân sự |
Thách thức đón chờ
Giới phân tích của Iran cho rằng chính sách "hăm dọa ngoại giao" (của Mỹ và các nước phương Tây) sẽ không đem lại kết quả tốt đẹp nào.
Trả lời hãng thông tấn IRNA, nhà cựu ngoại giao Iran Hamid Reza Asefi nhận định, các cuộc đàm phán sẽ kết thúc khi những lợi ích của Tehran được đảm bảo.
Từng là người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran và từng là Đại sứ Iran tại Pháp, ông Asefi lập luận: "Iran sẽ khó có thể chấp nhận ký kết bất kỳ thỏa thuận nào vốn không phục vụ những lợi ích của mình dưới sức ép ngoại giao (của các nước khác)".
Giới quan sát, đặc biệt ở phương Tây, đã không đặt nhiều kỳ vọng vào vòng đàm phán lần thứ 7 diễn ra tại Vienna lần này.
Bình luận trên Bloomberg, ông Michael Singh, từng là Giám đốc cơ quan phụ trách những vấn đề Trung Đông thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho rằng hai bên có thể đã quá khác biệt về quan điểm và lập trường.
Tân Hoa xã nhận định, hàng loạt thách thức phía trước đang chờ đợi cuộc đàm phán này. Yêu cầu của Tehran về việc Mỹ cần đảm bảo sẽ không rút khỏi một thỏa thuận có thể đạt được trong tương lai có thể sẽ bị Washington bác bỏ.
Ngoài ra, giới quan chức ngoại giao phương Tây quan ngại rằng họ khó có thể đạt được một thỏa thuận với nhóm đàm phán mới của Tehran nếu phía Iran khăng khăng yêu cầu gỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt mà Mỹ và EU áp đặt đối với họ kể từ năm 2017, bao gồm những lệnh trừng phạt không liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran.
Về phần mình, Tehran quan ngại rằng các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, sẽ "khống chế" những nội dung trong thỏa thuận JCPOA để buộc quốc gia Trung Đông phải chấp nhận thêm nhượng bộ trong những vấn đề không liên quan đến hạt nhân, chẳng hạn như chương trình tên lửa và tầm ảnh hưởng của nước này trong khu vực.
Với một số thách thức kể trên, truyền thông Mỹ cho biết Nhà Trắng đang cân nhắc có thể đạt được một thỏa thuận hạt nhân tạm thời và ít tham vọng hơn nhằm có thêm thời gian để tiến hành thêm các vòng đàm phán trong tương lai.
Tuy nhiên, ông Asefi đã tỏ ra thận trọng khi cho rằng kế hoạch này của Washington có thể là cơ hội để đưa ra quyết định khi cả hai bên đều nắm rõ lập trường của nhau và thống nhất quan điểm, hoặc cũng có thể là một "cái bẫy" mà truyền thông Mỹ gài sẵn.
| Đàm phán hạt nhân: Iran ra yêu cầu mới; mong muốn của Mỹ; Nga nói bước đi 'thành công mỹ mãn' Tối 29/11 (giờ Việt Nam), vòng đàm phán mới của Ủy ban chung gồm Iran, Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Đức về khôi phục ... |
| Quan chức Iran đến Vienna đàm phán hạt nhân, Mỹ tham gia gián tiếp Ngày 27/11 trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Ali Bagheri đã đến thủ đô Vienna của Áo trước thềm cuộc đàm phán nhằm khôi ... |