Theo ông, mức tăng này đã thật sự hợp lý với các doanh nghiệp hay chưa?
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra mức tăng lương tối thiểu với mong muốn người dân sớm đạt được mức sống tối thiểu. Còn việc tác động đến doanh nghiệp như thế nào thì VCCI đại diện cho các hiệp hội doanh nghiệp đã nêu ra rằng giữa mong muốn và thực tế đang có khoảng cách. Tất nhiên, nếu doanh nghiệp nào kinh doanh hiệu quả hơn thì sẽ triển khai mức lương tối thiểu nhanh hơn để đáp ứng mong muốn như Tổng liên đoàn đề xuất.
Về phía các hiệp hội doanh nghiệp, mức đề nghị điều chỉnh bao giờ cũng thấp hơn, vì ngoài lương tối thiểu, doanh nghiệp sẽ phải chịu tác động lớn từ việc điều chỉnh chính sách trong bảo hiểm xã hội. Hai phương án mà hai bên đưa ra đều chính đáng, nhưng qua quá trình phân tích, thương lượng và lắng nghe nhau, phía Tổng Liên đoàn vẫn chưa thể hài lòng vì rất mong muốn quá trình tăng lương tối thiểu sẽ phải nhanh hơn nữa.
Ông chia sẻ gì với doanh nghiệp khi phải tăng thêm chi phí?
Hiện nay, các doanh nghiệp đã trả lương cho người lao động cao hơn 1,5 lần tiền lương tối thiểu. Chúng tôi đang có danh sách của các doanh nghiệp tại Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội đang trả lương cho người lao động trung bình từ 5,5-6 triệu đồng/tháng.
Với mức đưa ra ở vùng I là 3,5 triệu đồng/tháng, về cơ bản, sẽ không có tác động đến doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức tăng này sẽ tác động đến việc đóng bảo hiểm. Trước đây, doanh nghiệp chỉ phải đóng cao nhất theo mức lương 3,1 -3,2 triệu đồng/tháng nhưng với mức tăng trên, doanh nghiệp cần đóng mức thấp nhất phải bằng 3,5 triệu đồng/tháng. Việc này sẽ làm tăng thêm phần chi phí doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm cho người lao động.
Khi tăng lương tối thiểu vùng, điều đầu tiên doanh nghiệp lo ngại là sẽ phải tăng mức đóng bảo hiểm xã hội. Vậy khả năng này thực sự làm khó cho doanh nghiệp ra sao?
Hiện nay, việc trả lương cho người lao động đang tuân thủ theo nguyên tắc thị trường và thỏa thuận. Mức lương tối thiểu được nhìn nhận là mức sàn thấp nhất để hai bên thỏa thuận và không được trả thấp hơn, chứ không phải để "neo" vấn đề trả lương cho người lao động. Trên thực tế, nếu các doanh nghiệp trả lương thấp hơn so với công việc và mặt bằng tiền công trên thị trường, người lao động sẽ chuyển sang làm cho doanh nghiệp khác, thậm chí điều kiện lao động không thuận lợi, họ cũng sẽ tìm đến những nơi có điều kiện tốt hơn.
Về bảo hiểm xã hội, hiện nay tỷ lệ đóng bảo hiểm thì cao nhưng trên một nền mức lương rất thấp. Quốc hội đã quyết định điều chỉnh vấn đề này để dần tiến đến quy định đóng bảo hiểm xã hội dựa trên tổng thu nhập. Việc này sẽ triển khai theo lộ trình ba năm. Nếu doanh nghiệp thấy sức ép quá lớn, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, thì các cơ quan Chính phủ cũng như bản thân Tổng Liên đoàn Lao động và giới chủ phải kiến nghị làm sao vừa có chính sách điều chỉnh lương tối thiểu tăng lên nhằm đảm bảo theo đúng luật. Mặt khác, cũng phải thực hiện luật bảo hiểm xã hội để người lao động khi nghỉ hưu sẽ được hưởng mức lương hưu phù hợp với mức sống tối thiểu.
Với việc tăng 12,4% thì mức lương năm 2016 sẽ đáp ứng bao nhiêu % mức sống tối thiểu của người lao động?
Trong quá trình thương lượng, Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra phương án là tiếp cận mức lương trung bình, tính dựa trên hệ số chi phí lao động một giờ bình quân của người lao động và GDP đầu người. Và cũng cần có sự tính toán để giữa mức tối thiểu và trung bình có khoảng cách nhằm tăng tính thỏa thuận và thương lượng giữa người sử dụng lao động và lao động.
Việc tăng mức lương tối thiểu sẽ đáp ứng 80% mức sống tối thiểu của người lao động. Khi lương tối thiểu tăng, lương trung bình tác động như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào cơ chế thương lượng.
Nguyễn Việt (thực hiện)