Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Đảng ta và Đảng Thế giới mới (Saenuri) Hàn Quốc. |
Hoạt động tích cực và thiết thực
Một mặt, Đảng ta tiếp tục chú trọng củng cố, tăng cường, phát triển đi vào chiều sâu quan hệ với các đảng cộng sản, đảng cầm quyền ở các nước láng giềng và bạn bè truyền thống; đồng thời nỗ lực củng cố quan hệ với các đảng cộng sản, công nhân, đảng cánh tả trên thế giới. Quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Đảng Nhân dân Campuchia, Đảng Cộng sản Cuba tiếp tục được tăng cường, nhất là qua các cơ chế gặp gỡ cấp cao, hội thảo lý luận.
Quan hệ với các đảng cầm quyền, tham chính ở nhiều nước đối tác quan trọng được thúc đẩy, mở rộng và làm sâu sắc hơn, tiếp tục thể hiện vai trò khâu đột phá trên lĩnh vực đối ngoại đảng, nổi bật là quan hệ với các đảng cầm quyền ở khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Nga, Mỹ. Ta cũng triển khai các bước tiến tới thiết lập quan hệ với một số đảng lớn, trong đó có các đảng cầm quyền tại cả Bắc Mỹ và Tây Âu. Với các đảng khác ở châu Á, Trung Đông, châu Phi, Mỹ La-tinh, ta chú ý vừa mở rộng vừa tăng cường chiều sâu, thực chất, hiệu quả quan hệ. Trên các diễn đàn đa phương chính đảng, ta hoạt động ngày càng tích cực, chủ động, phát huy tốt, hiệu quả vai trò ủy viên Ủy ban Thường trực Hội nghị quốc tế các chính đảng châu Á (ICAPP), đóng góp thiết thực vào Hội nghị toàn thể ICAPP tổ chức tại Sri Lanka tháng 9/2014. Thông qua các hoạt động này, ta thúc đẩy trao đổi thông tin, kinh nghiệm và tăng cường quan hệ với các đảng cộng sản, công nhân, cánh tả trên thế giới, đồng thời bảo vệ lập trường, vận động sự ủng hộ đối với các vấn đề có ý nghĩa chiến lược, nhất là việc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ.
Những kết quả quan trọng
Các hoạt động đối ngoại thiết thực, tích cực trên kênh đảng đã đưa lại những kết quả quan trọng, đóng góp vào kết quả đối ngoại chung của đất nước.
Thứ nhất, các nước ngày càng hiểu rõ và coi trọng vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng ta đối với hệ thống chính trị và đất nước, coi trọng quan hệ với Việt Nam. Có thể thấy rõ điều này qua hoạt động đối ngoại cấp cao của các đồng chí lãnh đạo Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có các chuyến thăm rất thành công tới LB Nga, CH Belarus và Hàn Quốc. Các nước tiếp đón Tổng Bí thư hết sức trọng thị, nồng nhiệt đồng thời thể hiện rất thân tình, với nghi lễ ở mức cao nhất, thậm chí thực hiện một số biện pháp lễ tân ngoại lệ, rất đặc biệt. Chuyến thăm, làm việc tại Azerbijan và Pháp của Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh cũng được bạn hết sức coi trọng và đón tiếp trọng thị. Đoàn đã hội đàm, hội kiến, gặp và trao đổi với lãnh đạo cao nhất của hai nước. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có chuyến thăm các nước, kể cả những nước lớn có chế độ chính trị khác ta, được đón tiếp trọng thị, làm việc hiệu quả với hầu hết lãnh đạo cấp cao các nước.
Thứ hai, củng cố nền tảng chính trị để phát huy truyền thống quan hệ giữa Việt Nam với các nước. Các hoạt động đối ngoại trên kênh Đảng đã góp phần triển khai toàn diện, thúc đẩy mạnh mẽ và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa Việt Nam với các nước. Thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học-công nghệ, giáo dục - đào tạo, quốc phòng - an ninh, văn hóa… Một điểm đáng chú ý là, mặc dù khác biệt với Việt Nam về hệ thống chính trị, và giữa các chính đảng ở các nước cũng có sự khác biệt về quan điểm, song các đảng ở các nước đều thể hiện sự thống nhất cao trong ủng hộ chủ trương tăng cường củng cố và phát triển quan hệ với Việt Nam, coi đó là chính sách, ưu tiên không thay đổi trong chính sách đối ngoại.
Thứ ba, đối ngoại kênh Đảng đã góp phần quan trọng giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quan hệ giữa Việt Nam với một số nước, nhất là các nước láng giềng. Trong thời điểm khó khăn, giao thiệp giữa Đảng ta với các đảng đã góp phần hiệu quả tháo gỡ vướng mắc, khai thông bế tắc, giữ nhịp cho quan hệ nhà nước và tổng thể quan hệ chung phát triển ổn định, lành mạnh, đúng hướng. Thông qua kênh Đảng, chính giới các nước hiểu rõ, đầy đủ hơn về lập trường chính nghĩa của Việt Nam trong giải quyết vấn đề trên Biển Đông, nhất là liên quan tới sự kiện giàn khoan 981; từ đó, bày tỏ sự hiểu biết và ủng hộ đối với lập trường, chủ trương của Việt Nam giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, DOC và coi trọng xây dựng COC.
Thứ tư, tạo tiền đề, tạo đà đưa quan hệ giữa Đảng ta với các đảng bước vào giai đoạn phát triển mới, đi vào chiều sâu. Đảng ta đã ký mới thỏa thuận hợp tác với đảng cầm quyền ở một số nước, như Đảng Thế giới mới (Saenuri) Hàn Quốc, Đảng Tổ chức Thống nhất dân tộc Mã Lai (UMNO), Malaysia; ký Thỏa thuận hợp tác với Văn phòng Tổng thống CH Belarus. Quan hệ song phương kênh đảng với Mỹ cũng có bước đột phá.
Trọng tâm năm 2015
Với những gì đã và đang diễn ra, có thể thấy năm 2015 thế giới sẽ còn có nhiều biến động phức tạp. Khu vực Đông Nam Á, ASEAN đang đẩy mạnh quá trình chuẩn bị cho sự hình thành Cộng đồng ASEAN. Tình hình đó tác động nhiều mặt, nhiều chiều tới tình hình trong nước cũng như việc triển khai công tác đối ngoại. Năm tới cũng là năm có ý nghĩa rất quan trọng của đất nước, năm then chốt thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, chuẩn bị cho Đại hội XII, năm có nhiều ngày lễ lớn của đất nước. Trong bối cảnh đó, với tinh thần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, công tác đối ngoại đảng sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ Kết luận 73 của Bộ Chính trị khóa XI về "tăng cường quan hệ đối ngoại Đảng trong tình hình mới", tập trung vào mấy trọng tâm lớn sau:
Một là, phát huy vai trò chính trị, ngoại giao kênh Đảng, tiếp tục tạo nền tảng chính trị vững chắc cho sự phát triển bền vững, đi vào chiều sâu, thực chất quan hệ giữa nước ta với nước khác, nhất là các nước láng giềng có chung biên giới, các nước đối tác lớn...
Hai là, tăng cường công tác thông tin đối ngoại, nhất là thông tin về các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ quan trọng trong năm và hướng tới Đại hội XII của Đảng.
Ba là, tiếp tục triển khai hoạt động đối ngoại một cách đồng bộ, toàn diện, phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và giữa ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, văn hóa, quốc phòng-an ninh, tạo thành sức mạnh tổng hợp trên lĩnh vực công tác đối ngoại của cả hệ thống chính trị Việt Nam, bảo vệ vững chắc lợi ích quốc gia, dân tộc, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Tăng cường thống nhất quản lý các hoạt động đối ngoại.
Bốn là, tiếp tục mở rộng và tăng cường quan hệ đối ngoại đảng, đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực. Chú trọng tới khâu đột phá là quan hệ với các đảng cầm quyền, tham chính, và những đảng có vị trí và vai trò quan trọng trong việc hình thành và triển khai chính sách của các nước đối với Việt Nam. Đồng thời, thông qua kênh quan hệ Đảng, góp phần củng cố đoàn kết nội khối, phát huy vai trò trung tâm, dẫn dắt của ASEAN trong khu vực, đóng góp tích cực vào lộ trình hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Năm là, chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả cao vào các hoạt động đa phương chính đảng, theo đó phát huy mạnh mẽ vai trò của Đảng ta tại Hội nghị quốc tế các chính đảng châu Á (ICAPP), các hội nghị, hội thảo của các chính đảng ở các khu vực nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các chính đảng, các lực lượng chính trị đối với công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, đồng thời góp phần vào phong trào tiến bộ trên thế giới.
Hoàng Bình Quân
Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương